Viết tiếp bài “Tỉnh Phú Yên: Thấy gì qua hai bản án hành chính?”: Hai cấp Tòa có tiếp tay tước đoạt đất của dân?
Pháp luật - Bạn đọc 12/02/2020 10:59
Bỗng nhiên thành… kẻ trộm đất?
Báo Người cao tuổi số 208 (2568) ngày 27/12/2019 đăng bài: “Tỉnh Phú Yên: Thấy gì qua hai bản án hành chính?”, nói về chuyện thửa đất 700m2 bên đại lộ Hùng Vương của vợ chồng bà Trình Thị Tâm, ông Võ Văn Vũ, bị Chủ tịch UBND phường Phú Đông, TP Tuy Hòa cáo buộc chiếm đất của Nhà nước. Quyết định số 99/QĐ-XPVPHC của Chủ tịch UBND phường xử phạt vi phạm hành chính vì “chiếm thửa đất rừng phòng hộ 5.000m2 của Nhà nước để… xây dựng nhà ở quy định tại Khoản 2, Điều 10 Nghị định số 102/1014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai... Phạt tiền 4 triệu đồng… buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Bà Tâm khiếu nại, Chủ tịch UBND phường ra Quyết định số 32, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bà Tâm khởi kiện, bị TAND TP Tuy Hòa bác đơn, rồi bản án phúc thẩm số 05/2018/HC-PT ngày 30/5/2018 của TAND tỉnh Phú Yên y án sơ thẩm. Báo Người cao tuổi cho rằng, hai cấp Tòa bất chấp sự thật, tiếp tay cho Chủ tịch UBND phường Phú Đông, được dư luận đồng tình cao. Theo yêu cầu bạn đọc, Báo tiếp tục làm rõ những chuyện không bình thường của Tòa phúc thẩm, do thẩm phán Lê Ngọc Minh làm chủ tọa.
Tác giả trao đổi thông tin vụ việc với ông Võ Văn Kềnh, chủ diện tích 3.000m2 đất chia cho các con |
Ông Võ Văn Kềnh cho biết: “Tôi lớn lên đã thấy cha mẹ canh tác thửa đất này, có giấy của chính quyền thuộc Pháp cấp, nhưng lâu quá bị thất lạc. Năm 1967 tôi tiếp nhận thửa đất, năm 1971 khai phá thêm thì bị mìn nổ, cụt mất một chân, đến nay nhiều người vẫn nhớ. Năm 1992, tôi cho các con chia nhau thửa đất, đến năm 1996 thì 4 đứa đã làm nhà ở. Năm 2015 vợ chồng Võ Văn Vũ, Trình Thị Tâm mới làm nhà. Thửa đất Tâm - Vũ hình chữ nhật, nằm trong thửa hình chữ nhật trên 3.000m2 cũ của tôi. Cạnh phía Tây thửa đất của tôi, nay là cạnh phía Tây đất của Tâm - Vũ và đất của Võ Thị Trang. Cạnh phía Bắc đất của tôi, nay là cạnh phía Bắc đất của Tâm - Vũ và đất của Võ Thị Sang. Cạnh phía Đông đất của tôi, nay là cạnh phía Đông đất của Võ Thị Sang, Võ Văn Lực, Võ Thị Bích Hà, Võ Thị Bích Niên. Cạnh phía Nam đất của tôi, nay là cạnh phía Nam đất của Võ Thị Trang, Võ Văn Lực, Võ Văn Lượng (tức đại lộ Hùng Vương). Thửa rừng phòng hộ diện tích 5.000m2, nhưng không hiểu sao chỉ vợ chồng Tâm - Vũ bị cáo buộc chiếm, trong khi 6 anh chị em và những người quanh đó không liên quan? Nhưng đất của vợ chồng Tâm - Vũ chỉ có 700m2, làm sao bảo chiếm hết thửa đất 5.000m2 của Nhà nước? Thật không hiểu nổi các cấp Tòa ở cái tỉnh Phú Yên này”.
Biên bản ghi lời khai của ông Nguyễn Thanh Sơn, có nội dung khẳng định đất của vợ chồng ông Võ Văn Vũ, bà Trình Thị Tâm |
Chuyện cổ tích, “con gà chính là con bò”?
Ngày 8/1/2020, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có Thông báo số 02/2020/TB-TA gửi bà Tâm, từ chối kháng nghị bản án phúc thẩm nói trên vì “Văn bản số 1491/STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, vị trí đất của bà chồng lên vị trí thửa đất rừng phòng hộ và Biên bản đối thoại với UBND phường, chứng tỏ bà Tâm chiếm đất Nhà nước”. Vậy đâu là sự thật: Một là thửa đất rừng Phòng hộ, ông Nguyễn Thanh Sơn được giao năm 1995, thì năm 2008 bị thu hồi, trong khi đất của bà Tâm có nguồn gốc từ đầu thế kỉ 20, được cha mẹ cho vào năm 1992, năm 1994 người ta đã thấy bà trồng sắn, như xác nhận của nhiều người. Còn Biên bản đối thoại cũng bị áp đặt như bản án thôi. Nếu bà Tâm chiếm thửa đất rừng phòng hộ, thì chiếm bao giờ, bằng chứng đâu? Tại sao đơn vị quản lí thửa đất này không tranh chấp với bà Tâm?
