Bình đẳng là nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững
Nghiên cứu - Trao đổi 28/06/2022 08:41
Điều 9, Hiến pháp 1946 quy định quyền bình đẳng nam nữ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện”. Di chúc của Bác viết: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”. Vấn đề này đã được cụ thể hóa thành các văn bản pháp luật như: Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới (BĐG), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước Liên Hợp Quốc về trẻ em…, trọng tâm là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã được điều chỉnh dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ. Các chương trình hành động như: Chương trình hành động Quốc gia về BĐG giai đoạn 2016-2020, Chương trình hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020… để bảo đảm quyền lợi cho người phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, y tế và ngay chính trong gia đình.
Ngày Gia đình Việt Nam |
Những chương trình, dự án nâng cao năng lực cho nữ giới và thực hiện BĐG luôn chú trọng vấn đề bất BĐG trong gia đình. Bởi, thực tế cho thấy, xã hội ngày nay, việc “bình đẳng về mặt pháp luật vẫn chưa phải bình đẳng trong gia đình”. Vì vậy, bất BĐG đâu đó vẫn còn tồn tại trong gia đình, như sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ về vị thế, điều kiện và cơ hội trong việc đóng góp và hưởng lợi từ sự phát triển của gia đình, của đất nước. Nguyên nhân bất BĐG ở mỗi gia đình được thể hiện thông qua việc phân biệt đối xử giữa người chồng với người vợ; giữa trẻ em trai và trẻ em gái, quan niệm người đàn ông phải là trụ cột, lo những việc lớn, gánh vác công việc xã hội, còn người phụ nữ phải lo các công việc nội trợ thường ngày, chăm sóc con cái.
Sự bất BĐG trong xã hội và trong gia đình làm cho người phụ nữ luôn ở vị trí yếu thế, phụ thuộc vào nam giới, là nhóm có nguy cơ cao về bạo lực gia đình. Do vậy, bạo lực gia đình và BĐG là hai vấn đề có liên quan trực tiếp với nhau. Muốn xóa bỏ bạo lực gia đình thì phải loại trừ tình trạng bất BĐG. Bởi, bất BĐG trong gia đình sẽ để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm sút về mặt tinh thần của phụ nữ do làm việc quá sức. Mặt khác, phần lớn phụ nữ trong gia đình gặp nhiều cản trở khác như phụng dưỡng cha mẹ, nội trợ, chăm sóc con cái, lo toan việc nhà… Từ đó, lệ thuộc kinh tế vào chồng, không có thời gian chăm sóc cho bản thân, cũng như thăng tiến trong công việc…
Để thực hiện BĐG trong gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững cần có sự quan tâm của xã hội nói chung, bao gồm các cơ quan quản lí nhà nước ở các ngành, các cấp, các tổ chức có trách nhiệm trong việc xây dựng, ban hành và kiểm tra việc thực hiện các quy định về BĐG. Đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp có trách nhiệm rất quan trọng trong việc thực hiện BĐG. Hội cần tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ; phối hợp tổ chức bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử vào các cơ quan dân cử các cấp, tham gia quản lí, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định của pháp luật, thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật BĐG. Mỗi người dân cũng có trách nhiệm trong việc thực hiện BĐG, thông qua việc học tập nâng cao nhận thức và tham gia các hoạt động xã hội trong việc thực hiện BĐG trong gia đình và ngoài xã hội…
Trong mỗi gia đình, vai trò của cha mẹ có vị trí quan trọng, cả hai cần có nhận thức đúng đắn về những vấn đề liên quan đến giới, giới tính, vai trò giới và đặc biệt là cách đối xử với con trai và con gái như nhau; đồng thời trực tiếp giáo dục cho con những kiến thức về giới, giới tính, hiểu đúng về BĐG… Đặc biệt, sự thực hiện tốt BĐG của cha mẹ sẽ là nền tảng vững chắc xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.