“Chuyện lạ” tại Bình Dương: Tòa nhận định một đằng, nhưng tuyên án một nẻo!
Pháp luật - Bạn đọc 02/06/2021 13:21
Mẹ vừa mất đã bị cha khởi kiện đòi chia tài sản
Ông Đặng Văn Ngà, sinh năm 1960, cư trú thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương dù đã có vợ (có giấy đăng ký kết hôn) và hai con, nhưng vẫn có “quan hệ tình cảm” với bà Hồng Ngọc Phụng, sinh năm 1959. Hai người có con ngoài giá thú là anh Đặng Hồng Phi (SN 1997). Đầu năm 2018, bà Phụng bất ngờ gặp tai nạn thương tâm tử vong, để lại khối di sản khoảng 40 tỷ.
Chỉ ít ngày sau khi bà Phụng mất, ông Ngà đâm đơn khởi kiện con trai của mình và những người thừa kế tài sản hợp pháp, đòi chia đôi tài sản bà Phụng đang đứng tên quyền sở hữu (kể cả các khoản người khác đang nợ bà Phụng), với nội dung “yêu cầu công nhận hôn nhân thực tế, đòi tài sản, chia tài sản chung”.
Việc tuyên án của 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc tại tỉnh Bình Dương cho ông Ngà được hưởng 20% tài sản riêng của bà Phụng gây bức xúc, phẫn uất cho dư luận thời gian vừa qua |
Hai cấp tòa nhận định ông Ngà vi phạm điều cấm Luật hôn nhân và gia đình, bác yêu cầu của ông Ngà đòi công nhận quan hệ hôn nhân thực tế với bà Phụng nên ông Ngà không được xem là chồng hợp pháp. Không được xem là chồng hợp pháp nên tài sản tạo ra trong giai đoạn nam nữ chung sống như vợ chồng không được chia đôi khi ông Ngà không có chứng cứ chứng minh theo phần góp của mình.
Giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương có ý kiến, nhận định tương tự như TAND tỉnh Bình Dương đã nêu và đề nghị Hội đồng xem xét sửa lại bản án sơ thẩm.
Thế nhưng tòa vẫn tuyên cho ông Ngà được hưởng 20% giá trị tài sản riêng của bà Phụng để lại cho con trai và mẹ già, trị giá 8,3 tỷ đồng là điều bất hợp lý, khiến dư luận búc xúc.
“Căn cứ” để tòa đưa ra phán quyết cho ông Ngà được hưởng 20% tài sản của bà Phụng là do ông Ngà là người có trách nhiệm, khi bà Phụng chết ông Ngà có đeo khăn tang và chăm sóc con chung Đặng Hồng Phi”.
Bản án đầy mâu thuẫn
Theo đánh giá và nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý hàng đầu tại Việt Nam về phần phán quyết chia 20% tài sản của bà Phụng cho ông Ngà của 2 cấp tòa tại Bình Dương là không có cơ sở pháp lý và cũng không có cả cơ sở thực tế. Hội đồng xét xử nhận định một đằng, nhưng lúc tuyên lại một nẻo, khiến cho dư luận nghi ngờ có sự khuất tất.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Bình Dương đề nghị Hội đồng xét xử sửa lại bản án sơ thẩm, tuy nhiên ý kiến của cơ quan đại diện quyền công tố không được chấp nhận. |
Bà Hồng Tú Uyên, sinh năm 1952, chị gái bà Phụng, cho biết: “Ngay khi em tôi qua đời, ông Ngà (tên thường gọi là Tiến) bất ngờ xuất hiện, “cố thủ” trong phòng riêng của em gái tôi có đặt két sắt. Em gái tôi đã lỡ dở một đời người vì trót quan hệ với người đàn ông đã có vợ con này, nên trong thâm tâm gia đình chúng tôi xưa nay không khi nào công nhận ông Ngà là người nhà dù chỉ trên hình thức xã giao.
Trong lễ tang em tôi, gia đình chúng tôi có quyền cho ai để tang, nhưng không muốn em buồn lòng nơi chín suối, nên mới để ông Ngà đeo khăn tang. Không ngờ dựa vào tình tiết này, tòa lại cho rằng ông Ngà “có trách nhiệm” để chia tài sản em tôi cho ông Ngà. Vậy cứ đeo tang là “có trách nhiệm”, thì tài sản ấy phải “chia sẻ” cho hàng trăm người chứ đâu phải riêng ông Ngà” – bà Uyên bức xúc.
“Tòa còn nhận định ông Ngà “có trách nhiệm” vì đã chăm sóc đứa con ngoài giá thú. Nhưng điều quan trọng nhất trong vụ án này là ông Ngà lại kiện chính con trai mình. Người cha đi kiện con rồi lại được đánh giá là “có trách nhiệm” với con. Đánh giá như vậy có hợp tình, hợp lý hay không?”.
Về phía bị đơn (anh Đặng Hồng Phi), cũng băn khoăn trước nhận định của tòa án. Anh Phi cho hay vì quá đau lòng trước vụ kiện, nên đã ủy quyền toàn bộ cho dì và Luật sư tham gia vụ án: “xảy ra chuyện “cha kiện con” đòi tài sản, kéo dài gần ba năm qua. Cha kiện con, nội ngoại kiện nhau, tôi đau lòng thật sự”.
