Cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở những người hút thuốc lá
Cùng suy ngẫm 30/09/2024 15:13
Vì sao hút thuốc lá gây đột quỵ?
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não, đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Nếu không được tái tưới máu kịp thời, cứ mỗi phút sẽ có 2 triệu tế bào não chết đi mà không thể phục hồi.
Trong vô vàn nguyên nhân dẫn đến đột quỵ thì nguyên nhân hút thuốc lá đã và đang được Bộ y tế khuyến cáo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nhưng do thói quen hút thuốc lâu ngày, mà hầu hết những người nghiện thuốc lá không thể giải thích được, tại sao hút thuốc lại gây khó bỏ tới như vậy. Có thể vì nó mang đến một cảm giác thoải mái, cũng có thể đơn giản vì họ không thể tách rời nó khỏi bản thân mình. Dù có nhìn nhận ở góc độ nào, lý lẽ có thuyết phục ra sao, người nghiện thuốc vẫn luôn cảm thấy khó lòng từ bỏ thói quen này. Họ biết hút thuốc lá rất nguy hiểm, nhưng họ vẫn hút.
Khi hút thuốc lá, thuốc lào… kể cả là hút trực tiếp hay thụ động thì có rất nhiều hóa chất khác nhau được hấp thụ vào cơ thể thông qua việc hít phải khói thuốc lá. Nó gây ra những thay đổi có hại dài hạn và ngắn hạn cho các mạch máu não. Tốc độ của dòng máu qua mạch máu não thay đổi nhanh chóng ngay sau khi hút thuốc dẫn đến hiệu ứng tiêu cực cho não bộ. Ngoài ra, việc hút thuốc lá thường xuyên sẽ dẫn đến tăng huyết áp, từ đó khiến các mạch máu đến não bị tổn thương ở thành mạch. Lúc này, các chất béo, canxi, chất lắng đọng sẽ dễ dàng bám vào thành mạch và tạo thành các mảng xơ vữa, cục máu đông gây tắc mạch, hẹp mạch. Về lâu dài, khi lượng máu không cung cấp đủ cho não sẽ gây ra đột quỵ.
Theo thống kê người hút hơn 2 bao thuốc/ngày có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường. Đặc biệt ở những người đã có tiền sử về huyết áp cao, xơ vữa động mạch thì việc hút thuốc có thể thúc đẩy quá trình xảy ra đột quỵ nhanh hơn rất nhiều. Đột quỵ có thể xảy ra nhiều lần và những lần kế tiếp sẽ có xu hướng nặng hơn, thậm chí là tăng nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Có nhiều bằng chứng cho thấy việc bỏ hút thuốc sau một cơn đột quỵ sẽ giúp loại bỏ khả năng bị một cơn đột quỵ khác. Người ta ước tính có khoảng 60% số người sống sót sau đột quỵ đã cai thuốc lá và có những tín hiệu tích cực về sức khỏe toàn thân.
Biện pháp ngăn đột quỵ do hút thuốc lá
Với thực trạng báo động như hiện nay, thì mỗi chúng ta cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách loại bỏ khói thuốc lá ra khỏi môi trường sống của gia đình và xã hội.
Những ai đang và đã nghiện thuốc lá thì nên cai thuốc lá. Các nghiên cứu cho thấy nếu ngừng hút thuốc từ 2 năm trở lên, nguy cơ đột quỵ bắt đầu giảm xuống. Nếu ngừng hút thuốc được 5 năm thì nguy cơ đột này trở về bằng với người không hút thuốc. Do vậy, từ bỏ thuốc lá là một việc làm quan trọng giúp ngăn đột quỵ xảy ra. Đối với những người nghiện thuốc lá nặng, không tự cai thuốc được thì nên nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ.
Ngoài ra chúng ta nên động viên, tuyên truyền cho những người nghiện thuốc lá để họ hiểu được thuốc lá có hại như thế nào đối với sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Không chỉ vậy, chúng ta cần xây dựng chế dộ ăn uống lành mạnh, khoa học, ăn nhiều ra xanh, giảm lượng thịt đỏ trong khẩu phần ăn hàng ngày…thường xuyên tập thể dục, thể thao, khám sức khỏe định kì 6 tháng/ lần.
Một số bệnh liên quan đến hút thuốc lá |
Ths. Bác sĩ Phan Thị Ngọc Lời, Trung Tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Tâm Anh cho biết: Nếu nhận thấy bản thân có những dấu hiệu như: thị lực giảm, nhìn mờ, chóng mặt, khó giữ thăng bằng, tê yếu, liệt mặt, lệch nhân trung, méo miệng, chân tay khó cử động, phối hợp động tác gặp khó khăn, khi giao tiếp, khó diễn đạt, khó nói, nói ngọng, nói lắp, không hiểu ý người khác, đau đầu dữ dội…đây là nhưng dấu hiệu khi thấy các dấu hiệu này, cần gọi cấp cứu ngay để được xử trí kịp thời. Đây là một trong nhiều các biểu hiện của đột quỵ, nếu bệnh nhân được cấp cứu trong giờ vàng (trong khoảng 3 – 4,5 giờ đầu kể từ khi xảy ra đột quỵ) thì khả năng bệnh nhân được cứu sống sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu xử trí chậm trễ, người bệnh có thể rơi vào nguy kịch hoặc gánh những di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.
Vừa qua, Bệnh viện Tâm Anh tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân Nguyễn Văn Việt (60 tuổi) tại TP Hồ Chí Minh, người nhà cho biết, bệnh nhân Việt nghiện thuốc lá nhiều năm, trung bình một ngày hút từ 1 đến 2 bao thuốc lá, nhiều lần gia đình khuyên bỏ thuốc nhưng bệnh nhân không nghe. Bất ngờ, bệnh nhân chóng mặt, co giật… nguy cơ bị đột quy, nên gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Tâm Anh, tại đây các bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân Việt bị nhồi máu cơ tim gây thiếu máu và tổn thương cơ tim. Quá trình điều trị, bệnh nhân ổn định, nhưng động mạch liên thất bị hẹp 95-99%, nếu không can thiệp tái thông đoạn mạch quan trọng này, bệnh nhân dễ tiếp tục tái phát nhồi máu cơ tim, nguy cơ tử vong cao…
Chính vì sức khỏe của bản thân và trách nhiệm với cộng đồng, mỗi cá nhân cần góp tiếng nói, hành động của mình vào việc đẩy lùi khói thuốc lá ra khỏi cuộc sống của cộng đồng. Hãy lên tiếng phản đối khi gặp người hút thuốc không đúng nơi quy định; dừng sử dụng thuốc lá nếu bạn đang là người hút thuốc lá… Hãy chung tay góp phần xây dựng một thế giới trong lành không có khói thuốc độc hại.