Bác Hồ nói về quyền bình đẳng nam nữ
Nghiên cứu - Trao đổi 09/03/2023 11:06
Từ năm 1922, trên báo Le Paria (Người cùng khổ), số 5, kí tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã lên án những bạo lực của thực dân Pháp đối với phụ nữ An Nam… Ngoài ra, trên nhiều tờ báo thời đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác của bọn thực dân đối với phụ nữ Đông Dương và các nước thuộc địa. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, xuất bản năm 1927, Người chỉ rõ: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới mới thành công”.
Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã đến nước Mỹ năm 1912, tới New York, chiêm ngưỡng tượng thần Tự do. Mọi chính khách đều ghi cảm tưởng, ca ngợi Ngôi sao tỏa sáng trên vòng nguyệt quế là ánh sáng tự do. Duy có Bác, nhìn xuống chân tượng và ghi: “Ánh sáng trên đầu thần Tự do, tỏa rộng khắp trời xanh; còn dưới chân tượng thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen mới được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ mới được bình đẳng với nam giới?”.
Ảnh tư liệu |
Năm 1946, khi xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên, Bác Hồ chỉ đạo, ghi rõ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi mặt”. Hiến pháp năm 1959, ghi cụ thể hơn: “Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”.
Nhiều lần đến thăm và nói chuyện ở các ngành, các địa phương, Bác thường mời các đại biểu phụ nữ ngồi lên phía trên. Và có dịp là Người nói vấn đề bình đẳng nam nữ; nói tới những đóng góp lớn lao của phụ nữ. Bác nêu: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ!”; “Trong lịch sử phát triển của đất nước, ở bất cứ thời kì nào, phụ nữ Việt Nam cũng giữ vai trò quan trọng”; “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc, đã sinh và nuôi dưỡng những thế hệ anh hùng của nước ta”; “Trên thế giới, chưa có nơi nào, phụ nữ làm Phó tổng Tư lệnh như ở miền Nam nước ta” (Ý Bác nói tới bà Nguyễn Thị Định).
Nói chuyện với các cán bộ cao cấp, Bác nhắc nhở: “Phải mạnh dạn giao việc cho những cán bộ trẻ đã được rèn luyện thử thách. Đặc biệt, phải chú ý cất nhắc cán bộ phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ”.
Ngày 9/3/1961, đến dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Bác Hồ nói: “Ngay từ mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị là người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà. Vì vậy, phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm tròn nhiệm vụ của mình, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc Bác viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.