Đo đạc, bàn giao giao mốc giới dân không hề hay biết?
Pháp luật - Bạn đọc 18/08/2021 18:28
Ngày 12/8/2021, Thanh tra Chính phủ đã chuyển đơn của người dân ngõ 244 đến UBND quận Hoàng Mai xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Đo đạc, bàn giao mốc giới dân không hề hay biết?
Người dân sinh sống tại tổ 26, ngõ 244, phố Trịnh Đình Cửu, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội khẳng định, diện tích đường đi ngõ 244 vẫn không xê dịch trong suốt hơn 40 năm qua.
Những cột bê tông của dãy gian nhà cấp 4 tồn tại hàng chục năm qua, minh chứng cho mốc giới giáp ranh với khu đất mà Tổng công ty 36 phân lô, bán nền lần ra 1/3 lòng đường ngõ 244 |
Đáng lẽ trong quá trình đo đạc, bàn giao mốc giới cho Tổng Công ty 36 xây dựng công trình, chính quyền và doanh nghiệp cần phải mời người dân (giáp ranh) đến làm việc, chứng kiến để tránh khiếu kiện, khiếu nại; đồng thời Bản vẽ đo đạc bàn giao khu đất năm 2005, tỷ lệ 1/200 giữa Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đất Bộ Quốc phòng và UBND phường Định Công cần phải được tôn trọng, nhưng thực tế đã bị phớt lờ.
Mới đây, tại buổi làm việc với phóng viên Tạp chí Ngày mới obline, ông Hoàng Mạnh Tùng, đại diện phụ trách dự án của Tổng công ty 36 cho biết, công trình xây dựng giáp ranh ngõ 244 đã dừng thi công từ năm 2016 tới nay, do có sự khiếu kiện của người dân về mốc giới. Tổng Công ty 36 cũng có ý kiến đề xuất, thỏa thuận với khách hàng mua lô đất xây lùi lại so với mốc giới. Tuy nhiên, UBND phường Định Công trả lời là tất cả việc điều chỉnh phải được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước. Có nghĩa, phải điều chỉnh từ quy hoạch, điều chỉnh cấp phép, đấu giá đất... từ phía cơ quan chức năng, mọi việc tăng hay lùi đối với diện tích đất đã được quy hoạch đều không đúng quy định.
Tuy nhiên, người dân ngõ 244 cho rằng, chưa bao giờ họ được nghe thông tin như nội dung mà ông Tùng cung cấp cho phóng viên. Có chăng trước đây vào năm 2016, có một cán bộ Tổng Công ty 36 đến trao đổi và kèm theo lời đề nghị người dân tạo điều kiện giúp đỡ để anh ta hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không được đồng ý.
"Vì con ngõ là đường giao thông do Nhà nước quản lý đã tồn tại từ gần nửa thế kỷ nay, quá trình sinh sống các hộ dân còn không dám tư lợi một cm nào cho mình, huống hồ nay họ lấn ra 1/3 phần đường để xây dựng công trình (phân lô, bán nền) mà đưa ra điều kiện này nọ là quá vô lý, coi thường dân, coi thường luật lệ. Con ngõ chỉ rộng 2,9 m, nay bị lấn mất 1m lòng đường, phần còn lại chỉ đủ lọt cho một chiếc xe máy qua lại thì không thể chấp nhận được" - bà Vũ Thị Tuyết, ngõ 244 bức xúc.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết, sự việc này có nhiều vấn đề, hết dịch phường sẽ hẹn và trao đổi với phóng viên sau.
Không xem xét xác định lại mốc giới liệu có khách quan?
Được biết, năm 2016, người dân và UBND phường Định Công đã có đơn thư, văn bản kiến nghị gửi Sở TN&MT TP Hà Nội để xác minh, làm rõ mốc giới ngõ 244 nhưng không được chấp thuận, vì không đủ cơ sở pháp lý để Sở báo cáo cấp trên có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Người dân cho rằng, việc Sở TN&MT TP Hà Nội không thụ lý đơn thư công dân, cũng như không xem xét văn bản đề nghị của UBND phường Định Công về xác định mốc giới là không khách quan. Bởi, năm 2013, chính Sở TN&MT có Tờ trình UBND TP Hà Nội, về việc cho phép Tổng Công ty 36 chuyển mục đích 7.533 m2 đất tại tổ 24, phường Định Công, quận Hoàng Mai để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình Metropolitan CT36 có nêu: “Hiện trạng ranh giới sử dụng đất tại vị trí 04 vị trí mà Tổng Công ty 36 xin chuyển mục đích sử dụng đất được UBND phường Định Công xác nhận không có tranh chấp khiếu kiện” là không đúng với thực tế.
| ||
"Người dân không hề hay biết quá trình chuyển đổi mục đích, đo đạc mốc giới, chuyển giao khu đất diễn ra từ lúc nào!? Đó là việc riêng của Nhà nước và Tổng Công ty 36. Chúng tôi chỉ biết rằng, sau khi doanh nghiệp bán đất nền cho dân thì xảy ra tình trạng rào tường, lấn ngõ đi lại nên mới làm đơn trình báo chính quyền giải quyết. Nhưng đến nay, cấp chính quyền TP Hà Nội lại không cương quyết giải quyết triệt để, thậm chí thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước quyền lợi của người dân ngõ 244" – bà Tuyết nhấn mạnh.
Năm 2014, khu đất 7533 m2 mà Tổng Công ty 36 xin chuyển đổi mục đích sử dụng để xây nhà cao tầng và thấp tầng không qua đấu giá và được UBND TP Hà Nội phê duyệt đơn giá thu tiền sử dụng đất là 53.888.100.800 đồng. Cụ thể, phần diện tích 2.667,9 m2 đất xây dựng nhà cao tầng là: 16.332.101 đồng/m2; phần diện tích 381,1 m2 đất xây dựng nhà thấp tầng là: 27.046.899 đồng/m2. Hơn 3.266 m2 đất giới hạn các mốc để làm sân, đường nội bộ cho Tổng Công ty 36 thuê thời hạn 50 năm, nộp tiền thuê đất hàng năm; Hơn 1.217 m2 còn lại nằm trong chỉ giới đường đỏ là đất nằm trong phạm vi mở đường theo quy hoạch, giao giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý sau khi xây dựng xong. Theo giấy phép xây dựng cấp cho Tổng Công ty 36 gồm có 2 tòa chung cư, mỗi tòa cao 25 tầng + 2 tầng hầm; tổng diện tích sàn xây dựng: 66.092 m2 (chưa bao gồm diện tích 2 tầng hầm); quy mô dân số 1.000 người. Người dân cho rằng, phần diện tích 381,1 m2 nhà thấp tầng được bán cho dân xây dựng nhà thấp tầng và vị trí lô đất giáp ranh ngõ 244 (tồn tại hơn 40 năm nay) lại lấn ra 1/3 phần đường giao thông đi lại, khiến cho người dân phản ứng gay gắt. |