Xã buông lỏng quản lí, nhiều hộ dân lấn chiếm đất xây dựng trái pháp luật
Pháp luật - Bạn đọc 22/11/2021 18:06
Đó là tố cáo của ông Nguyễn Văn Hòa đối với ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn. Ông Hòa cho rằng, ông Thịnh buông lỏng quản lí về đất đai, để nhiều hộ dân chiếm đất, xây dựng trái pháp luật tại khu đầm, lò gạch xã Chàng Sơn, cụ thể: Hộ ông Nguyễn Văn Việt chiếm đất, xây dựng khuôn viên mồ mả gần 300m2; hộ các ông Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Biên làm lán xưởng cho thuê; hộ bà Lê Thị Hường xây dựng nhà ở kiên cố; hộ ông Nguyễn Văn Tiến xây dựng khuôn viên nghĩa trang gia đình, trên phần đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64-CP của Chính phủ. Cán bộ chuyên môn của UBND xã lập biên bản vi phạm và thu giữ công cụ, phương tiện, nhưng sau đó ông Thịnh giải quyết, trả lại công cụ, phương tiện để cho hộ này tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 2 nghĩa trang gia đình. Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cố ý làm trái các quy định của pháp luật, kí xác nhận vào đơn xin cấp điện cho hộ ông Nguyễn Văn Hinh không đúng thực tế, trái pháp luật, trong khi ông Hinh đang lấn chiếm đất, xây dựng không phép. Ông Hòa bày tỏ quan điểm, ông không yêu cầu giữ bí mật thông tin cá nhân của ông khi ông phản ánh.
Khuôn viên nghĩa trang gia đình ông Nguyễn Văn Tiến xây trên đất nông nghiệp giao theo Nghị định số 64-CP |
Lần giở tài liệu có trong hồ sơ được biết: Ngày 27/11/1992, UBND xã Chàng Sơn kí Hợp đồng số 20 với Công ty sản xuất và hợp tác lao động sản xuất Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng), về nạo vét lòng đầm Chàng Sơn. Hợp đồng được UBND huyện Thạch Thất phê duyệt, có nội dung (tóm tắt) Công ty Bạch Đằng nhận thi công đào sâu, nắn thẳng lòng đầm, bờ đầm. Đổi lại, Công ty Bạch Đằng được quyền sử dụng toàn bộ khối lượng đất đào lòng đầm; được sử dụng mặt bằng khu lò gạch, nhà kho, nhà ở và lò vôi; được đốt gạch, nung vôi và sản xuất các mặt hàng vật liệu xây dựng, đồ gia dụng… Thời hạn cuối cùng thanh lí hợp đồng là ngày 30/12/2002.
Ngày 13/12/1993, Công ty Bạch Đằng chuyển nhượng Hợp đồng số 20 cho ông Nguyễn Văn Hòa, đơn trình báo có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn. Như vậy, ông Hòa kế thừa toàn bộ trách nhiệm và quyền lợi của Hợp đồng số 20, mà UBND xã Chàng Sơn đã kí kết với Công ty Bạch Đằng. Thế nhưng, trong khi ông Hòa đang thực hiện Hợp đồng số 20, thì ngày 7/6/2000, UBND xã Chàng Sơn “lật kèo”, ban hành Quyết định số 06/2000/QĐ-UB, thu hồi toàn bộ mặt bằng khu lò gạch tại đầm Chàng Sơn. Đương nhiên ông Hòa không thể đồng thuận với quyết định chéo ngoe này của UBND xã Chàng Sơn.
Hộ bà Lê Thị Hường xây dựng nhà kiên cố trên đất lấn chiếm khu đầm, lò gạch |
Vì vậy, ngày 25/3/2004, UBND xã Chàng Sơn có Tờ trình số 08/TT-UB, xin ý kiến giải quyết của UBND huyện Thạch Thất. Được UBND huyện cho ý kiến, ngày 31/5/2004, UBND xã Chàng Sơn ban hành Quyết định số 17/QĐ-UB, công nhận, tiếp tục gia hạn Hợp đồng số 20. Theo đó, UBND xã Chàng Sơn thu hồi diện tích đầm lớn và 1/2 khu lò gạch… Cho thuê sử dụng tiếp 10 năm để ông Hòa có điều kiện đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất kinh doanh nước sạch, phục vụ Nhân dân địa phương trong năm 2004 – 2005. Phụ lục hợp đồng thể hiện, ông Hòa được thầu quản lí, sử dụng đầm nhỏ và diện tích mặt bằng khu lò gạch… Diện tích đầm lớn và hai bên vỉa dọc đầm lớn… 1/2 diện tích mặt bằng khu lò gạch… giao cho gia đình ông Hòa về phía bãi rác… Hợp đồng số 17 và Phụ lục hợp đồng đều do ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn kí, đóng dấu.
