Dạy nghề cho LĐNT phải gắn với nhu cầu thực tiễn địa phương
Nghiên cứu - Trao đổi 03/07/2023 09:48
Xác định đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ dạy nghề cho LĐNT, định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp nhu cầu hiện nay, từ đó giúp người lao động sau khi học nghề dễ tìm việc làm. Những năm qua, công tác đào tạo nghề của huyện đã sát với thực tiễn, đi sâu vào chất lượng bằng việc gắn với tình hình sản xuất và nhu cầu của doanh nghiệp. Đào tạo nghề hướng tới giải quyết việc làm, chú trọng đầu ra vì vậy đã giúp người lao động sống được bằng nghề, nhất là đối với LĐNT.
Sau khi học nghề xong, một bộ phận LĐNT đã thành công trong chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm mới tại các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tại địa phương, thực hiện được quá trình “li nông bất li hương”. Không những tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình, một số cá nhân đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho các lao động khác, góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu LĐNT, xây dựng nông thôn mới.
Việc thành công trong đào tạo nghề cho LĐNT ở một số nơi chính là biết dạy những gì người dân cần và gắn liền với thực tiễn tại địa phương để người dân tận dụng và phát huy những điều kiện tự nhiên đáng có. Bên cạnh đó, phải xem việc dạy nghề không chỉ thuần túy dạy nghề mà còn tư vấn, hướng dẫn người nông dân cách thức tổ chức sản xuất - kinh doanh, bảo đảm “đầu ra” sản phẩm hoặc tiếp nhận lao động sau khi học nghề.
Đã có những dự án dạy nghề cho LĐNT bị thất bại do nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề cho LĐNT, coi đào tạo nghề là biện pháp tình thế, có tính thời điểm, do vậy chưa có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các cấp, chỉ chạy theo số lượng, dự án được tài trợ mà không đi sâu vào công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động tại địa phương. Chính điều này đã khiến việc đào tạo nghề không gắn với đặc điểm và thực tiễn phát triển của địa phương, không tận dụng được thế mạnh vùng, miền, đặc thù lao động và tập quán sinh hoạt khiến người học nghề xong không có việc làm, không có khả năng phát huy được những gì đã học, tạo ra sự lãng phí rất lớn không chỉ cho người học mà cho cả xã hội.
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế của huyện nhà và kết quả điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu việc làm của LĐNT, nhiều địa phương đã xây dựng các danh mục đào tạo nghề, từ đó các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường được nhân rộng; những ngành, nghề không còn phù hợp đều được thay thế, trong đó có ưu tiên dạy nghề cho lao động ở các xã, thị trấn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đối tượng chính sách, người có công, người khuyết tật, hộ nghèo và cận nghèo.
Trong những năm qua, nguồn lực thực hiện dạy nghề cho LĐNT chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở nguồn kinh phí được cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức các lớp đào tạo nghề theo đúng chương trình đào tạo, kế hoạch dạy nghề đã được cơ quan chức năng phê duyệt; lập các biểu mẫu, sổ sách quản lí dạy và học đối với lớp dạy nghề theo hệ thống biểu mẫu, sổ sách quản lí dạy và học trong đào tạo nghề, trình độ sơ cấp nghề theo các quy định hiện hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thực hiện các cam kết trong hợp đồng đặt hàng đào tạo nghề, quản lí, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.
Thực tế cho thấy, để phát huy được thành công trong đào tạo nghề cho LĐNT gắn liền với thực tiễn địa phương, trước hết các cơ sở đào tạo, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác nắm bắt thị trường lao động, dự báo nhu cầu công việc từ đó định hướng, xây dựng kế hoạch đào tạo, góp phần thành công trong giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn.