Tỉnh Phú Yên: Thấy gì qua hai bản án hành chính?
Pháp luật - Bạn đọc 25/12/2019 11:27
Lịch sử thửa đất đầy sóng gió
Năm 1967, được cha mẹ cho thửa đất 3.000 m2, vợ chồng ông Võ Văn Kềnh đến làm nhà tạm ở để tiện sản xuất và đi biển. Năm 1971, ông mở rộng thửa đất thì bị mìn nổ, mất một chân, không đi biển được nữa, bà Nguyễn Thị Trinh phải tần tảo nuôi chồng. Bảy người con ông bà không ai được học hành, 3 con trai làm nghề biển, 4 con gái làm thuê khi chưa kịp lớn. Năm 1992, ông bà chia thửa đất cho các con. Phần ông Võ Văn Vũ, vợ là Trình Thị Tâm (sau này tòa đo được 696m2); phần bà Võ Thị Trang 470m2; còn lại, mỗi người trên dưới 400m2. Năm 1996, bà Trang, ông Võ Văn Lực, ông Võ Văn Lượng, bà Võ Bích Hà tiến hành làm nhà ở, bà Võ Thị Bích Niên mới xây được móng nhà. Gần đây, đường Hùng Vương đi qua phía trước, nhà bà Trang, ông Lực, ông Lượng, bị thu hồi không bồi thường. Nhà bà Hà thuộc lô 2, không bị giải tỏa, nhưng dột nát phải sửa thì ngày 24/10/2019, UBND phường kiếm cớ cưỡng chế phá bỏ. Bà Hà phải che tạm trên nền đất cũ để ở. Còn đất và móng nhà bà Niên, đất bà Võ Thị Sang và đất ông Vũ không thấy chính quyền đả động gì.
Năm 2015, ông Vũ, bà Tâm xây nhà, ngày 3/8/2016, Chủ tịch UBND phường Phú Đông ra Quyết định số 99/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Tâm, do: “Đã có hành vi chiếm đất rừng phòng hộ do Nhà nước quản lí để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở. Quy định tại Khoản 2, Điều 10 Nghị định số 102/1014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai... Phạt tiền 4 triệu đồng… buộc khôi phục… lại tình trạng ban đầu…”. Bà Tâm khiếu nại, Chủ tịch UBND phường ra Quyết định số 32/QĐ-CC ngày 1/3/2017, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bà Tâm khởi kiện, yêu cầu Tòa hủy 2 quyết định. Bị Tòa sơ thẩm bác yêu cầu, bà Tâm kháng cáo. Tại Bản án phúc thẩm số 05/2018/HC-PT ngày 30/5/2018, TAND tỉnh Phú Yên lại bác yêu cầu của bà Tâm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ông Nguyên Thanh Sơn và các nhân chứng của vụ án cung cấp thông tin cho phóng viên Báo Ngày mới |
“Tôi đã 75 tuổi, nhưng thửa đất này còn lớn tuổi hơn. Vì nó mà tôi suýt bỏ mạng, phải để lại một phần thân thể. Từng tấc đất ở đây đều thấm mồ hôi và máu của tôi… chính quyền tước đoạt đất các con tôi là tước đoạt máu thịt của tôi” - ông Kềnh uất ức nói.
Tòa biến sai thành đúng!?
