Cần công tâm, thực hiện đúng pháp luật, khi thu hồi đất
Pháp luật - Bạn đọc 18/01/2022 11:39
Bất ngờ tháng 8/2020, UBND phường Yên Phụ có thông báo cho rằng, thửa đất của gia đình tôi là đất xen kẹt, yêu cầu phải bàn giao cho UBND phường để bán đấu giá. Tôi trực tiếp đến UBND phường khiếu nại nhưng không được giải quyết. Sau đó, ngày 3/4/2021, tôi nhận được qua đường bưu điện Biên bản vi phạm hành chính… Tôi yêu cầu UBND phường hủy bỏ Biên bản này do lập trái pháp luật. Thế nhưng, ngày 25/5/2021, tôi nhận được quyết định do ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ kí, cho rằng tôi có hành vi lấn chiếm đất, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Nhà số 74 phố Vũ Miên của gia đình ông Quách Văn Tá |
Tôi khiếu nại quyết định này của Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, sau đó tôi nhận được thông báo của UBND quận Tây Hồ, cho biết đơn khiếu nại được thụ lí giải quyết. Thế nhưng, đến nay tôi chưa nhận được giải quyết khiếu nại lần đầu. Thế nhưng, ngày 20/1/2021, tôi lại nhận được quyết định về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, do ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận kí. Rồi ngày 5/1/2022, UBND phường Yên Phụ ban hành thông báo về việc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Tôi cho rằng, chính quyền quận Tây Hồ và phường Yên Phụ quyết tâm lấy đất của gia đình tôi, bất chấp quy định của pháp luật, cũng như quyền lợi hợp pháp của gia đình tôi. Đề nghị các cấp chính quyền dừng ngay các hành vi trái pháp luật, vì nếu cưỡng chế nhà, đất số 74 phố Vũ Miên của gia đình tôi, sẽ gây hậu quả không thể khắc phục được…” (hết trích).
Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ cho thấy, nội dung trình bày nêu trên của cụ Quách Văn Tá là có cơ sở. Về nguồn gốc sử dụng đất, tài liệu thể hiện, tại đơn đề ngày 14/11/1992 gửi UBND phường Yên Phụ, cụ Tá trình bày, do muốn giấy màu chóng khô phải dùng bếp lò than sấy, nên muốn chính quyền cho phép cụ dựng túp lều khoảng 18m2. UBND phường Yên Phụ có ý kiến đồng ý cho ông Tá làm nhà tạm, chỉ lưu ý giữ an toàn khi thi công và sử dụng. Ngày 25/11/2005, UBND phường Yên Phụ có Phiếu xác nhận, trong đó có nội dung: “Trước năm 1992 là đất ao chung của làng Yên Phụ. Năm 1992, ông Quách Văn Tá xin xây dựng nhà tạm để sản xuất giấy màu (có đơn xin phép gửi UBND phường và đơn có xác nhận của UBND phường ngày 27/11/1992). Trên bản đồ năm 1994, đất cụ Quách Văn Tá sử dụng thuộc một phần thửa số 1, tờ 8H-I-37, diện tích 73,90m2. Hiện nay cụ Quách Văn Tá đang sử dụng 55,20m2”. Hiện cụ Tá lưu giữ được hầu hết chứng từ, biên lai nộp thuế đất từ đó đến nay, thể hiện nộp thuế đất phi nông nghiệp, cụ thể là đất ở đô thị.
Căn nhà tạm trên thửa đất gần 40m2, nhưng ở vị trí đẹp trên đường phố Vũ Miên |
Như vậy, xác định gia đình cụ Tá sử dụng đất từ trước thời điểm ngày 15/10/1993, ổn định, không có tranh chấp, đủ điều kiện được cấp sổ đỏ, theo Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, hoặc Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Đất sử dụng ổn định (theo Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 có mốc thời gian trước ngày 1/7/2004), không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất… thì được cấp sổ đỏ và không phải nộp tiền sử dụng đất. Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định, kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó…”. Từ những căn cứ này, khẳng định thửa đất ở số 74 phố Vũ Miên của gia đình cụ Tá phải được coi là hợp pháp, đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác trên đất theo quy định của pháp luật.