Hộ ông Nguyễn Văn Biên lấn chiếm, làm nhà xưởng trên đất khu đầm, lò gạch |
Khi ông Phí Đình Hưng lên thay ông Bằng làm Chủ tịch, UBND xã Chàng Sơn lại “lật kèo”. Ngày 5/1/2005, ông Phí Đình Hưng kí ban hành Văn bản số 02/CV-UB, lấy lí do ông Nguyễn Công Bằng kí quyết định và phụ lục hợp đồng không đúng thời hiệu, vượt quá thẩm quyền, nên yêu cầu hủy bỏ toàn bộ văn bản liên quan đến ra hạn hợp đồng số 20, do ông Nguyễn Công Bằng kí, UBND xã sẽ đưa toàn bộ diện tích đầm, lò gạch vào quy hoạch, quản lí, sử dụng. Ông Hòa không thể đồng ý với UBND xã Chàng Sơn, tranh chấp xảy ra. Người được ông Hòa giao trông coi đầm, hồ để thả cá, chăn nuôi… thực hiện san lấp mặt bằng để làm sân bóng, trồng cây cau vua chắn cho bóng khỏi bay xuống hồ, lập tức bị ông Phí Đình Hưng huy động người đến chặt phá. Vụ việc được đưa ra Tòa giải quyết. Bản án sơ thẩm số 02/2014/HC-ST của TAND huyện Thạch Thất, Bản án phúc thẩm số 10/2015/HC-PT của TAND TP Hà Nội, đều phán quyết buộc UBND xã Chàng Sơn bồi thường thiệt hại cho người khởi kiện.
Hộ ông Nguyễn Văn Việt xây nghĩa trang gia đình trên đất lấn chiếm khu đầm, lò gạch |
UBND xã Chàng Sơn khởi kiện ông Nguyễn Văn Hòa, yêu cầu hủy các hợp đồng, quyết định, phụ lục hợp đồng liên quan đến khu đầm, lò gạch. Ngày 27/4/2015, TAND huyện Thạch Thất ban hành Quyết định số 03/2015/QĐST-HNGĐ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Ngày 26/6/2015, UBND xã Chàng Sơn ban hành Văn bản số 166/UBND-VP, yêu cầu ông Hòa giữ nguyên hiện trạng, lí do UBND xã Chàng Sơn đang kháng cáo Quyết định số 03 của TAND huyện Thạch Thất. Ngày 15/9/2015, TAND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 182/2015/QĐ-PT, cũng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Tiếp theo đó, giữa ông Hòa và UBND xã Chàng Sơn có nhiều cuộc làm việc, nhưng không đem lại kết quả. Ngày 21/12/2016, UBND xã Chàng Sơn có Văn bản số 163/UBND-VP gửi Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, đề xuất kiến nghị giải quyết những tồn tại của Hợp đồng số 20, nhưng đến nay chưa được giải quyết. Ngày 12/1/2017, UBND xã Chàng Sơn ban hành Thông báo số 16/TB-UBND, về giải tỏa khu đầm, lò gạch…
Vụ việc nhùng nhằng từ đó đến nay, ngay cả khi ông Phí Đình Hưng bị xử tù vì sai phạm về đất đai, người khác lên thay và giờ là ông Nguyễn Hữu Thịnh lên giữ chức Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thế nhưng, trong khi ông Hòa dừng mọi công việc, giữ nguyên hiện trạng khu đầm, lò gạch, nhưng UBND xã Chàng Sơn, cụ thể là ông Chủ tịch UBND xã lại buông lỏng quản lí, để nhiều hộ dân lấn chiếm, xây dựng công trình trái pháp luật, có hộ còn xây nhà ở kiên cố. Đáng nói, việc gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, ở thôn 4, xã Chàng Sơn xây nghĩa trang gia đình trên đất nông nghiệp giao theo Nghị định số 64-CP, thuộc thửa số 292, tờ bản đồ số 2, xứ Đồng Mép, là hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Hộ ông Nguyễn Văn Bảy làm lán xưởng cho thuê trên đất lấn chiếm khu đầm, lò gạch |
Theo luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty luật TNHH Hòa Lợi, việc buông lỏng quản lí, để nhiều hộ dân lấn chiếm, xây dựng trên đất khu đầm, lò gạch và cho gia đình ông Nguyễn Văn Tiến xây dựng 2 nghĩa trang gia đình trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lí đất đai, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đơn tố cáo của ông Hòa được UBND huyện Thạch Thất giao cho Thanh tra huyện thụ lí, tham mưu giải quyết. Đề nghị Thanh tra huyện Thạch Thất xem xét vụ việc thấu đáo, tham mưu cho UBND huyện giải quyết vụ việc đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Văn Hòa.
Huyện Thạch Thất, Hà Nội: Bao giờ cưỡng chế những nhà xưởng sản xuất trái phép trên đất nông nghiệp? Từ tháng 8/2019, UBND xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) ban hành kế hoạch cưỡng chế 19 trường hợp xây dựng nhà xưởng ... |