Cần có kiến thức trong bảo tồn di tích và phát huy giá trị di sản văn hóa
Nghiên cứu - Trao đổi 31/03/2022 09:47
Mới đây là đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội): Toàn bộ bậc thềm, nền đá cổ kính bị “đập đi xây lại”, cây đa cổ thụ nhiều năm tuổi cạnh đình bị chặt hạ. Tại tỉnh Bình Định, đơn vị thi công đã sử dụng xe cơ giới san gạt mặt bằng, không bảo đảm nội dung đã được chấp thuận tại công trình xây dựng, tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) có hàng nghìn năm tuổi. Hiện trạng kiến trúc cảnh quan khuôn viên di tích với bản vẽ bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng, vị trí Giếng Rồng (Giếng Ngọc) tại Đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã bị dịch chuyển từ vị trí chếch bên trái đền sang vị trí chếch bên phải đền không bảo đảm yếu tố gốc vị trí giếng… Vụ làm vỡ bia đá cổ hơn 300 năm tại chùa Thổ Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) do những người thực hiện muốn di chuyển bia để nhằm mục đích nâng cao nền khuôn viên chùa mà không có giải pháp tương ứng để bảo vệ một cổ vật của di tích đã được xếp hạng.
Đó chỉ là một vài vụ diễn ra gần đây. Còn rất nhiều vụ trùng tu, tôn tạo làm hỏng di tích. Một câu hỏi được đặt ra là, phải chăng những người đi làm văn hóa nhưng không có kiến thức văn hóa, nhất là việc bảo tồn?
Đình Chèm đang được tu bổ. |
Luật Di sản văn hóa của Việt Nam đã xác định “di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Hệ thống di tích là một bộ phận cấu thành của di sản văn hóa, là tài sản vô giá của Nhân dân ta và nhân loại. Mỗi di sản là bức thông điệp mà tổ tiên để lại cho thế hệ mai sau về lịch sử hào hùng của dân tộc, về giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc. Di tích còn mang ý nghĩa là nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế. Từ xưa tới nay, các thế hệ luôn quan tâm việc quản lí nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân.
Nước ta có các loại: Di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Tính đến năm 2020, cả nước có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong số di tích cấp quốc gia, có 112 di tích quốc gia đặc biệt và trong đó có 8 di sản thế giới.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị của di tích, di sản, Đảng và Nhà nước đã có những định hướng, quyết sách chiến lược cơ bản nhằm quản lí, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của di tích. Công tác quản lí nhà nước về di tích lịch sử, văn hóa có nhiều chuyển biến.
Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lí di tích được nâng cao, việc tu bổ, tôn tạo từng bước đi vào nề nếp. Nguồn kinh phí cho hoạt động này đã được xã hội hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp từ nguồn kinh phí của Nhà nước, từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Nhiều di tích đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa và là điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, công tác quản lí, bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại Việt Nam hiện nay còn một số hạn chế. Cụ thể:
Một là, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ di tích chưa tốt, chưa thường xuyên. Có nơi, người dân tôn trọng, đóng góp tiền của để tu bổ, tôn tạo di tích,… nhưng có nơi lại xảy ra tình trạng mất đồ thờ tự, lấn chiếm đất đai, phá hủy di tích.
Hai là, công tác quản lí di tích ở một số nơi còn buông lỏng để việc xâm phạm, lấn chiếm di tích, thậm chí bị xâm phạm nghiêm trọng như: Việc bê tông hóa gây hư hỏng nghiêm trọng hoặc bị làm sai lệch so với nguyên mẫu,…
Ba là, công tác giáo dục truyền thống thông qua di tích còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều thế hệ trẻ.
Để việc quản lí, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích là một vấn đề quan trọng, đề nghị:
Một là, nâng cao nhận thức về giá trị di tích và ý thức chấp hành pháp luật về di tích, bảo vệ di tích trong cộng đồng. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di tích với phương châm “đưa di tích về cộng đồng”.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lí, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Chú trọng đào tạo đội ngũ kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng, công nhân lành nghề có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tu bổ di tích và áp dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại trong bảo quản, tu bổ di tích.
Ba là, tăng cường kiểm tra việc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tại di tích bảo đảm quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mĩ tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không để yếu tố ngoại lai xâm nhập.
Tóm lại, sự kết hợp sức mạnh tổng hợp của các nhà quản lí, nhà khoa học và cộng đồng làng xã có vai trò quyết định sự tồn vong của di tích. Bảo tồn di sản văn hóa thành công thì mới phát huy được các giá trị văn hóa. Vì thế, những người có trách nhiệm quản lí và thực hiện việc bảo tồn, trùng tu di tích phải nhận thức, thấu hiểu được các giá trị của di tích và cần có những kinh nghiệm thực tế thì mới có thể thực hiện tốt được.