Buồn tênh... thuyền rồng
Du lịch 17/03/2021 08:36
Trước đây nườm nượp trên sông…
Tôi nhớ, cuối những năm 90 thế kỉ trước, ra Huế thế nào cũng phải đi bằng được thuyền rồng và nghe cho được ca Huế. Thuyền rồng lúc ấy chưa nhiều. Gần như các công ty, đơn vị du lịch bao hết dịch vụ đi thuyền nghe ca Huế này. Khách lẻ rất ít có cơ hội thưởng thức những hò Mái đẩy, Mái nhì, những điệu Nam Ai, Nam Bình, những âm thanh lúc réo rắt, tươi vui khi buồn sầu da diết của đàn nhị, đàn nguyệt, nhịp sanh loan, sanh tiền… trong đêm giữa dòng sông Hương thơ mộng.
Nghe nhiều chủ phương tiện vận chuyển kể hầu như giai đoạn ấy ít khi thuyền rồng… nằm chờ trên bến đợi! Thuyền đón trả khách ở bến Tòa Khâm, thuyền chưa tới phiên về neo đậu ở bến Phú Cát. Thuyền dập dìu, nhộn nhịp cập bờ, xuất bến phục vụ khách đoàn trong nước, khách nước ngoài Á, Âu…
Thuyền rồng chờ xuất bến… |
Sau Tết Âm lịch đến tháng 3, khách châu Âu chiếm lĩnh… thuyền rồng. Nhưng hầu hết họ thuê thuyền rồng tham quan các di tích nhiều hơn là nghe ca Huế. Cuối tháng 5, mùa Hè, học sinh nghỉ học theo gia đình tham quan Huế. Tháng 6 đến tháng 8, khách nội địa khắp nơi đến Huế đông, vui như hội... Đêm, thuyền rồng cứ nườm nượp sông Hương. Vẳng tiếng ca Huế ngọt ngào với “Một thương” cho đến “Mười thương” lay động lòng khách phương xa một lần ghé Huế… Tháng 9 đến tháng 12, khách châu Âu, quốc tế trở lại… Bến Thuyền du lịch Tòa Khâm, đường Lê Lợi, thuyền rồng tấp nập. Có ngày gần trăm chiếc đón trả khách.
O Th, tiếp thị dịch vụ với tôi: “Nếu từ 15 người trở lui thì bao thuyền đơn. Anh đi 8 người thì quá đẹp! Từ bến Tòa Khâm xuôi xuống Cồn Hến, thôn Vĩ Dạ quay lên đến cầu Dã Viên rồi về, chừng 10 phút thì 200 nghìn đồng/chuyến. Nếu như đi ghép với thuyền khác thì 20 nghìn đồng/người”. Giá dịch vụ mấy o tiếp thị có thể “mềm” hơn giá các công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành niêm yết công khai chừng 20 đến 30 nghìn đồng/vé/khách.
Hỏi chuyện một o tự giới thiệu mình là thuyền trưởng thuyền đơn, số TTH 036…, hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng thuyền rồng trên sông Hương đã hơn 5 năm. O tên N.T.L 49 tuổi, gốc Huế. Thấy hoạt động thuyền du lịch có thu nhập cao nên đầu tư ngay chiếc thuyền đơn. “Dạo nớ làm ăn tốt lắm anh nợ! Trừ hết chi phí còn lại kiếm cũng khoảng 1 triệu đồng/ngày, ít cũng 6-7 trăm nghìn sau khi trừ chi phí bến bãi, xăng dầu này nọ”. Không ít người chở khách liên tục đến phải ăn cơm bụi, bỏ cơm nhà.
Bây chừ covid, thuyền rồng buồn tênh!
Theo báo cáo của Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch Thừa Thiên Huế năm 2020 đều giảm hơn 65% so với cùng kì năm 2019, cụ thể, tổng lượt khách đến Thừa Thiên Huế năm 2020 ước đạt 1,687 triệu lượt, giảm gần 65% (trong đó, khách quốc tế ước đạt 558 nghìn lượt, giảm gần 75%); doanh thu từ du lịch ước đạt 3.839 tỉ đồng, giảm 66%.
Thuyền rồng đơn dưới bến neo chờ khách. |
Hoạt động đi thuyền rồng, nghe ca Huế cũng trong tình trạng khó khăn chung. “Cả một năm trời thu nhập bèo bọt. Khách có mô anh! Tiền vay mượn, tiền ăn học của con cái đều trông cả vào chiếc thuyền. Ba ngày Tết vừa rồi chỉ có khách du lịch mấy tỉnh gần thôi. Khách Sài Gòn, Hà Nội không thấy lai vãng, nhộn nhịp như trước kia. Dịch bệnh chi ác thiệt! Khi mô hết dịch cho dân nhờ”, o L.T.L, chủ của hai chiếc thuyền đơn và thuyền đôi cám cảnh.
Nhiều chủ thuyền đã phải tự cứu mình bằng cách neo thuyền… lên bờ kiếm sống. O N.T.L có sẵn nghề bán cá nay đi thu mua vẹm xanh bán cho các nhà hàng; bà K giao thuyền cho chồng giữ, mình ra chợ mưu sinh; chú C xin đi làm phụ hồ nhưng công việc cũng bấp bênh… Có người tìm không ra việc phải vay mượn tiền chỗ này chỗ kia cầm cự. O L.T.L chia sẻ: “Mùa covid bọn em cũng đọa vì bị tiền vay ngân hàng đuổi rát luôn! Nhiều người lo lắng vì nợ nần. Vừa mới đóng chiếc thuyền đơn gần nửa tỉ đồng, thuyền đôi hơn 1 tỉ đồng, dịch tới đành ôm nợ! Chừ chỉ trông cho dịch bệnh qua nhanh”.
Anh N.T, 49 tuổi, gần 20 năm trong nghề, tiếc rẻ: “Thời mô cả trăm chiếc thuyền chạy không kịp. Mỗi chiếc chạy cũng 4-5 chuyến ngày, thu nhập hơn triệu bạc. Chạy đến quên ăn luôn. Chừ thì thua nặng! Cả ngày mùng 8 Tết, từ sáng đến mặt trời lặn không có đồng mô!”.
“Hiện Bến Thuyền du lịch Tòa Khâm điều hành xuất bến cho 9 đơn vị doanh nghiệp tư nhân, công ty và hợp tác xã với 117 thuyền, trong đó 69 thuyền đơn. Mùa dịch hoành hành như ri rất khó cho các hoạt động kinh doanh, du lịch. Có ngày không có thuyền nào xuất bến. Nhiều chủ phương tiện phải chuyển nghề, tìm kế sinh nhai…”, anh Nguyễn Thanh Chinh, trưởng ca trực ngày 19/2 của Bến Thuyền du lịch Tòa Khâm cho biết.
Nhiều chủ thuyền vận chuyển du khách bằng thuyền rồng trên sông Hương, nghe ca Huế đang bị khó khăn vây bủa. Chưa có khách quốc tế trở lại thì trông chờ vào khách nội địa. Ai cũng mong dịch bệnh trong nước được kiểm soát, tình hình yên ổn, được chích vaccine ngừa dịch covid-19 thì dịch vụ kinh doanh, du lịch mới hồi sinh…