Bác Hồ về nước chuẩn bị cho việc giành độc lập
Nghiên cứu - Trao đổi 28/01/2024 08:16
Bối cảnh Việt Nam trước khi Bác Hồ về nước
Ngày 22/6/1940, Pháp mất nước vào tay phát xít Đức. Tiếp đó, tháng 9/1940, phát xít Nhật tiến quân vào Đông Dương. Thực dân Pháp đã cúi đầu rước phát xít Nhật với thỏa thuận hợp tác cùng bóc lột Nhân dân ta. Tháng 10/1940, lợi dụng nước Pháp suy yếu, Thái Lan cũng gây chiến tranh để giành lại quyền lợi ở Lào và Campuchia. Thực dân Pháp liền bắt dân ta đi lính để làm “bia đỡ đạn” cho chúng.
Nhân dân ta lâm vào tình thế thống khổ không chịu nổi nên khắp cả nước đã diễn ra những cuộc khởi nghĩa. Tiêu biểu nhất: Khởi nghĩa Bắc Sơn (nổ ra ở tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 27/9 đến ngày 28/10/1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài từ ngày 22/11 đến 31/12/1940), binh biến Đô Lương (nổ ra ở tỉnh Nghệ An vào ngày 13/1/1941), là “những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương”1.
Nắm được tin nước Pháp bị mất vào tay phát xít Đức, tại Côn Minh (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp Ban Hải ngoại của Đảng. Người phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ”2. Đến ngày 28/1/1941, Người về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Bác Hồ chuẩn bị cho việc giành độc lập
Từ ngày 8/2/1941, Bác ở và làm việc tại hang Cốc Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tại đây, Người đã đặt tên cho núi Phja Tào là núi Các Mác và con suối Khuổi Mịn là suối Lênin. Trên một chiếc bàn đá, Người đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô để làm tài liệu hoạt động cho cách mạng Việt Nam. Những điều này thể hiện tư tưởng, mục tiêu, đường lối và niềm tin của Người vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam theo con đường của Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Sau một thời gian chuẩn bị, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó) từ ngày 10 đến 19/5/1941. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để thực hiện việc đại đoàn kết toàn dân tộc chống ngoại xâm và giành lại độc lập dân tộc.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Những trung đội Cứu quốc quân lần lượt ra đời: Trung đội Cứu quốc quân I được thành lập vào ngày 14/2/1941, Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập vào ngày 19/5/1941, Trung đội Cứu quốc quân III ra đời vào 5/2/1944. Tiếp đó, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã được thành lập vào ngày 22/12/1944. Sau đó, Việt Nam Giải phóng quân được thành lập vào ngày 15/5/1945, trên cơ sở thống nhất từ các đơn vị Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung của cả nước Việt Nam.
Năm 1941, sau khi về nước, Bác chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa dựa trên cơ sở lực lượng chính trị được tổ chức và phát triển. Tiếp đó, thực hiện chỉ thị của Người, ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập bao gồm hai căn cứ lớn trên địa bàn 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc ngoại vi tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái. Tân Trào được chọn là Thủ đô lâm thời của Khu giải phóng. Với 1 triệu người gồm nhiều dân tộc khác nhau, Khu giải phóng Việt Bắc đã thực sự là “hình ảnh nước Việt Nam mới”, cùng với hệ thống các chiến khu trong cả nước tạo thành hậu phương và bàn đạp cho thế trận Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong tháng 8/1945.
Đến khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), thời cơ đã xuất hiện, song Đảng ta vẫn chưa quyết định phát lệnh tổng khởi nghĩa, bởi do cuộc đảo chính diễn ra quá nhanh, các tầng lớp đứng giữa chưa ngả hẳn về cách mạng, đội tiên phong còn đang lúng túng về chuẩn bị khởi nghĩa. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã đề ra một cao trào kháng Nhật cứu nước để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị cho đến những hình thức cao hơn như biểu tình thị uy vũ trang, du kích… Chỉ thị cũng nêu rõ nơi nào thấy so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thì tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận và “sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện”3.
Ngày 29/3/1945, Bác gặp tướng Claire Chennault, Tư lệnh Không đoàn số 14 của Mỹ, cũng là người đại diện cao nhất của Đồng minh ở vùng miền Nam Trung Quốc để thoả thuận sự hợp tác chống phát xít Nhật ở Đông Dương.
Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Ngày 9/8/1945, quân đội Liên Xô từ bốn hướng ồ ạt tấn công Đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu (Đông Bắc Trung Quốc). Trong khi đó, Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô cũng đổ quân vào Bắc Triều Tiên, tấn công miền Nam đảo Sakhalin và quần đảo Kurin.
Nắm chắc Liên Xô tấn công phát xít Nhật khiến nước Nhật sẽ đầu hàng Đồng minh, Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng đã họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến 15/8/1945 đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.
Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng. Nghị quyết Quốc dân Đại hội nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nếu hoàn toàn độc lập”4. Quốc dân Đại hội Tân Trào cũng đã thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam.
Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa (18/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”5. Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật nhào sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến.
Như vậy, chiến thắng của phe Đồng minh trước phe phát xít đã tạo thời cơ để Việt Nam giành độc lập. Tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị từ trước thì mới có đủ lực lượng để đón nhận thời cơ này. Điều này đã được Bác tính toán một cách kĩ lưỡng và chu toàn ngay sau khi Bác về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.