“Từ nhỏ tới lớn tôi không có mối quan hệ khăng khít với cha. Không ghét, nhưng cũng không gắn bó, cả năm trời không gặp nhau, không nói chuyện. Từ khi mẹ tôi mất, cũng chỉ một lần duy nhất cha gọi điện cho tôi, nói với tôi là “kiện, đòi tiền để giữ cho con”.
“Là con, nên tôi không dám nhận xét nhận định của tòa rằng cha “có trách nhiệm vì đã chăm sóc con” có đúng hay không. Tôi chỉ dám nhận xét trên góc độ pháp luật, rằng tòa nhận định cha “có công sức đóng góp vào khối tài sản” mà không có chứng cứ chứng minh, thì tôi thấy không hợp lý. Nếu có chứng cứ rõ ràng, hoặc cất lời xin, thì chia bao nhiêu, cho bao nhiêu cũng được. Nhưng những yêu cầu của cha lẫn phán quyết của tòa đều làm tôi không phục, tôi đánh giá là bất hợp lý”.
Hình ảnh két sắt trong phòng ngủ của bà Phụng bị ông Ngà (chiếm giữ một năm) đã bị đục khoét, trống rỗng. Hành vi này đáng lẽ phải bị xử lý hình sự nhưng đáng tiếc lại không được cơ quan tố tụng xem xét, giải quyết |
Anh Phi cho biết thêm: “Tôi sống cùng với mẹ ở Dầu Tiếng từ bé và nhận mọi sự chăm sóc của mẹ, gia đình bên ngoại, thi thoảng có thấy cha qua nhà thăm. Mẹ buôn bán nhiều thứ, bươn chải, vất vả lo toan cho tôi. Tôi lớn lên bên mẹ, nhưng vẫn biết mình có cha. Nhưng cha đã có một gia đình lớn, có 2 con và có vợ trong hôn thú. Từ nhỏ tôi có một gia đình không trọn vẹn; việc học hành ở quê gây nhiều tổn thương khi bị bạn bè trêu trọc thế này, thế kia nên năm lên lớp 6 mẹ đã chuyển cho tôi lên TP Hồ Chí Minh xin học nội trú để tránh nhiều điều tiếng xì xao…
Năm 2018, sau khi mẹ tôi mất (do cái cổng sắt ngôi nhà mới xây mà chính cha tôi giám sát xây dựng đổ đè gây tử vong), cha tôi đã có những hành động hết sức kỳ quặc, mờ ám như: dắt bà Hoa (vợ cha) chiếm giữ phòng của mẹ Phụng phá két sắt đựng nhiều giấy tờ, tài sản, tiền bạc; cha liên tiếp đòi dì Uyên tiền dưỡng già nếu không sẽ thưa kiện. Và 10 ngày sau khi mẹ mất cha đã gửi đơn kiện tôi ra công an và TAND huyện Dầu Tiếng đủ mọi thứ để đòi chia tài sản mà mẹ để lại cho tôi và bà ngoại. Việc làm này của cha khiến tôi quá bất ngờ vì mẹ vừa mất mà ông đã nỡ cạn tình như vậy” – anh Phi than phiền.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, tình tiết tòa tuyên cho ông Đặng Văn Ngà được hưởng 20% giá trị tài sản của bà Hồng Ngọc Phụng là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, có dấu hiệu vi phạm tố tụng, không thấu tình đạt lý, đặc biệt không dựa vào tình tiết thực tiễn, do đó đã đánh giá không đúng bản chất mối quan hệ, suy diễn để áp đặt quan điểm vượt quá phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của tòa án. Do đó bản án cần được tòa cấp cao thụ lý và có phán quyết công tâm, khách quan và đúng pháp luật.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội |
Một mặt tòa nhận định mối quan hệ giữa ông Ngà và bà Phụng là bất hợp pháp, vi phạm Luật hôn nhân và gia đình; đồng thời nhận định về tài sản của bà Phụng để lại là không có liên quan đến ông Ngà, bản thân ông Ngà cũng không chứng minh được mình có liên quan đến khối tài sản ấy, vậy cớ làm sao lại tuyên cho ông Ngà được hưởng 20% tài sản của bà Phụng đang đứng quyền sở hữu.
Đặc biệt qua nghiên cứu bản án Phúc thẩm số 50/2020/HNGĐ-PT ngày 29/12/2020 của TAND tỉnh Bình Dương, tôi nhận thấy Viện KSND tỉnh Bình Dương có ý kiến về kháng cáo của bị đơn là anh Đặng Hồng Phi và những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Dư Thị Liễu (đã mất) có căn cứ chấp nhận một phần. Trong khi đó, kháng cáo của nguyên đơn là ông Đặng Văn Ngà là không có căn cứ chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa lại bản án sơ thẩm, nhưng không được chấp nhận.
Như vậy cùng vụ án mà 2 cơ quan tố tụng đều đưa ra quan điểm, nhận định tương tự như nhau, nhưng lúc tuyên án lại có sự khác biệt, điều đó chứng tỏ là có khuất tất, nói một đằng quyết một nẻo, tiền hậu bất nhất. Thậm chí, bản án này mà được công nhận, rất có thể sẽ trở thành án lệ cho những người làm thuê, người giúp việc, con cháu, họ hàng, người quen đến nhà ai đó ở nhờ, làm thuê được ăn cùng ở cùng nhà rồi lại khởi kiện đòi chia tài sản kể cả khi chủ nhà còn sống sờ sờ. Đó là một điều trái pháp luật, trái luân thường đạo lý, có thể trở thành liều độc dược làm tê liệt lòng tin của người dân vào cơ quan tư pháp - ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.