Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu động viên tôi: “Nên về báo Người cao tuổi!...”
Tâm sự 10/08/2020 10:54
Năm 1991, ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được phong Thượng tướng năm 1992. Trung ương khóa VII bầu bổ sung ông vào Bộ Chính trị năm 1994. Tháng 12/1997, tại Hội nghị Trung ương 4, khóa VIII ông được bầu làm Tổng Bí thư. Vào những năm đó tôi chuyển ngành ra ngoài làm báo dân sự.
Tôi được gần gũi ông những năm 2000 trở đi, khi làm Tổng biên tập Báo Xây dựng (Bộ Xây dựng) và làm biên tập cho tờ Văn nghệ Trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) do nhà thơ Hữu Thỉnh mời tôi làm trợ lí cho anh. Những năm đó, báo Văn nghệ Trẻ phản ánh rất quyết liệt nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng trong xã hội mà điển hình là vụ đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng), nhiều vụ xảy ra ở Bộ Giao thông vận tải và ngành Đường sắt Việt Nam, v.v… Một loạt bài điều tra tôi viết gây chấn động dư luận xã hội và “nóng” cả nghị trường Quốc hội. Vị Bộ trưởng Giao thông vận tải bị chất vấn, lúng túng không trả lời nghiêm túc sau đó bị miễn nhiệm. Dịp ấy, Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất hoan nghênh báo Văn nghệ Trẻ liền bảo Thư kí Lê Văn Dần nhiều lần gọi tôi đến gặp tại Văn phòng, ở biệt thự số 65 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Lúc đầu tôi lo tưởng ông nhắc nhở viết lách có gì sai phạm nhưng không ngờ ông rất khen, động viên báo và tôi cần tiếp tục phản ảnh mạnh mẽ những vụ việc như thế. Ông nói: “Văn nghệ Trẻ nêu rất tốt! Trúng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 6, lần 2”. (Nghị quyết về chống 4 nguy cơ, trong đó có nguy cơ tham nhũng do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu làm Trưởng ban chỉ đạo). Tôi được ông cho phép khi cần có thể gặp bất cứ lúc nào. Tôi thường “Thưa Thủ trưởng” hay gọi “bác”. Ông dặn “xưng hô anh em cho thân mật”. Từ đó, tôi được gọi ông là “Anh”. Bởi vậy, tôi có nhiều dịp xin phép ông đưa khách có nhu cầu gặp Cựu Tổng Bí thư, đồng thời một số lần đăng kí làm phỏng vấn ông về phòng, chống tham nhũng, hay công tác cán bộ để đăng báo.
Năm 2005, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (FDI) mời tôi đứng ra thành lập cơ quan báo chí. Ông Chủ tịch Mai Thanh Hải gặp tôi trao đổi, đưa cho một sấp tài liệu. Trong một tuần tôi viết xong đề án. Một tháng sau có giấy phép xuất bản Tạp chí, tôi làm Tổng biên tập. Năm đầu chỉ có 3 người (tôi, nhân viên kế toán và một biên tập viên), vậy mà đều đặn xuất bản ấn phẩm hàng tháng. Vừa làm báo Văn nghệ Trẻ vừa làm Tạp chí này tôi thấy nhẹ như không.
Tháng 1/2007, ông Nguyễn Thế Dũng, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Hội NCT Việt Nam tìm gặp tôi đặt vấn đề mời về làm Tổng biên tập báo Người cao tuổi. Báo này ra đời đã 12 năm. Ông Dũng cho biết, sau Đại hội lần thứ III năm 2006 của Hội, Ban Thường vụ bàn về báo Người cao tuổi nên tồn tại hay giải thể? Lúc ấy, mấy vị Phó Chủ tịch Hội là cựu Ủy viên Trung ương, hàm Bộ trưởng như các ông Cao Sĩ Kiêm, Đỗ Nguyên Phương, bà Phạm Thị Sơn và ông Đinh Văn Tư không muốn mất đi cơ quan ngôn luận nên đặt vấn đề cần giữ nhưng tìm người có đủ năng lực, nghiệp vụ, trẻ tuổi hơn về phụ trách. Tôi khảo sát biết tờ báo này đúng là yếu kém, nội bộ rất phức tạp, ít bạn đọc biết đến nên từ chối. Hai lần sau ông Nguyễn Tấn Trịnh, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam cùng ông Dũng lại đến gặp tôi vận động. Tôi cảm ơn, nói rõ mình đang chủ trì tờ Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài. Tôi giới thiệu mấy đồng nghiệp như nhà văn Nguyễn Huy Thông (Vụ trưởng Văn phòng Quốc hội, từng là TBT báo Sáng tạo), Đại tá nhà văn Nguyễn Chi Phan (Phó TBT báo Cựu Chiến binh Việt Nam), nhà báo Lê Quang Cảnh, cựu TBT báo Đại đoàn kết (Phó trưởng ban Phong trào của Hội). Ông Trịnh bảo: “Chúng mình chỉ muốn Kim Quốc Hoa thôi!...”