Vậy mà, ngày 11/8/2020, UBND phường Yên Phụ ban hành Thông báo số 95/TB-UBND cho rằng: “Căn cứ hồ sơ địa chính hiện lưu trữ tại UBND phường Yên Phụ, khu đất xen kẹt tại địa chỉ số 35 làng Yên Phụ (số 50 làng Yên Phụ cũ) hiện do gia đình ông Quách Văn Tá đang sử dụng, thuộc đất công do UBND phường Yên Phụ quản lí…”. Nói như vậy vừa sai sự thật, vừa trái pháp luật, bởi pháp luật không có khái niệm “đất công do UBND phường quản lí”, mà chỉ có đất công ích do UBND xã, phường quản lí, sử dụng. Điều 45 Luật Đất đai năm 1993, Điều 72 Luật Đất đai năm 2003, Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 đều có quy định UBND xã, phường, thị trấn được giữ lại một phần diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, nhưng không quá 5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Cụ Tá trực tiếp đến UBND phường Yên Phụ khiếu nại.
Thông báo cưỡng chế của UBND phường Yên Phụ |
Nhưng thay vì giải quyết khiếu nại, hơn 7 tháng sau, ngày 18/3/2021, ông Trần Đình Long, công chức địa chính; ông Nguyễn Sơn Hà, công chức tư pháp phường Yên Phụ lập Biên bản vi phạm hành chính số 01/3/BB-VPHC, nói hành vi của cụ Quách Văn Tá là “chiếm đất công do UBND phường quản lí”. Điều đáng bàn ở đây, khi lập biên bản không có mặt cụ Tá (người bị cho là vi phạm), biên bản lập ngày 18/3, nhưng mãi đến ngày 3/4, cụ Tá mới nhận được qua đường bưu điện.
Mặc nhiên Biên bản vi phạm hành chính số 01/3/BB-VPHC được lập trái pháp luật. Điều 3 Luật Xử lí vi phạm hành chính, về nguyên tắc xử lí vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1: “a- Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời… b- Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai…”. Như vậy, nếu cho rằng cụ Tá vi phạm “chiếm đất công…”, thì phải lập biên bản ngay khi phát hiện, không thể để gần 30 năm sau mới lập. Hơn nữa, đất gia đình cụ Tá sử dụng hợp pháp như phần trên đã phân tích, không thể coi là có vi phạm “lấn chiếm đất công…” được. Cụ Tá có đơn khiếu nại, yêu cầu thu hồi, hủy bỏ biên bản lập trái pháp luật này.
Không giải quyết khiếu nại của cụ Tá, ngày 24/5/2021, ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ kí ban hành Quyết định số 1333/QĐ-KPHQ, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất…”. Quyết định này căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số 01/3/BB-VPHC ngày 18/3/2021 của UBND phường Yên Phụ, là biên bản được lập trái pháp luật, nên quyết định này mặc nhiên cũng trái pháp luật. Cụ Tá khiếu nại quyết định này, ngày 17/6/2021, UBND quận Tây Hồ ban hành Thông báo số 265/TB-UBND, cho biết đơn được thụ lí giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại.
Thế nhưng, thay vì giải quyết khiếu nại, ngày 9/12/2021, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ lại kí ban hành Quyết định số 76/QĐ-CCXP, về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ Tá lại có đơn, nhưng không nhận được trả lời, mà ngày 5/1/2022, UBND phường Yên Phụ ban hành Thông báo số 02/TB-UBND(ĐC), yêu cầu cụ Tá tự dỡ bỏ công trình… trả lại đất, nếu không chính quyền sẽ cưỡng chế.
Cho rằng, những hành vi, văn bản, quyết định của chính quyền quận Tây Hồ và phường Yên Phụ là trái pháp luật; cụ Quách Văn Tá đã khởi kiện hành chính đến TAND thành phố Hà Nội. Đề nghị TAND thành phố Hà Nội thụ lí giải quyết vụ kiện đúng thực tế, đúng pháp luật. Đề nghị chính quyền quận Tây Hồ và phường Yên Phụ dừng ngay những hành vi hành chính trái pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình cụ Tá.