Bàn về 4 chữ: "Thiết kiến ngụỵ sứ" trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn
Nghiên cứu - Trao đổi 02/01/2024 08:20
Tiêu đề Hịch tướng sĩ bắt đầu có từ đây, vì trong Đại Việt sử kí chưa có tiêu đề. Sau này được các dịch giả như: Bùi Kỉ, Ngô Tất Tố,... nhóm tác giả Bùi Văn Nguyên, Lê Thước, nhóm biên soạn Thơ văn Lí Trần chỉnh lí và dịch lại. Bản dịch văn bản này đưa vào giảng dạy ở bậc học phổ thông được trích từ Hợp tuyển thơ văn Lí-Trần của Nhà xuất bản Văn học - 1976, tính đến nay đã gần 50 năm. Điều này nói lên tính tối ưu của bản dịch được đưa vào nhà trường phổ thông hiện nay.
Vẫn biết: "Cái khó hiện thời là bản dịch hiện hành đã vào sâu trong tâm thức đại chúng, trong bảo tàng, di tích lịch sử, nhà lưu niệm... qua hàng thế kỉ, giờ muốn đổi thay dù chỉ một đôi chữ, cũng đâu phải chuyện dễ. Dẫu sao thì đây là vấn đề khoa học, văn bản nghiêm túc. Đối với quốc thi, quốc chiếu, quốc hịch, đại cáo, vừa là kiệt tác văn chương, vừa là văn kiện lịch sử trọng đại của quốc gia, nên thấy vấn đề về văn bản tất phải nêu ra trước công luận". (GS Bùi Văn Nguyên)
Với tinh thần ấy, tôi mạnh dạn nêu lên vài chổ cần được bàn bạc nghiêm túc, nếu đúng thì nên được chỉnh lí trong đợt in sách giáo khoa sắp tới.
Đó là trường hợp về bốn chữ 竊見偽使 : "Thiết kiến ngụy sứ”, trong câu: 竊見偽使往來 道途旁午
Thiết kiến ngụy sứ vãng lai, đạo đồ bàng ngọ.
Về vấn đề này tôi xin được trao đổi mấy ý như sau:
1. Tình hình về cách dịch 4 chữ này hiện nay:
- Hầu hết các văn bản khi dịch 4 chữ này đều dịch là: Ngó thấy sứ giặc.
(Bùi Kỉ, nhóm biên soạn Thơ văn Lí Trần và một số tác giả khuyết danh).
- GS Bùi Văn Nguyên và GS Lê Thước dịch là: Liếc thấy sứ giặc.
(Tập bài giảng Đại học Sư phạm).
- Tác giả Ngô Tất Tố có lần dịch là: Chính mắt ngó thấy sứ ngụy.
2. Qua các cách dịch nêu trên, theo tôi là chưa đạt mà phải dịch là:
“Thiết kiến ngụy sứ" như Diễn đàn Hàng hải Việt Nam (//vinathuquan.net) và của Lê Quốc Quân đăng trên: blogspot.com. Duy nhất có 1 bản khuyết danh ghi là: “Lén nhìn sứ ngụy” là đúng với nguyên tác hơn cả, đúng với tầm của một vị tướng lỗi lạc, văn võ song toàn như Trần Quốc Tuấn.
Vì sao vậy? Tôi xin được lí giải như sau:
Về 4 chữ “Thiết kiến ngụy sứ" ta cần lưu ý:
* Hai chữ 竊見 “Thiết kiến”:
-Trước hết, căn cứ vào hai bộ từ điển Hán Việt ta vẫn quen dùng hiện nay của các cụ Đào Duy Anh, cụ Thiều Chửu. Chữ 竊 “Thiết” ở đây theo từ điển được hiểu là: Ăn cắp, ăn trộm, kẻ cắp.
- Hai là với Hưng Đạo Đại vương, bằng lối khích tướng, ông chủ ý muốn đánh vào lòng tự trọng của tướng sĩ dưới quyền. Đường đường là một tướng Đại Việt mà khi nhìn tên ngụy sứ mà vẫn còn lấm lét, vụng trộm, thiếu đường hoàng thì khi đối diện với thiên binh, vạn mã của kẻ thù thì làm như thế nào?
GS Bùi Văn Nguyên và GS Lê Thước dịch là “Liếc thấy sứ giặc” đã có sự xích lại gần nguyên tác hơn, thể hiện được 1 phần cái nhìn lén lút không đường hoàng, không dám nhìn thẳng của vị tướng nhà Trần qua từ “liếc”.