Chiều 23/2/2007, thư kí Lê Văn Dần gọi điện: “Sáng mai, đúng 9 giờ anh đến gặp cụ!” Tôi hỏi: “Có việc gì thế?”. Anh trả lời: “Không biết!” Đêm hôn ấy, tôi trằn trọc suy nghĩ hay vừa qua mình viết mấy bài điều tra “nặng kí” đụng chạm ai đó nên “cụ có ý kiến”, hoặc gợi ý mình viết về vấn đề gì đang quan tâm chăng?
Hôm sau đúng giờ tôi đến. Như thường lệ, anh Dần đón từ cổng gác, dẫn tôi lên tầng 2, dặn: “Đợi cụ!”. Trong giây lát, Cựu Tổng Bí thư buớc từ trong buồng ra, hỏi: “Thế nào, có bận không?”. “Dạ, bình thường ạ!” Ông mở nắp giỏ tích rót nước mời tôi. Đó là loại nước vối ông thường dùng, cũng là để tiếp khách. Bất chợt ông Nguyễn Tấn Trịnh cũng đến. Tôi chợt hiểu! Đây là hai vị cùng trong Trung ương khóa VII, Khóa VIII, khi đó ông Trịnh là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Đảng ủy khối này, về hưu Ban Bí thư đưa ông về Hội NCT. Thì ra, trước đó ông Trịnh đã nhờ Cựu Tổng Bí thư thuyết phục tôi. Sau vài câu hỏi xã giao, Cựu Tổng Bí thư vào đề, nói: “Hội NCT có vị thế chính trị, xã hội vì là tầng lớp cây cao bóng cả, đấng sinh thành của các thế hệ, tầng lớp có công trong các thời kì cách mạng và kháng chiến. Tờ báo của Hội phải xứng tầm với vị thế ấy. Song vừa qua báo này kém quá lại khủng hoảng nội bộ, kiện cáo kéo dài phải củng cố, cần có người làm báo giỏi và tâm huyết đảm nhiệm. Làm tốt tờ báo này không kém gì Đại đoàn kết đâu. Anh Trịnh gặp tôi, nhờ mình gặp Kim Quốc Hoa động viên cậu nên về báo Người cao tuổi, giúp Hội đẩy mạnh tuyên truyền trong tình hình mới…”.
Ít ngày qua, tôi đinh ninh việc từ chối về báo Người cao tuổi đã ổn nhưng không ngờ…, đến lúc này thì tôi không thể thoái thác. Ngày 28/2/2007, tôi được mời đến Trung ương Hội, công bố trao quyết định Quyền Tổng biên tập trước đông đủ cán bộ cơ quan và các thành viên báo Người cao tuổi.
Từ khi về báo Người cao tuổi, tôi luôn luôn nhớ lời động viên và ý kiến chỉ đạo của cựu Tổng Bí thư, càng có cơ hội gần gũi, nhiều lần làm việc với ông trong lĩnh vực báo chí. Những năm ấy, có mấy lần tôi phỏng vấn ông những vấn đề hệ trọng đăng báo, trong đó có bài đề cập vai trò của NCT, vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực, hay vấn đề dân chủ trong Đảng. Trong khi các báo in “Nguyên Tổng Bí thư thì riêng báo Người cao tuổi không dùng từ “nguyên” mà đề “Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu…”. Một lần tôi mạnh dạn hỏi, ông nói: “Không sao, ghi thế cũng không sai!”. Từ đó, không bao giờ tôi cho dùng từ “nguyên” trên mặt báo để chỉ chức danh người không còn đương nhiệm. Khi ông có trong tay bản dự thảo nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về “Tam nông: Nông nghiệp-nông dân-nông thôn” ông cho gọi tôi đến nói cả tiếng đồng hồ về nội dung dự thảo nghị quyết và dặn phải quán triệt vào tờ báo, bảo vệ người nông dân trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa bởi họ sẽ mất đất canh tác, phải giải quyết chính sách như thế nào? Khi cần viết bài cho một số sự kiện như chống lũ lụt, 50 năm Bộ đội Trường Sơn, hội thảo 100 năm đồng chí Lê Đức Thọ, một số vấn đề về công tác cán bộ của Đảng, v.v… ông cho thư kí gọi tôi nói ý định và bảo tôi về chấp bút. Một số bài chính luận tôi soạn thảo mang tên ông đã đăng trên báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, hay tạp chí. Do có mối quan hệ thân thiết, tôi có nhiều lần dẫn đoàn cán bộ Hội NCT Việt Nam, một số đoàn khách, cá nhân đến thăm, chúc mừng sinh nhật, xin ý kiến đều được ông đóp tiếp thân mật, ân tình. Có thể nói, cựu Tổng Bí thư Lê khả Phiêu đã động viên tôi dấn thân trong nghề báo.
Những lần tiếp xúc với ông Nguyễn Tấn Trịnh (Chủ tịch Hội khóa III), Anh hùng lao động Cù Thị Hậu (Chủ tịch Hội khóa IV) mà tôi có mặt, cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thường nêu ra những trăn trở, ủng hộ Hội Người cao tuổi Việt Nam về mô hình tổ chức, tính chất cách mạng và phương hướng hoạt động. Ông bảo: “Hội Người cao tuổi phải là nòng cốt và thành viên tiêu biểu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…”.