“Cai nghiện” mạng xã hội, chúng ta được gì?
Nghiên cứu - Trao đổi 05/06/2024 13:00
Trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ, mạng xã hội đã trở nên phổ biến với tất cả mọi người. Với sự hấp dẫn của mình, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là với giới trẻ. Mặc dù mang đến nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, mạng xã hội cũng tồn tại rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến con người, thậm chí là an ninh, trật tự xã hội.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tình trạng nghiện mạng xã hội đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Việc hiểu rõ những tác động tiêu cực từ việc sử dụng internet quá mức là yếu tố quan trọng giúp chúng ta tìm ra giải pháp trong việc kiểm soát và hạn chế tình trạng này.
Nghiện mạng xã hội là một cụm từ đôi khi được sử dụng để chỉ một người nào đó dành quá nhiều thời gian vào việc sử dụng Facebook, Twitter và các hình thức mạng xã hội khác, để các mạng xã hội này can thiệp quá sâu vào các khía cạnh khác của cuộc sống hằng ngày.
Ảnh minh họa |
Không có sự công nhận y tế chính thức về việc, nghiện mạng xã hội là một căn bệnh hay một triệu chứng rối loạn. Tuy nhiên, một loạt các hành vi liên quan đến việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc thảo luận và nghiên cứu.
Theo các nhà khoa học, việc nghiện mạng xã hội đang là vấn nạn nhức nhối hiện nay. Nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của mỗi cá nhân. Việc tìm ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục sẽ giúp chúng ta có một cuộc sống tươi đẹp hơn.
Ðây không phải lần đầu tiên các nhà chuyên môn lên tiếng về tác động của mạng xã hội, đặc biệt đối với giới trẻ. Dựa vào các cảnh báo khoa học, ngày càng có nhiều người nhận ra xu hướng “gây nghiện” và tìm cách loại bỏ những nền tảng phổ biến như Facebook, Twitter, YouTube cùng TikTok khỏi đời sống hằng ngày. Từ mạng xã hội, các bạn sẽ bị thu hút bởi những thông báo nhảm nhí, không quan trọng là một việc xảy ra thường xuyên với người dùng smartphone, từ thông báo mã giảm giá của các sàn thương mại điện tử đến thông báo lượt thích bài viết của một người xa lạ, chẳng đáng bận tâm.
Theo một báo cáo của Google, tính đến tháng 6/2023, tại Việt Nam có 79% người dân đang sử dụng mạng xã hội. Trong đó, số giờ trung bình mỗi người sử dụng là 2 giờ 52 phút, gần 45% đối tượng đang ở độ tuổi 18-34 có thói quen kiểm tra trang cá nhân, bản tin trước khi ngủ hoặc lúc còn thức.
Việt Nam hiện đang ở vị trí 18 trên bảng xếp hạng thế giới về tỉ lệ sử dụng internet. Nằm trong nhóm 10 quốc gia có lượng người sử dụng mạng xã hội ở độ tuổi thanh, thiếu niên cao nhất thế giới.
Nghiện mạng xã hội không chỉ gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lí và tinh thần của một cá nhân mà nó còn ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội, gia đình. Việc dành quá nhiều thời gian, năng lượng cho việc sử dụng ứng dụng trực tuyến không chỉ làm giảm sự tập trung, hiệu suất làm việc mà còn làm mất đi khoảng thời gian quý báu cùng người thân.
Ðến đây, câu hỏi đặt ra là liệu việc bỏ mạng xã hội có giải quyết được các vấn đề gây lo ngại hay không? Việc “Cai nghiện” mạng xã hội, chúng ta được gì? Từ những nghiên cứu trên, có thể nói quan hệ của chúng ta với mạng xã hội và cách nó ảnh hưởng đến đời sống là rất phức tạp. Các chuyên gia thừa nhận, hạn chế lớn trong các nghiên cứu về tác động của việc không sử dụng mạng xã hội là rất khó tìm người tham gia đồng ý từ bỏ mạng xã hội mãi mãi. Ðiều này khiến các nhà khoa học không thể đưa ra đánh giá toàn diện.
Ðối với một số người, họ từ bỏ mạng xã hội do lo ngại ảnh hưởng sức khỏe tinh thần và thể chất. Số khác thì chú ý đến quyền riêng tư, cũng có người không thích quảng cáo và cảm thấy đang lãng phí thời gian. Về biện pháp, có người chỉ đơn giản ngừng sử dụng các ứng dụng họ thấy khó chịu. Nhưng cũng có một bộ phận không muốn hoàn toàn từ bỏ bởi dù sao cũng phải thừa nhận rằng mạng xã hội mang lại một số lợi ích khi là không gian chia sẻ kiến thức hoặc tin tức cập nhật hằng ngày. Ðể hạn chế tiêu cực, họ chỉ tương tác với nội dung thấy hữu ích và tích cực, từ đó tăng cường kiểm soát các nguồn cung cấp dữ liệu trên mạng xã hội của mình.