Bồi thường chưa xong đã phá dỡ nhà dân(!?)
Pháp luật - Bạn đọc 28/04/2021 15:46
“Nhập nhèm” tên Dự án
Ngày 7/4/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 1081/QĐ-UBND về việc thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Minh Phương, huyện Yên Lạc. Tiếp đó, ngày 5/5/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 1331/QĐ-UBND về việc chấp thuận phạm vi nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 về phê duyệt nhiệm vụ dự toán kinh phí khảo sát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Minh Phương, tại thị trấn Yên Lạc và xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1567/TTg-NN ngày 9/11/2018 về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Yên Lạc ra Thông báo số 48/TB-UBND ngày 23/4/2019, thu hồi đất để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương. Trước đó, các quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc dự án có tên “Cụm công nghiệp Minh Phương”, không có “làng nghề”.
Được biết, từ lúc tổ chức họp dân để triển khai Dự án đến nay, các hộ dân chưa được UBND huyện Yên Lạc hay chủ đầu tư (Công ty TNHH Thương mại Kết Hiền) cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lí để thực hiện dự án. Các hộ dân cũng không biết UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hay UBND huyện Yên Lạc thu hồi bao nhiêu diện tích đất, phạm vi Dự án đến đâu. Chỉ biết rằng, Công ty TNHH Thương mại Kết Hiền (chủ đầu tư) và UBND huyện Yên Lạc ban hành nhiều quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Một số đối tượng xăm trổ đến hủy hoại tài sản của gia đình bà Tính ngày 13/4/2021 (ảnh cắt từ clip người dân cung cấp). |
Hủy hoại tài sản của dân?
Ngày 22/10/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho cấp huyện quyết định thu hồi đất. Do đó, cuối năm 2019, UBND huyện Yên Lạc tiến hành thu hồi toàn bộ 19.800m2 đất của gia đình bà Trần Thị Tính đang quản lí và sử dụng, thời gian giao khoán đến năm 2064, để giao cho Công ty TNHH Thương mại Kết Hiền thực hiện Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương. Diện tích đất trên của gia đình bà Tính có nguồn gốc từ việc gia đình được Nhà nước giao (một phần do việc chuyển đổi, thuê khoán của 38 hộ gia đình trong thôn để làm mô hình VAC từ những năm 1997; một phần do gia đình cải tạo, khai hoang trong quá trình sử dụng).
Gia đình bỏ nhiều tiền bạc và công sức vào mô hình VAC và các công trình khác. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm kê tài sản làm căn cứ bồi thường, gia đình bổ sung nhiều hạng mục, nhưng chủ đầu tư và UBND huyện Yên Lạc chưa giải quyết.
Ngày 14/4/2021, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Phát triển quỹ đất huyện Yên Lạc tổ chức buổi làm việc với một số hộ dân khiếu nại về việc kiểm kê thiếu tài sản, quyền lợi liên quan đến việc thu hồi đất. Trước buổi làm việc, gia đình bà Tính mời luật sư đến tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng cho gia đình. Nhưng, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Phát triển quỹ đất huyện Yên Lạc không đồng ý, nhưng không đưa ra lí do chính đáng, nên gia đình bà Tính không tiếp tục làm việc.
UBND huyện Yên Lạc chưa giải quyết việc phản ánh, khiếu nại dứt điểm; cũng không có quyết định, thông báo cưỡng chế thu hồi đất, nhưng bất ngờ sáng 13/4/2021, Công ty TNHH Thương mại Kết Hiền đã tự ý san ủi đất, lấp ao, phá dỡ công trình của gia đình bà Tính. Ngay khi sự việc xảy ra, gia đình bà Tính đã báo UBND huyện Yên Lạc, Công an huyện Yên Lạc, UBND xã Nguyệt Đức, Công an xã Nguyệt Đức. Sự việc hủy hoại tài sản trên chỉ có Công an xã Nguyệt Đức xuống, nhưng cũng để mặc cho doanh nghiệp hủy hoại tài sản của gia đình. Hậu quả, khiến nhiều công trình, cây cối bị hủy hoại. Đồng thời, toàn bộ vật nuôi trong trang trại có nguy cơ chết (có một số con chết).
Bà Trần Thị Tính cho rằng: “Thứ nhất: Năm 2015, gia đình mua rất nhiều đất, sỉ than, gạch gỡ của nhà máy gạch Minh Tân, Tân Thịnh, thuê máy ủi, xúc để san nền lấy mặt bằng xây dựng chuồng trại (năm 2005 ruộng được đào ao rất sâu, phần đất bán cho Công ty gạch Tân Thịnh, 50% giá trị tiền bán đất nộp cho xã, 25% hỗ trợ chủ trạng trại, 25% còn lại chia đều cho các hộ có sổ đỏ), nhưng chưa được đưa vào phương án bồi thương. Thứ hai: Cũng tại phương án bồi thường, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Phát triển quỹ đất huyện Yên Lạc áp mức bồi thường 80% giá trị nhà, công trình có tiêu chuẩn kĩ thuật tương đối với trường hợp nhà, công trình không xác định được thời gian sử dụng theo điểm c, Khoản 1, Điều 9 Quyết định 35/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, toàn bộ công trình của gia đình đều xây dựng mới từ năm 2017, có xác nhận của những hộ xung quanh và tài liệu chứng minh thời điểm xây dựng, nên không thể áp dụng. Do đó, mức bồi thường nhà, công trình bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình theo điểm a, Khoản 1, Điều này, theo tính toán của gia đình tôi thì phải được bồi thường 100%. Phần chênh lệch 20% giá trị lên đến hàng tỉ đồng, nên phải áp dụng chính xác mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. Thứ ba: Ngoài diện tích bị thu hồi 19.800m2, gia đình còn khai hoang hơn 4.000m2 đất nông nghiệp từ năm 1993 cũng nằm trong diện thu hồi, nay gia đình mới nhận thức được, nên Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Phát triển quỹ đất huyện Yên Lạc phải kiểm kê và đưa vào phương án bồi thường. Thứ tư: Theo Điều 84, Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, mà không có đất nông nghiệp để sản xuất thì ngoài việc bồi thường bằng tiền, còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm. Vì vậy, gia đình đủ điều kiện để được hưởng. Thứ năm: Phải hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất theo Điều 19 Nghị định số 74/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đó là đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, được nhận hình thức bằng tiền. Nhưng, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Phát triển quỹ đất huyện Yên Lạc chưa đưa nội dung này vào phương án bồi thường cho gia đình”.
Để làm rõ các nội dung trên, phóng viên game bài đổi thưởng tiền that đặt lịch với UBND huyện Yên Lạc, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía UBND huyện Yên Lạc.