Công tác Quy hoạch cán bộ và cán bộ cấp chiến lược
Nghiên cứu - Trao đổi 15/04/2024 10:06
Theo đó, Đảng chủ trương trẻ hoá đội ngũ cán bộ các cấp, xây dựng cơ cấu cán bộ hợp lí, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Đặc biệt, quan tâm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ kế cận trực tiếp, bầu lần đầu tiên đủ tuổi công tác 2 nhiệm kì trở lên, mỗi vị trí ít nhất có 2 ứng viên, tập trung là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước: Lựa chọn những cán bộ thật tiêu biểu về mọi mặt, có uy tín cao trong toàn Đảng và xã hội. Người đứng đầu phải giới thiệu được và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu người có đức, có tài và uy tín vào vị trí cấp chiến lược...
Trải qua 20 năm (2004 - 2024) với 4 nhiệm kì đại hội Đảng (X, XI, XII và XIII), công tác quy hoạch cán bộ có những thành công, kết quả đáng kể. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp Trung ương có tầm nhìn chiến lược, có năng lực hoạch định và thực thi chính sách, quản trị quốc gia, tầm nhìn xa trông rộng; đa số có phẩm chất, năng lực, uy tín, tài năng ngang tầm nhiệm vụ, lãnh đạo đưa đất nước phát triển như ngày nay.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, trung thực thì có nơi, có lúc người đứng đầu lợi dụng chủ trương quy hoạch, dẫn đến việc cán bộ chạy chức chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy tuổi, chạy luân chuyển, chạy danh hiệu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng... với động cơ thỏa tham vọng cá nhân.
Phổ biến là cấu kết cài cắm con cái, người nhà, người thân, cánh hẩu, kẻ có tiền hám danh... bất chấp năng lực, phẩm chất, trí tuệ, tuổi đời, kinh nghiệm và dư luận xã hội. Gần đây, ở tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh uỷ (người bị khởi tố hình sự, bắt giam) là điển hình có số lượng con cháu, người nhà, người thân (chiếm kỉ lục) trong các cơ quan của đảng, chính quyền, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh.
Xây dựng đội ngũ cán bộ rường cột của đất nước có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là trách nhiệm của Đảng ở tầm vĩ mô. Mấy nhiệm kì gần đây, Trung ương có nhiều nghị quyết thể hiện đường lối chiến lược: Nghị quyết số 12-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XI) ngày 16/1/2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khoá XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”; Nghị quyết số 26-NQ/TW (khoá XII) ngày 19/5/2018 “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cao cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”... Sau các nghị quyết là văn bản hướng dẫn, tổ chức nhiều hội nghị từ toàn quốc đến cơ sở để quán triệt, thực hiện. Về phía Nhà nước cũng có hệ thống pháp luật khá đồ sộ, tuy còn hạn chế tính đồng bộ nhưng đủ để các cấp, các ngành thực thi. Công tác quy hoạch cũng được tiến hành thường xuyên, thống nhất trong tổ chức. Cứ đến giữa nhiệm kì, quy hoạch được triển khai để lựa chọn, giới thiệu nhân sự cho đại hội kế tiếp, định hướng cho cả nhiệm kì sau.
Đường lối của Đảng là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức lãnh đạo đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Đội ngũ đó phải là những người có tài năng, có phẩm chất tốt, tầm nhìn xa, quản trị quốc gia giỏi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Tuyết đối không để kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm, những người không trong sáng về đạo đức, lợi dụng chức quyền để vụ lợi, để người nhà, người thân, vợ chồng, con cái lợi dụng chức quyền để trục lợi... lọt vào bộ máy”.
Nhìn lại hơn 10 năm qua, Đảng ta tổn thất không nhỏ khi có hàng loạt cán bộ cấp chiến lược bị kỉ luật, bị xử lí hình sự. Trong đó có Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương, Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, nhiều tướng lĩnh Công an, Quân đội. Số cán bộ cấp chiến lược này đều được quy hoạch kĩ càng, trải qua đào tạo bài bản tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, được rèn luyện thử thách. Họ đều là những “chính khách” từng được Nhân dân tin yêu. Vậy mà chỉ riêng Khóa XIII, mới nửa nhiệm kì đã có 4 Ủy viên Bộ Chính trị và nhiều Ủy viên Trung ương phải nghỉ công tác, bị xem xét xử lí kỉ luật hoặc xử lí hình sự.
Từ thực tế này, cũng nên xem công tác quy hoạch cán bộ có “kẽ hở” không, hay chỉ là còn hạn chế, thiếu đồng bộ, thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lí luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh. Đánh giá cán bộ chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, còn cảm tính nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Nhiều trường hợp bổ nhiệm đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc, không đủ tiêu chuẩn...
Do hạn chế về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, điều động, luân chuyển cán bộ... đội ngũ cán bộ nước ta đông nhưng chưa mạnh, tinh trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra nhiều nơi, sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lí giỏi, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực.
Một vấn đề quan trọng đặt ra là, ngay từ khi Đảng chủ trương quy hoạch cán bộ đã có nội dung: Người giới thiệu phải có trách nhiệm về việc giới thiệu người vào cấp uỷ, người quản lí. Thời gian qua, nhiều cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, bị kỉ luật, bị xử lí hành sự... nhưng chưa có một trường hợp nào người giới thiệu đứng ra nhận trách nhiệm, tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Đây là vấn đề cần nhận rõ, làm rõ để trong thời gian tới công tác quy hoạch cán bộ có cơ chế thật sự đề cao trách nhiệm của người giới hiệu cán bộ...
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV đang được chuẩn bị. Công tác nhân sự cho đại hội là một nhiệm vụ cực kì hệ trọng, liên quan đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển đất nước. Mong rằng, đại hội XIV chọn được những cán bộ cấp chiến lược xứng tầm về hoạch định, thực thi đường lối, chính sách và quản trị quốc gia.