Đời sống người dân "khu ổ chuột" giữa Tp. Quy Nhơn
Nhịp sống văn hóa 15/12/2019 07:58
Hàng trăm hộ dân tại khu vực 6 thuộc phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định sống trong những căn nhà dựng tạm bợ, xây cất bằng tôn, gỗ, bạt trên đầm Thị Nại. Theo thời gian, những căn nhà ở đây đã xuống cấp, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường, đổ sập vào mùa mưa bão. Những ngôi nhà được chằng chéo, mong manh giữa thời tiết dông bão.
Những ngôi nhà khu ổ chuột tại khu vực 6, phường Hải Cảng, Tp. Quy Nhơn |
Chỗ trú ngụ của hàng trăm người dân tại đây là những căn nhà tạm và những cái chòi như tổ chim gần mé biển. Đó là sự lựa chọn của họ, không phải là nỗi bất hạnh do nghèo khó mà ra.
Khu vực 6 hay còn gọi là khu ổ chuột, ở phường Hải Cảng hình thành từ thời sau giải phóng đến nay đã mấy chục năm. Người dân ở đây, chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt xa bờ, đi biển, cào sò, huyết và các loại hải sản khác trên đầm Thị Nại để mưu sinh qua ngày.
Cuộc sống sinh hoạt người dân vùng biển, đàn ông đánh bắt hải sản, đàn bà ở nhà đan lưới, chăm sóc con cái. Mỗi gia đình ít nhất cũng 5-6 người con, có gia đình hơn chục người con. Con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng, nhưng nhà chật chội không có chỗ ở lại kéo nhau ra dựng nhà ở tạm trên đầm. Cứ thế, đời cha đến đời con, kế tiếp sinh sống trên đầm để thuận tiện cho việc đi biển, sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản.
Người dân sinh hoạt tại khu nhà tạm |
Nhiều năm liền, từ một vài hộ, giờ đến hàng trăm hộ dân sinh sống có người gọi đó là khu ổ chuột. Do nhà cất trên đầm, nên không thể xây dựng nhà kiên cố, họ chỉ dùng vật liệu đơn xơ như tôn, gỗ, tre, bạt để làm nhà ở, gọi là nhà rầm. Thời gian trôi qua những căn nhà xuống cấp, hư hỏng, dột nát, tường vách nhà bong tróc, trần nhà tróc lở, tôn phủ ngoài.
Nhưng nghiêm trọng hơn, do đời sống người dân vùng biển, họ quen với lối sống sinh hoạt, vệ sinh cá nhân bừa bãi. Đồ dùng sinh hoạt, ăn uống, rác thải sinh hoạt đổ xuống đầm, khiến nước đầm khu vực này đen nghịt, bốc mùi hôi thối phát sinh ô nhiễm môi trường tại khu ổ chuột. Chưa kể rác thải từ ghe thuyền ngư dân cập bến gần cảng biển Quy Nhơn thải xuống đầm, đầm biến thành hố chứa rác do người dân nơi đây xả ra.
Theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), thông thường ở các nước đang phát triển, khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra tới 60% việc làm cho lực lượng lao động. Còn ở Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra gần một nửa số việc làm ở các khu vực đô thị, hiện diện ở những xe nước mía, những gánh hàng rong, những cửa hàng sửa xe gắn máy...
Biện pháp giải quyết hay được những chính quyền sử dụng nhất là giải tỏa và tái định cư cho người dân ở khu này. Tuy nhiên, việc đưa những người làm nghề buôn gánh bán bưng ra khỏi môi trường sống quen thuộc của họ, ngay cả tới những khu căn hộ cao tầng hiện đại, thường là không khả thi do sự lãng phí kinh tế và xã hội quá lớn.
Một lời bào chữa nữa cho các khu ổ chuột là không phải người nghèo tạo ra những khu nhà xập xệ, chính sự thờ ơ của chính quyền là nguyên nhân chính dẫn tới việc các khu ổ chuột ngày càng phình to và trở thành lựa chọn duy nhất của người nghèo ở đô thị. Thêm vào đó, các chính sách giải tỏa thiếu thực tế đòi hỏi biến khu ổ chuột thành một khu dân cư hiện đại sau một đêm với chi phí không thể lường trước càng làm tình hình thêm tồi tệ.
Đường đi vào giữa các nhà chỉ vừa một người đi lại |
Cuộc sống phát triển, người dân được tiếp cận thông tin đa chiều từ các cơ sở quản lý của Nhà nước. Người dân khu vực 6, thuộc phường Hải Cảng nhiều lần yêu cầu TP Quy Nhơn thực thi dự án nhưng hơn chục năm nay dự án Kè chống lấn chiếm kết hợp chỉnh trang đô thị khu vực 10, phường Hải Cảng vẫn không được thực hiện.
Người dân vẫn sống trong những túp nhà tạm bợ lấn ra bờ biển, dự án của tỉnh sau đó lại giao cho thành phố Quy Nhơn, khất lần năm này qua năm khác.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch phường Hải Cảng cho biết, dự án để đưa những người dân ra khỏi khu tạm bợ đã được chính quyền tỉnh Bình Định phê duyệt. Nhưng sau đó tỉnh lại giao cho TP Quy Nhơn phải xử lý. Qúa trình kéo dài đã nhiều năm, người dân vẫn sống trong những vất vả nhưng hiện tại thì vẫn chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do.