Bàn về người đứng đầu!
Nghiên cứu - Trao đổi 17/03/2022 10:12
Gần đây ở một số viện, học viện nghiên cứu có phần triết học, chính trị học về chương, mục phạm trù: Người đứng đầu, thủ lĩnh hay lãnh tụ? Chúng tôi nghĩ rằng, dù có sắc thái, biểu cảm khác nhau ở tu từ, câu chữ thì vẫn là người đứng đầu, dù đó là quốc gia, lãnh thổ, đảng phái, tôn giáo, hay vùng, miền nào đó. Vậy là, cần xem lại cả lí luận và thực tiễn ở các mối quan hệ cá nhân-quần chúng, người đứng đầu-tập thể; thủ lĩnh-người thuộc quyền…
Dù muốn hay không muốn, không dễ gì phản bác được vị trí, sự ảnh hưởng trực tiếp không nhỏ của các cá nhân trong lịch sử (thủ lĩnh, lãnh tụ) và vai trò người cán bộ (dù ở cấp cơ sở) trong câu thành ngữ: “Cán bộ nào, phong trào đó”. Vì vậy, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, người đứng đầu như thế nào là chuyện rất quan trọng nên không thể không cân nhắc, xem xét thấu đáo, cẩn trọng. Nói đến đây phải xác định cho cán bộ thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn được giao phó đến đâu để thực thi. Không ít cán bộ, xem ra có chút chức vụ là lợi dụng để phát huy quyền hành, quyền lợi mà quên đi rằng, trong “quyền” có “hạn”, thực thi nghĩa vụ công chức. Châm ngôn có câu “rau nào sâu ấy”, ý nói sự phù hợp thích nghi của con sâu trong mỗi loại rau để phá rau. Còn phạm vi người cán bộ, người đứng đầu, trong đấu tranh chống quốc nạn tham nhũng, phải thấu hiểu chân lí cha ông “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” để trị quan tham, trị loạn và tệ kiêu binh, mới mong có sự bình yên xã hội và đất nước mới phát triển.
Thiết nghĩ, câu chuyện về người đứng đầu được quan tâm hơn, bàn luận kĩ hơn; trong dịp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về ba vấn đề cấp bách cần giải quyết, mà vấn đề thứ ba là: “Xác định rõ thẩm quyền người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị…”. Người viết bài này xin góp một ý kiến để bạn đọc tham khảo.