Bác Hồ luôn quan tâm khối đại đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Nghiên cứu - Trao đổi 30/06/2023 11:10
Ngày 28/1/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Theo chủ trương của Người, Đảng ta đã thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) vào ngày 19/5/1941, để thực hiện việc đại đoàn kết toàn dân tộc để giành lại độc lập dân tộc.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam ra sức tuyên truyền xuyên tạc Chính phủ ta, thực hiện âm mưu chia rẽ các dân tộc Việt Nam. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Theo tinh thần của Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc (25/11/1945) của Đảng ta, Chính phủ ta đã tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam (3/12/1945). Tại Đại hội, Người nhận định trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa. Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra trên cả nước. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó có 34 đại biểu DTTS.
Ảnh tư liệu |
Thực dân Pháp càng mở rộng chiến tranh thì chúng càng thực hiện âm mưu thâm độc để chia rẽ các dân tộc Việt Nam. Để chống lại âm mưu đó, Đại hội các DTTS miền Nam với tinh thần đoàn kết để kháng chiến chống Pháp đã diễn ra tại Pleiku. Trong Thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam (19/4/1946), Người khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta” - Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 249-250.
Ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 58 tổ chức Bộ Nội vụ trong đó có Nha DTTS (tiền thân của Uỷ ban Dân tộc hiện nay) với chức năng, nhiệm vụ xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các DTTS trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam.
Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1955), sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào DTTS đã thu được những thành tựu to lớn. Trong Thư gửi đại hội hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du (11/4/1964), Người đã đánh giá: “Từ khi hoà bình lập lại đến nay, miền núi và trung du đã có nhiều tiến bộ lớn. Về chính trị thì các dân tộc đều bình đẳng, dân chủ, đoàn kết. Về văn hoá, xã hội thì nhiều người đã biết chữ, nhiều trường tiểu học, trung học lần lượt mọc lên...”.
Dành một tình cảm đặc biệt đối với đồng bào DTTS, trong Di chúc, Bác căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân” - Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trj quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 612.
Ngay trong tháng 9/1969, sau khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cha kính yêu của dân tộc qua đời, 5 DTTS bao gồm Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Bru - Vân Kiều ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế đã đổi sang họ Bác Hồ. Anh hùng Hồ Kan Lịch (người Pa Cô, ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), người có vinh dự 7 lần được gặp Bác, bày tỏ: “Mỗi lần gặp Bác là một kỉ niệm lớn khi được Bác ân cần thăm hỏi, động viên, dặn dò nhiều điều để hoạt động cách mạng được tốt hơn”.
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng và Chính phủ ta đã xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta cũng đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Đảng ta đã nhấn mạnh về công tác đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lí hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 170-171.