Đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Sự kiện 13/10/2023 17:38
Tờ trình về kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình MTQG (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, có 5 nhóm giải pháp được đề xuất là: Về thẩm quyền quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ chủ trì liên kết (doanh nghiệp, HTX), nhóm hộ gia đình thực hiện phát triển sản xuất và việc quản lí tài sản hình thành sau hỗ trợ; giao danh mục dự án, công trình quy mô nhỏ, kĩ thuật không phức tạp thực hiện theo cơ chế đặc thù trong giao kế hoạch đầu tư công trung hạn; Giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương hằng năm; Cơ chế ủy thác nguồn vốn ngân sách Nhà nước qua hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG.
Quang cảnh phiên họp |
Nhất trí với các biện pháp, đề xuất của Đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Hải cho rằng cần có sự thay đổi trong cách quản lí các Chương trình MTQG, đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, chú ý cân bằng giữa vốn sự nghiệp với vốn đầu tư; đồng thời cần thay đổi cách triển khai theo hướng giảm thiểu, làm gọn nhẹ các thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận.
Về việc kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư và sự nghiệp của ba Chương trình MTQG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, việc kéo dài thời gian vốn của năm 2022 sang năm 2024 là không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, qua báo cáo và các ý kiến, cùng với việc xem xét tình hình thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS thống nhất đề xuất của Đoàn Giám sát đề nghị Ủy ban TVQH xem xét, báo cáo QH cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với nguồn vốn này theo hướng để kéo dài đến hết năm 2024.
Thống nhất với 5 nhóm giải pháp được Chính phủ đề xuất, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, bất cứ giải pháp nào có thể khắc phục được tình trạng chậm triển khai các Chương trình MTQG, cần cố gắng thực hiện, song phải báo cáo rõ với QH về lí do khách quan, chủ quan.
Đồng tình với những kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiến độ giải ngân của các Chương trình MTQG đang ở mức thấp so với mặt bằng chung. Thực tiễn giám sát cho thấy, việc thực hiện các Chương trình MTQG không chỉ vướng ở một khâu. Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt để những công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan có thể tổ chức thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cần nâng cao chất lượng của các công việc, tránh trường hợp giải ngân ồ ạt không đạt được hiệu quả, chất lượng; bảo đảm phân bổ đúng mục đích, không để xảy ra tình trạng gây thất thoát, tiêu cực, lãng phí, đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Kết luận, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cho biết, về cơ bản Ủy ban TVQH đồng tình với các chính sách có tính đặc thù mà Chính phủ đề nghị nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của 3 Chương trình MTQG. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh Tờ trình, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, báo cáo đánh giá tác động, nêu một số nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để thực hiện các cơ chế này và gửi các cơ quan của QH để Hội đồng Dân tộc thẩm tra chính thức trước khi trình QH tại Kì họp thứ 6…