Đầu năm du khách ùn ùn kéo tới huyệt đạo thiêng tại khu di tích khởi nghĩa Bà Triệu
Nhịp sống văn hóa 01/02/2023 08:01
Huyện Triệu Sơn vừa tổ chức khai mạc lễ hội Đền Nưa – Am Tiên năm 2023, kỷ niệm 1775 năm khởi nghĩa Bà Triệu (248-2023) vào ngày mùng 9 tháng Giêng. Trong ngày diễn ra lễ hội, du khách được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của xứ Thanh...
Người dân đứng xung quanh huyệt đạo thiêng cầu an |
Am Tiên nằm trên đỉnh Núi Nưa thuộc làng Cổ Định, xã Tân Ninh (nay là thị trấn Nưa), huyện Triệu Sơn. Quần thể bao gồm: Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên, với tổng diện tích 100 ha, riêng khu vực Am Tiên là 4 ha. Là nơi gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Câu nói "Na Sơn nhất phiến nhất hộ thiên hạ biến" nghĩa là: “Một tiếng hô ở Núi Nưa đã chuyển biến ở thiên hạ”, chính là sự đề cao sự nghiệp anh hùng bất tử của Bà Triệu.
Núi Nưa là ngọn núi cao nhất ở vùng phía nam Thanh Hoá, dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam được bắt đầu từ các huyện Như Thanh, Nông Cống đổ về Nghệ An. Núi có chiều dài gần 20 km, làm nên bức trường thành Đông Nam tự nhiên, với một thung lũng rộng lớn, phía đông núi Nưa là đồng bằng châu thổ, đất đai màu mỡ, từ xa xưa đó là vùng dân cư trù mật. Do vị trí, địa hình ở thế đặc biệt Núi Nưa được xem là ngọn núi chủ của đồng bằng xứ Thanh, được sử sách ghi chép và là đề tài sáng tác thơ văn của biết bao tao nhân mặc khách như Nguyễn Dữ, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Huy Ôn...
Đỉnh núi Nưa, nơi có động Am Tiên là một khu đất rộng và khá bằng phẳng. Tuy ở độ cao 585m so vơi mực nước biển nhưng ở đấy vẫn có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt đã tạo thành một cái giếng tự nhiên rất đặc biệt mà dân gian đặt tên là Giếng Tiên, nước nơi đây không bao giờ vơi cạn, múc bao nhiêu đầy bấy nhiêu, tương truyền là giếng dành riêng cho Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xung trận, phía dưới vài trăm mét có một hố nước rộng gọi là Ao Hóp, tương truyền là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho nghĩa quân Bà Triệu. Trên đỉnh Núi Nưa ngoài động Am Tiên còn có bàn cờ Tiên, vườn thuốc Tiên và vườn Đào Tiên mà sử sách và truyền thuyết đã nhắc đến như một trung tâm của sự tu tiên đắc đạo. Dưới chân Núi Nưa có đền Nưa, tên chữ là Na Sơn Từ. Vì là nơi thờ Bà Triệu nên dân gian còn gọi là Đền Đức Vua Bà.
Từ cổng đền Am Tiên đi vào sâu bên trong khoảng hơn 100m sẽ thấy huyệt thiêng, hay gọi là huyệt khí dương. Theo cách gọi của các nhà phong thủy thì nơi đây là điểm hội tụ giao hòa của đất và trời (hay cổng trời), tất cả linh khí của trời đất sẽ được hội tụ tại huyệt đạo thiêng này. Huyệt đạo thiêng ở đây là một khoảng đất rộng, được rào chắn kỹ lưỡng, bán kính khoảng 21m, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan đến chiêm bái, thưởng ngoạn vào dịp đầu năm.
Đầu năm người dân khắp nơi đổ về đền Nưa - Am Tiên |
Theo truyền thuyết và thần tích, Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ, tức năm 226, người ở miền núi Quân Yên, Quận Cửu Chân thuộc địa phận xã Định Công huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Bà là em gái Triệu Quốc Đạt - một huyện lệnh có thế lực trong vùng. Cha mẹ mất sớm bà ở với anh. Năm 20 tuổi, chưa lấy chồng, bà đã chiêu nạp trai tráng trong vùng, luyện tập võ nghệ, sau hợp binh với anh nổi dậy khởi nghĩa. Khi Triệu Quốc Đạt mất, bà được nghĩa sỹ tôn làm chủ soái.
Năm 248, quan lại nhà Ngô tàn ác, khiến nhân dân khổ sở, Bà Triệu đã cùng với anh trai Triệu Quốc Đạt dấy binh khởi nghĩa, sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, Bà Triệu và nghĩa quân đã vượt sông Chu đến vùng Núi Nưa cách vùng Núi Quân Yên 30 km để lập căn cứ, chuẩn bị khởi nghĩa... Ở vào vị trí có tính chất chiến lược quan trọng, vùng Núi Nưa-Triệu Sơn được bà Triệu chọn làm căn cứ, bàn đạp cho cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô.
Với vị trí có tính chất chiến lược, năm 248, từ căn cứ Ngàn Nưa nghĩa quân Bà Triệu đã ào xuống tập kích thành Tư Phố (nay thuộc làng Giàng xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa) và nhanh chóng tiêu diệt được lực lượng đầu não của chính quyền đô hộ ở Cửu Chân. Sau đó, từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa đã lan ra Giao Chỉ, vào tận Cửu Đức, Nhật Nam đã làm toàn Châu Giao chấn động và thứ sử Châu Giao mất tích. Hốt hoảng trước thanh thế của nghĩa quân Bà Triệu, triều đình nhà Ngô đã phải cử Lục Giận (cháu họ viên danh tướng Lục Tốn) đem một binh lực lớn với nhiều lâu thuyền yểm trợ kéo sang nước ta nhằm đè bẹp cuộc khởi ghĩa. Cuối cùng với tương quan lực lượng chênh lệch, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã bị đàn áp, Bà Triệu đã tuẫn tiết ở núi Tùng (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Sau khi Bà Triệu mất nhân dân trong vùng đã lập đền thờ Bà, tại quần thể di tích núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn. Đền thờ Bà Triệu mà dân gian còn gọi là đền Đức Vua Bà. Ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm là ngày khai hội để Nhân dân ôn lại trang sử vẻ vang và hào hùng của dân tộc, tri ân đối với nữ anh hùng Triệu Thị Trinh đã có công lao to lớn đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông. Cũng trong ngày này, từng dòng người lại đổ về nơi đây để tham gia lễ mở “cổng trời”, xin lộc, cầu an. Người dân quan niệm, khi lên đến huyệt đạo thiêng, nữ nên đi 9 vòng, nam thì 7 vòng xung quanh huyệt. Khi đi thì mọi suy nghĩ, lo toan hãy gạt bỏ sau lưng, vừa đi vừa cầu khấn cho mình được bình an, may mắn, sẽ giúp tinh thần sảng khoái, thư thái.