Chặn ngay việc dùng “thang giả” để “chui sâu, leo cao”
Cùng suy ngẫm 03/12/2020 08:04
Trường Đại học Đông Đô. |
Những ngày gần đây dư luận càng phẫn nộ hơn khi các cơ quan chức năng phát hiện nhiều người sử dụng bằng giả, là những cán bộ công chức, gồm nhiều thành phần, có nhân vật được coi là có “uy tín” (như người nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ, thi nâng ngạch thanh tra viên, thi tuyển công chức, bổ túc hồ sơ cán bộ, …)
Những người “sản xuất ra những tấm bằng giả, tại trường ĐH Đông Đô đương nhiên sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Đa số người dân cũng đồng tình cho rằng phải công khai danh tính và nơi làm việc của những người sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô nhất là những người sử dụng bằng giả để làm tiến sĩ.
Đạo đức đang xuống cấp ngay trong môi trường giáo dục, nơi luôn gắn mặt tiền khẩu hiệu: “Tiên học lễ hậu học văn”. Người ta đem những hạt “sạn” đầu độc trẻ thơ vào sách giáo khoa lớp 1, rồi họ đã từng tranh cãi ì xèo và đem ra pháp lý chuyện đạo văn trong giới học thuật, rồi gian dối luồn lách hồ sơ trong việc xét chọn những chức danh cao quý. Với người đã học và muốn làm nghiên cứu sinh hay bảo vệ luận án tiến sĩ thì yếu tố đầu tiên trong nghiên cứu khoa học phải trung thực. Chuyện xảy ra ở ĐH Đông Đô đến sự trung thực, lòng tự trọng cũng không có, thì tư cách gì mà bảo vệ luận án tiến sĩ?
Phải công khai danh tính những người này để cả xã hội được biết mới răn đe, ngăn chặn những người muốn leo cao bằng “thang giả”. Những người mua bằng giả tại ĐH Đông Đô cần bị xử lý kỷ luật tại cơ quan họ đang làm việc nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Thậm chí các chuyên gia pháp lý còn đề nghị nếu cấu thành tội phạm thì phải xử lý hình sự bất kể họ ở cương vị nào.
Nếu không hành động đủ mạnh vụ việc này sẽ là nguy hại khi bỏ sót những người sử dụng bằng giả để bảo vệ luận án tiến sĩ rồi len lỏi vào đội ngũ quản lý giáo dục đào tạo, nơi đào tạo ra đội ngũ của mọi ngành nghề của đất nước.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đưa ra kết luận Trường ĐH Đông Đô đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2).
Tài liệu điều tra xác định 193 trường hợp được ĐH Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp sử dụng bằng giả này, trong đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sĩ.
Cơ quan điều tra đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ theo quy định đối với 58 người, 2 trường hợp còn lại một người đã chết, người còn lại xin thôi không học thạc sĩ trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án nên không kiến nghị xử lý.