Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà báo cách mạng xuất sắc
Đời sống 20/06/2021 08:18
Thời sinh viên, lúc đang còn học ở Trường Quốc học Huế, ông Võ Nguyên Giáp đã viết nhiều bài báo phản đối chính sách bóc lột của thực dân Pháp. Đặc biệt là bài báo viết bằng tiếng Pháp “Hãy trả tự do cho cụ Phan Bội Châu” đăng trên tờ I’Annam của luật sư Phan Văn Tường, xuất bản tại Sài Gòn (tháng 6/1925). Bài báo đã gây tiếng vang lớn trong giới trí thức, học sinh, sinh viên, công nhân và quần chúng lao động trong cả nước. Lúc bấy giờ mọi tầng lớp Nhân dân khắp ba miền Bắc-Trung- Nam đã xuống đường biểu tình đòi chính quyền Pháp trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Cuộc biểu tình đòi ân xá cụ Phan Bội Châu của các tầng lớp Nhân dân, nhất là ở TP Huế kéo dài hàng tháng trời. Trong những ngày ấy, Tòa đại hình Pháp tại Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi để xử cụ Phan Bội Châu, nhưng đành phải bó tay trước sức mạnh báo chí và quần chúng Nhân dân đòi ân xá cụ Phan Bội Châu “Người anh hùng - vị thiên sứ- xã thân vì đại nghĩa”. Nhờ vậy mà ngày 25/12/1925, Toàn quyền Đông Dương Va-ren đã kí sắc lệnh trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Đây là một thắng lợi quan trọng từ tinh thần bài báo của ông Võ Nguyên Giáp.
Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, ông Võ Nguyên Giáp xin vào làm biên tập cho báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong thời kì này, ông đã viết nhiều thể loại báo chí, dưới nhiều bút danh khác nhau để tuyên truyền chủ nghĩa Mác, khơi dậy lòng yêu nước cho thế hệ trẻ và gây được sự chú ý của công chúng trong cả nước.
Hoạt động báo chí sôi nổi nhất của ông Võ Nguyên Giáp là thời kì Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Giai đoạn này, Đảng ta triệt để tận dụng mọi khả năng hoạt động của báo chí để đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi đặc xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân của Pháp. Lúc bấy giờ ông Võ Nguyên Giáp là người khởi xướng ra tờ báo cách mạng đầu tiên: “Hồn trẻ tập mới” (mua lại bản quyền “Hồn Trẻ” của Hướng Đạo Sinh). Tờ báo đã kịp thời ra mắt bạn đọc vào ngày 6/6/1936, chỉ 2 ngày sau Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp do Leon Blum làm thủ tướng lên nắm quyền. Tờ báo ra được 5 số thì bị nhà cầm quyền thực dân đóng cửa. Nhưng “Hồn Trẻ” đã trở thành tiếng chuông báo hiệu phong trào hoạt động báo chí công khai của Mặt trận Dân chủ.
Sau đó, ông Võ Nguyên Giáp đã chuyển sang làm báo tiếng Pháp. Vì theo luật của chính quyền thực dân, ra báo tiếng Pháp chỉ phải nộp tờ khai, còn ra báo tiếng Việt thì phải qua nhiều thủ tục rất phiền phức. Lúc bấy giờ, ông Võ Nguyên Giáp đã cộng tác với ông Nguyễn Thế Rục là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, học viên Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Hai ông đã ra tờ “Le Travail” (Lao Động). Tờ báo ra mắt độc giả vào ngày 16/9/1936 và hoạt động được 7 tháng, với 30 số báo. Đến ngày 16/4/1937, tờ báo bị nhà cầm quyền Pháp đóng cửa. Ông Võ Nguyên Giáp là biên tập viên chính của tờ “Le Travail”, đã đảm nhiệm nhiều đề tài, đi sâu phản ánh cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân thời kỳ đó, được dư luận công chúng quan tâm.
