Đừng trách ai...
Cùng suy ngẫm 03/10/2022 09:46
Con người sinh ra trong nghèo khó không có nghĩa là cả đời phải sống trong nghèo khó. Nếu không nỗ lực phấn đấu làm việc, sẽ không biết số phận nằm ở đâu. Thực ra trong đời người, nghèo là cái bệnh chứ không phải là cái số, không thể đổ lỗi cho số mệnh được. Đã là bệnh thì ắt có cách chữa. Sự phá sản lớn nhất trong đời người, là mất đi lòng tin và không hăng say trong công việc. Có người lần đầu mới gặp khó khăn, đã chọn cách từ bỏ, cuối cùng đã tự đánh mất chính mình, chẳng làm nên trò trống gì. Nếu muốn thành công trong sự nghiệp, hãy cố gắng, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, nếu vấp ngã thì hãy đứng dậy đi tiếp, bởi thất bại là mẹ của thành công.
Ảnh minh họa |
Sinh ra trong nghèo khó, không có nghĩa là đánh mất đi sự tự tôn, để rồi trở nên tự ti, ích kỉ, nhỏ mọn. Hãy luôn nghĩ rằng, hoàn cảnh xuất thân không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là có quyết tâm và nỗ lực trong cuộc sống hay không mà thôi. Nếu tâm luôn rộng mở, sống độ lượng khoan dung, thì cuộc sống sẽ luôn được hạnh phúc, dù sự xuất thân có bần cùng đến mấy thì ta vẫn cao quý và luôn được mọi người yêu mến, kính trọng.
Người xưa có câu: “Trong lòng có ân, trong mệnh sẽ có phúc”. Ta được sống ở trên đời là nhờ ba mẹ sanh dưỡng, nhờ mọi người thường xuyên giúp đỡ, nhờ đất nước chở che. Khi luôn làm việc thiện, sẽ giúp ta thêm hạnh phúc. Khi biết đủ và biết tiếp nhận những gì đến với mình sẽ mang lại cho ta một niềm vui bất tận. Thái độ ấy, là thể hiện sự biết đủ, vì họ không tranh giành với bất kì ai, nên trong tâm luôn thanh thản và cảm thấy hạnh phúc mãn nguyện.
Con người ta khi mắc phải sai lầm, khuyết điểm, thường hay đổ lỗi cho người khác. Đức Phật đã nói: “Thật dễ thấy lỗi của người, nhưng quá khó để nhận ra lỗi của mình”. Đừng đổ lỗi việc của mình cho ông trời, hay cho người khác mà phải tập gánh trách nhiệm cho cuộc đời mình và thừa nhận khuyết điểm của bản thân, đừng nên đổ lỗi cho ai cả. Người xưa nói: “Kẻ vô học luôn đổ lỗi cho người, người có chút học thức tự trách mình, còn người thông minh thì không đổ lỗi cho ai cả”.
Trong cuộc sống, nói là vấn đề vô cùng quan trọng, nó có thể làm ra việc tốt, lẫn việc xấu, cũng có thể là phúc hay là họa. Con người sống với nhau, đừng buông lời thị phi, dèm pha người khác, đừng để lời nói phá vỡ cái nghĩa, cái tình. Hãy luôn nói lời ngọt ngào, yêu thương thì tình cảm mới có thể lâu bền và nhân nghĩa. Tình cảm này cũng giống như những lọ hoa thủy tinh rất dễ vỡ, nên thận trọng và lau chùi thường xuyên mới rũ sạch bụi trần ai. Tình cảm giữa con người với con người có qua, có lại, nếu ta lạnh giá như băng tuyết sao người khác lại cho ta làn gió xuân ấm áp được. Mình so đo, kò kè thì người sao có thể khoan dung đối đãi với mình. Gieo thiện lương thì thu về cảm kích, gieo nhiệt tình thì gặt hái tình thân đó là quy luật từ xưa tới nay.
Để được mọi người yêu mến, kính trọng, là điều rất nhiều người thèm khát và mong muốn, thậm chí phải phấn dấu cả đời để có được nó, thế nhưng để có được điều đó không phải ai cũng biết được. Bởi phàm ở đời cái gì quá cũng không tốt, ít quá cũng không nên, chỉ cần vừa đủ là được. Vậy nên, biết sống hài hòa, biết người biết mình là điều hạnh phúc nhất.