Sức mạnh của dòng máu Tiên Rồng
Nghiên cứu - Trao đổi 23/04/2024 10:24
Về việc đặt tên thành Đại La thành thành Thăng Long của Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), Đại Việt sử kí toàn thư có chép: “Vua từ thành Hoa Lư dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên nơi thuyền ngự. Nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”. Việc định đô ở Thăng Long (vùng đất rồng bay lên) vào năm 1010 của Lý Thái Tổ là cột mốc lớn mở đầu lịch sử Thăng Long - Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử đất nước Việt Nam.
Cầu Rồng ở TP Đà Nẵng. |
Tự hào là con Rồng cháu Tiên, trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” (1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kể năm hơn bốn ngàn năm/ Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà”. Do đó, Người đã kêu gọi: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau”. Tại lễ mừng Quốc khánh vào ngày 2/9/1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước” .
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng, Nhà nước, Mặt trận dân tộc thống nhất đề cao và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đã chỉ rõ: “Củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Tiếp đó, Đại hội XIII của Đảng (2021) đã nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại”, nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỉ XXI.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc (Nghị quyết 43). Nghị quyết 43 khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu và là đường lối, chiến lược xuyên suốt của Đảng, đây là nguồn sức mạnh to lớn và nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi.
Thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Quy mô GDP năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.300USD năm 2023. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta ước đạt 683 tỉ USD và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu.
Hiện Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia ở tất cả các châu lục, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt (Lào, Campuchia, Cuba), 12 đối tác toàn diện, 11 đối tác chiến lược, 7 đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng, lãnh thổ.
Nhân kỉ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Bài viết nhấn mạnh Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta sẽ “phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước đã khẳng định việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.