Hai là, tại Biên bản lấy lời khai, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, thửa rừng phòng hộ Nhà nước thu hồi của ông năm 2008 khác với thửa đất của bà Tâm về vị trí, diện tích. Trước tòa ông vẫn khẳng định: “Đất bà Tâm không liên quan đến thửa đất rừng phòng hộ nói trên. Hai thửa này cách nhau trên 100m. Từ đất bà Tâm, phải qua một con đường, qua nhiều thửa đất, kể cả thửa 5.000m2 của bà Đinh Thị Minh Thư, rồi mới đến thửa rừng phòng hộ của tôi…”. Không chỉ ông Sơn, bà Thư, mà hàng chục người ở đây đều biết rõ và sẵn sàng ra tòa làm chứng.
Giấy vợ chồng ông Võ Văn Kềnh cho đất các con |
Ba là, thửa đất Nhà nước 5.000m2, lớn gấp 7 lần đất của bà Tâm, nếu chồng lên nhau, thì thửa đất Nhà nước sẽ trùm hết cả đất của bà Tâm và đất của hàng chục người vây quanh. Sở TN&MT Phú Yên nói: “Căn cứ bản đồ do Tòa cung cấp, thì vị trí đất bà Tâm chồng lên vị trí thửa đất Nhà nước”. Nhưng bản đồ do Tòa cung cấp thì không thể tin cậy. Làm sao 700m2 mà chồng khít lên 5.000m2? Nếu chồng thì chỉ 700m2, thửa đất Nhà nước vẫn còn dư 4.300m2 nữa, trong khi không ai có đất cạnh bà Tâm bị quy là lấn chiếm thửa đất này? Vậy diện tích còn lại của thửa đất đi đâu? Chủ tọa phiên phúc thẩm Lê Ngọc Minh phải trả lời về đường đi của 4.300m2 đất ấy. Nếu cho rằng thửa đất 700m2 của bà Tâm chính là thửa 5.000m2 của Nhà nước, thì giống như chuyện cổ tích “con bò hóa thành con gà”: “A muốn chiếm đoạt con gà đẻ trứng vàng của B bèn vu cáo B trộm gà của mình. B cãi không được, phải kiện lên huyện đường nhờ quan phân xử… B nói, bẩm quan ông ta chỉ có con bò, làm gì có gà mà bảo tôi trộm gà của ông? Nhưng A lại nói, bẩm quan con gà ấy chính là con bò của tôi. Kết quả là B thua kiện, bởi… ai cũng hiểu là A đã “đi đêm” với quan huyện rồi!”.
Sơ đồ do Công ty đo đạc Thảo Vi đo vẽ, thể hiện rất rõ đất của bà Trình Thị Tâm không liên quan thửa đất rừng phòng hộ (5.000m2) của Nhà nước |
Thẩm phán thiên biến vạn hóa?
Đưa tôi đến thửa 5.000m2, nằm giữa vùng đất trống không nhà, rải rác vài ngôi mộ, ông Nguyễn Thanh Sơn nói: “Người ta đưa Công ty đo đạc Thảo Vy đến, rồi yêu cầu tôi ra thực địa cắm mốc vị trí thửa đất rừng phòng hộ. Tôi nói, lâu quá rồi, tôi cắm mốc chỉ tương đối thôi, không thể tuyệt đối được… Sau khi có bản đồ do Công ty Thảo Vy vẽ, những người biết thửa đất đều công nhận vị trí 4 góc tôi cắm là khá chuẩn. Bị đơn bảo, bà Tâm chiếm thửa đất này, mà sự thật thì nó cách đất của bà Tâm nơi gần nhất là 93m, nên Tòa không công nhận. Như vậy, khác nào… “thằng chết cãi thằng khiêng”?
Giấy xác nhận đất rừng của ông Nguyễn Thanh Sơn |
Năm 2006, UBND thị trấn Phú Lâm (cũ) xác nhận cho ông Lê Xuân Thủy chồng bà Trang rằng “nhà làm năm 1996, đất cha mẹ cho”. Bấy giờ chưa hề có quy hoạch, nên xác nhận này vô tư, trong sáng. Bà Tâm dùng giấy xác nhận này để “phản biện” với cáo buộc bà chiếm 5.000m2 đất Nhà nước. Vì đất của bà có cạnh chung với bà Trang, nên sự thật này rất bất lợi cho bị đơn. Bởi khó giải thích, vì sao đất bà của Tâm dính đến 5.000m2 đất của Nhà nước, mà bà Trang lại không chiếm, trong khi thửa đất Nhà nước “bị bà Tâm chiếm 700m2”, thì vẫn còn 4.300m2 nữa? Nhưng rồi cũng hóa giải được, nhờ tài thiên biến vạn hóa của chủ tọa phiên phúc thẩm Lê Ngọc Minh. Ông đã làm điều khó hiểu là… bác giấy xác nhận này, rồi không cho nguyên đơn và luật sư của họ phản biện, mà dùng quyền theo kiểu “cả vú lấp miệng em” để y án sơ thẩm. Nghe nói, những người kí xác nhận 14 năm trước ấy, bị cấp trên “hành” vì “tội” đã xác nhận… sự thật.
Không phải do trình độ hạn chế, vậy tại sao Tòa phúc thẩm lại làm những điều kì lạ, khó hiểu như vậy? Câu hỏi này không cần phải trả lời, mà ai cũng biết là vì sao. Cuối năm 2019, bốn cựu cán bộ TAND tỉnh Phú Yên ra tòa để nhận 50 năm tù về tội tham ô tài sản, riêng cựu Chánh án Lê Văn Phước bị phạt tù 15 năm 6 tháng.