Ta không thể hiểu “Thiết kiến” là “Ngó thấy” được, mà phải dùng một trong các từ sau:
“Ngó trộm”, “Lén nhìn”, “Nhìn trộm” mới đúng.
* Về Hai chữ 偽使 - “Ngụy sứ”:
Chúng ta cũng không thể hiểu hai chữ “Ngụy sứ” là “sứ giặc” được. Bởi lẽ:
- Nếu chỉ thuần tuý là "sứ giặc" thì nhất định Trần Quốc Tuấn không dùng “Ngụy sứ” mà ông sẽ dùng một trong các từ sau thay thế: “Tặc sứ”, “Khấu sứ” hoặc “Lỗ sứ”.
Vì sao vậy?
Trước hết, theo quan điểm của Nhân dân Trung Hoa thì trong lịch sử của dân tộc mình, họ không công nhận triều Nguyên là chính thống.
Một triều đình không được xem là chính thống thì thường gọi là “Ngụy triều”. Sứ giả của “Ngụy triều” thì tất nhiên phải gọi là “Ngụy sứ”.
Ở đây, Trần Quốc Tuấn dùng từ “Ngụy sứ” mà không dùng 3 từ “tặc sứ”, “khấu sứ” hoặc “lỗ sứ”, vì ông muốn thể hiện quan điểm của mình, của Nhân dân Đại Việt là hoàn toàn thống nhất với quan niệm của Nhân dân Trung Hoa. Giặc Nguyên Mông là kẻ thù của Nhân dân Đại Việt, đồng thời cũng là kẻ thù của Nhân dân Trung Hoa. Nó là kẻ thù chung của cả hai dân tộc. Vì thế khi Trần Quốc Tuấn dùng chữ “Ngụy sứ” vừa khẳng định được tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc ta, vừa cô lập nhà Nguyên, phân hoá hàng ngũ địch.
Trong đội quân Nguyên - Mông hầu hết là người Hán, nhiều người bất đắc dĩ mới làm tay sai cho Hốt Tất Liệt sang xâm lược nước ta, giá trị thức tỉnh ý thức dân tộc trong hàng ngũ binh lính giặc chính là ở chổ đó.
3. Trải qua gần 50 năm, các giáo viên, các em học sinh xưa nay đều dạy và được học 4 chữ “Thiết kiến ngụy sứ” là: “Ngó thấy sứ giặc” như thế là chưa thỏa đáng.
Nếu cứ hiểu vậy là chưa sát với nguyên tác, chưa hiểu thông điệp sâu xa mà Hưng Đạo vương muốn gửi gắm. Chưa hiểu hết tài năng của ông, một tài năng quân sự, đã được Hội đồng Hoàng gia Anh bình chọn là 1 trong 10 vị tướng kiệt xuất cổ kim của thế giới.
Rất tiếc, bao năm rồi các dịch giả ở phía bắc chỉ có GS Lê Thước dịch chữ "Thiết kiến" là "liếc thấy" là có một phần đúng nhưng lại không được sử dụng.
May mắn thay, vừa rồi tôi được biết nhóm dịch giả miền Nam trước 1975, gồm các ông Nguyễn Phước Thảo, Mã Nguyên Lương và Lê Xuân Mai trong cuốn Binh thư yếu lược do Nhà sách Khai Trí 42- Đại lộ Lê Lợi -Sài Gòn ấn hành. Ở cuốn sách này họ dịch rất đúng "Thiết kiến ngụy sứ" là: "Trộm thấy ngụy sứ".
Tôi xin đề nghị các giáo viên khi dạy đến phần này nên dừng lại vài phút phân tích cho học sinh hiểu sâu thêm giá trị của nguyên tác.
Nếu tái bản lần sau, tôi đề nghị sách giáo khoa dùng như nhóm tác giả vừa nói ở trên. Hoặc chọn 1 trong các chữ sau đây: Lén nhìn sứ ngụy, Liếc trộm ngụy sứ, Trộm ngó sứ ngụy khi dịch cụm từ Thiết kiến ngụy sứ. Cuối văn bản cần có chú thích nêu ngắn gọn, giải thích để học sinh hiểu khi đọc và soạn bài.
Tôi coi đây là một phần trong nội dung đổi mới sách giáo khoa mà ngành giáo dục đang quan tâm hiện nay.
Là một cán bộ quản lí có tham gia giảng dạy nay đã nghỉ hưu, vấn đề trên tôi đã trăn trở từ lâu, nay xin mạo muội tiếp tục đưa lên đây để các bạn đồng nghiệp tham khảo. Đây là vấn đề khó, vốn Hán Nôm của mình lại có hạn rất mong được các bạn cảm thông, chia sẻ.