Độc đáo khu di tích đền tháp Mỹ Sơn
Du lịch 16/05/2023 10:17
Lịch sử của Khu di tích đền tháp (DTĐT) Mỹ Sơn bắt đầu từ thế kỉ thứ IV với việc xây dựng các ngôi đền gỗ. Tuy nhiên, hơn 2 thế kỉ sau đó, các ngôi đền này đã bị cháy trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỉ thứ VII, Vua Sambhuvaman (trị vì từ năm 577 đến 629) đã sử dụng gạch để xây dựng lại các ngôi đền và chúng vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Sau đó, các triều đại kế tiếp đã xây dựng và tu bổ để thờ các vị thần.
Đặc biệt, những ngôi đền thờ chính trong Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn đều tôn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ là Bhadresvara, là vị Vua đã sáng lập ra dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỉ thứ IV kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - Vua và tổ tiên hoàng tộc.
Đến Khu DTĐT Mỹ Sơn, du khách được ngắm một vùng quê êm ả, thanh bình với những cánh đồng lúa chín vàng óng ả, ngọn núi Chúa cao vời vợi, in bóng xa tít tắp tận cuối chân trời, những tháp Chàm rêu phong, cổ kính, những tượng đá có hình vũ nữ uyển chuyển trong điệu múa Apsara.
Du khách theo lối mòn bên những đống đá, gạch đổ nát, hoang tàn để mải mê ngắm những vũ nữ, vị thần…. được khắc trên gạch hoặc đá. Giữa bốn bề u tịch của lòng chảo Mỹ Sơn, những ngôi đền tháp thiêng trầm mặc gợi bao hoài cảm về thời hào hùng xưa. Những cổ tháp nhuốm màu thời gian, rêu phong nghiêng mình in bóng giữa đêm trăng huyền bí, cô tịch. Những huyền thoại về đền tháp không chỉ bởi sự bí ẩn về cách người Chămpa xây tháp, mà còn bởi nghệ thuật chạm khắc trên gạch, đá.
Do thiên tai, chiến tranh, đến nay Khu DTĐT chỉ giữ lại được khoảng gần 20 tháp. Tuy nhiên, tất cả tài liệu bia kí, kết quả khảo cổ, dấu tích vật chất còn lưu lại tại Mỹ Sơn và một số bảo tàng trong nước như Bảo tàng Điêu khắc Chămpa tại Đà Nẵng, Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh... cũng đủ khiến người ta cảm phục về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí của người Chămpa cổ xưa. Đăc biệt, cho đến nay kĩ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vẫn là một bí ẩn luôn kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu và đam mê khám phá của các nhà khoa học.
Trong thời gian gần đây, Khu DTĐT Mỹ Sơn đã thực hiện việc xây dựng, nâng cấp và cải tiến các sản phẩm dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng du lịch, bao gồm việc dàn dựng chương trình văn nghệ dân gian Chămpa (6 suất/ngày, trong đó có 2 suất trình diễn trong tháp), hoàn chỉnh chương trình tham quan các khu đền tháp mới đã được trùng tu (A, K, H), sử dụng mã QR để kiểm soát vé, cải tiến hệ thống thuyết minh đa ngôn ngữ và giới thiệu trải nghiệm thực tế ảo tham quan Mỹ Sơn.
Hơn nữa, Khu du lịch còn hợp tác với các doanh nghiệp để đưa khách du lịch đến tham quan và thưởng thức "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại". Tất cả những nỗ lực này đã giúp cho hoạt động du lịch tại Mỹ Sơn phục hồi nhanh hơn dự kiến.
Theo Ban Quản lí Khu DTĐT Mỹ Sơn, lượng khách mua vé tham quan đã tăng dần qua từng tháng từ đầu năm 2023 đến nay, với hàng ngàn khách du lịch đến Mỹ Sơn mỗi ngày. Các nhóm tháp mới trùng tu đã được mở cửa để phục vụ khách du lịch, tạo ra sự đa dạng điểm đến cho khách du lịch quốc tế. Với sự trở lại của các thị trường khách quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc, mục tiêu đề ra sẽ sớm hoàn thành và vượt kế hoạch. Hiện tại, Mỹ Sơn đã đón khoảng 80 nghìn lượt khách du lịch tính đến chiều ngày 20/3, trong đó con số bình quân mỗi ngày đạt 1.000 khách, gần bằng với con số trước dịch Covid-19, đạt mức 1.200 nghìn lượt khách/ngày.
Ngoài các thị trường khách truyền thống như Hàn Quốc và châu Âu, Mỹ Sơn đã thu hút được các thị trường khách mới từ các nước như Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ. Trong đó, khách du lịch Ấn Độ đang tăng đột biến và chiếm 10% trong tổng số khách đến Mỹ Sơn tính đến thời điểm hiện tại. Hiện nay, số lượng khách tham quan Khu DTĐT Mỹ Sơn mỗi ngày đạt hơn 90% so với thời điểm trước dịch. Nếu tình hình ổn định, dự kiến năm nay Mỹ Sơn sẽ đón khoảng 300 nghìn lượt khách và “bức tranh” du lịch Mỹ Sơn sẽ hoàn toàn hồi phục vào năm 2024.