Sau đó, ông Võ Nguyên Giáp tham gia “Ủy ban hành động bán hợp pháp” của Đảng do ông Trường Chinh phụ trách. Ủy ban có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đường lối của Đảng đối với công tác báo chí công khai. Nhờ vậy mà hàng chục tờ báo của Mặt trận Dân chủ, của các đoàn thể nối tiếp nhau ra đời, như tờ: Thời thế, Bạn dân, Tin tức, Đời nay, Ngày mới, Thế giới. Báo tiếng pháp có: Rassemblement (Tập hợp), En Avant (Tiến lên), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta)… Thời kì này, ông Võ Nguyên Giáp viết báo bằng tiếng Pháp là chủ yếu để tuyên truyền vận động cách mạng.
Bác Hồ lúc ấy ở Trung Quốc đã gửi bài dưới bút danh P.C.Lin để bắt liên lạc với Trung ương Đảng ta và góp ý kiến chỉ đạo phong trào Mặt trận Dân chủ. Tại Hội nghị Báo giới Bắc Kỳ, do Xứ ủy lãnh đạo đã tổ chức họp ở Hà Nội ngày 22/4/1937, ông Võ Nguyên Giáp đã được cử làm Chủ tịch, ông Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Trước đó, ông Võ Nguyên Giáp đại diện cho báo giới Bắc Kỳ vào Huế để dự Hội nghị báo giới Trung Kỳ. Giai đoạn Mặt trận Dân chủ đã đánh dấu sự trưởng thành, nhạy bén, sắc sảo, vững vàng và thạo nghề làm báo của ông Võ Nguyên Giáp. Sau này, ông đã tự nhận xét: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Làm một số báo giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng”.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Giữa năm 1940, ông Võ Nguyên Giáp và ông Phạm Văn Đồng được Đảng cử sang Trung Quốc gặp Bác Hồ tại Côn Minh, rồi đến đầu năm 1941 theo Bác trở về nước. Sau Hội nghị Trung ương 8, Mặt trận Việt Minh được thành lập. Lúc này, Bác Hồ ra báo Việt Nam Độc lập. Ông Võ Nguyên Giáp được phân công viết các bài báo cho tờ Việt Nam Độc lập. Sau khi được Bác Hồ duyệt rồi mới đưa in. Trong thời gian làm báo với Bác Hồ, ông Võ Nguyên Giáp đã thấm nhuần được yêu cầu viết báo của Bác: Ngắn gọn, dễ hiểu, súc tích, thiết thực.
Tháng 12/1944, Bác Hồ giao cho ông Võ Nguyên Giáp thành lập đội quân chủ lực đầu tiên: “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”. Lúc này ông Võ Nguyên Giáp cho ra tờ báo của Đội quân Tuyên truyền, với tên gọi: “Tiếng súng reo”. Sau khi thống nhất các lực lượng vũ trang của Đảng thành Quân Giải phóng Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã cho thành lập báo Quân Giải phóng.
Tháng 6/1945, sau khi thành lập Khu giải phóng Việt Bắc, ông Võ Nguyên Giáp được cử làm Thường trực Ủy ban Giải phóng. Theo sự chỉ đạo của Bác Hồ, ông Võ Nguyên Giáp ra tờ báo “Nước Nam Mới”. Tờ báo phát hành được 7 số thì cách mạng tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Lúc này ông Võ Nguyên Giáp được phân công nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tuy công tác vô cùng bận rộn, nhưng ông vẫn tranh thủ viết bài cho các báo: Cờ Giải Phóng, Cứu Quốc, Sao Vàng.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với cương vị Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường xuyên viết bài cho các báo của Đảng, của Mặt trận và các đoàn thể. Đại tướng luôn quan tâm đến công tác hoạt động báo chí, xuất bản trong lực lượng vũ trang nhân dân, coi báo chí là một “vũ khí sắc bén” trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình.
(Viết theo tư liệu trong các tập hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)