Chủ tịch UBND phường Phú Đông cáo buộc bà Tâm chiếm 5.000m2 rừng phòng hộ, do ông Nguyễn Thanh Sơn quản lí (đã bị Nhà nước thu hồi). Trước Tòa, ông Sơn khẳng định: “Đất bà Tâm không liên quan đến thửa rừng phòng hộ này. Hai thửa cách nhau trên 100m, bởi 5.000m2 đất của bà Đinh Thị Minh Thư”. Bà Thư nói: “Năm 1994, khi tôi nhận rừng phòng hộ thì đất bà Tâm đang trồng sắn… Từ đất ông Sơn, phải qua 5.000m2 đất tôi mới đến đất bà Tâm…”. Nhưng thửa rừng phòng hộ 5.000m2, nếu bà Tâm chiếm 696m2 thì vẫn còn 4.304m2 nữa. Đất bà Tâm bị 4 tứ cận: bà Trang, bà Hà, ông Đạt, ông Hớn vây bọc, mà 4 người này không bị quy là “lấn chiếm”. Vậy, 4.300m2 còn lại ấy đi đâu? Điều không bình thường, ông Chủ tịch UBND phường Phạm Ngọc Thắng không biết làm tính trừ, 5.000m2 – 696m2 = 0, mà Tòa vẫn cho là đúng!? Dù các nhân chứng phản đối, dù sự thật hoàn toàn trái ngược, dù không lí giải được sự biến mất của 4.300m2 đất, nhưng cả 2 cấp tòa vẫn đồng ý với Chủ tịch UBND phường Phú Đông, là bà Tâm chiếm thửa đất rừng phòng hộ 5.000m2!? Đây là sai phạm không thể chấp nhận của hai cấp tòa.
Nhà vợ chồng ông Vũ, bà Tâm và nhà bà Võ Thị Hà mới bị cưỡng chế cuối tháng 10/2019 |
Quyết định số 99/QĐ-XPVPCC của Chủ tịch UBND phường Phú Đông, xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trình Thị Tâm: “Vì đã có hành vi chiếm đất rừng phòng hộ…”. Nếu vậy, sao người quản lí “đất rừng phòng hộ” không tranh chấp? Mà nếu có tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết lần đầu là của UBND TP Tuy Hòa chứ. Như vậy, Quyết định số 99/QĐ-XPVPCC của Chủ tịch UBND phường Phú Đông là trái pháp luật. Vậy mà Tòa phúc thẩm vẫn đồng tình với Chủ tịch UBND phường Phú Đông, thì đây lại thêm một sai phạm lớn nữa. Đó là chưa kể, thửa rừng phòng hộ 5.000m2 cũ của ông Sơn mang số 457, đã bị ai đó tùy tiện thay số 306, luật sư của nguyên đơn yêu cầu làm rõ, nhưng Tòa… cho qua?
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, thửa rừng phòng hộ cũ của ông giáp ngôi mộ này, cách rất xa hai căn nhà bị cưỡng chế. Chủ tịch UBND phường và hai cấp Tòa bảo là bà Tâm lấn chiếm thửa đất này để làm nhà là sai |
Cháy nhà ra mặt chuột
Năm 1992, vợ chồng ông Kềnh cho các con đất, rồi 4 căn nhà mọc lên tại đây từ 1996 gồm: nhà bà Trang, nhà ông Lực, nhà ông Lượng và nhà bà Hà. Đây là bằng chứng không thể chối cãi về đất sử dụng ổn định đã hàng chục năm. Không chỉ năm 2006, bà Trang được UBND phường xác nhận là nhà xây dựng năm 1996 (có biên lai thuế nhà đất), có người dân làm chứng. Luật Đất đai đã 3 lần thay đổi: năm 1993, năm 2003 và năm 2013, đất của các con ông Kềnh, bà Trinh đều được thừa nhận. Tại Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Đất không có giấy tờ… nhưng đã sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2004 thì được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và mọi tài sản gắn liền trên đất…”. Nhà bà Trang, nhà ông Lực, nhà ông Lượng, nhà bà Hà, đất bà Niên đất bà Võ Thị Sang… tồn tại 26 năm, từ khi được cha mẹ cho và 23 năm kể từ khi họ làm nhà, xây móng. Nay không cần cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi, mà cuối năm 2019, UBND phường vẫn cho phá nhà để lấy đất, nhưng không bồi thường là trái pháp luật. Đất vợ chồng bà Tâm có cùng điều kiện pháp lí như đất 6 anh chị em của mình, mà lại nằm giữa, lại bị coi là lấn chiếm rừng phòng hộ một cách rất khó hiểu.
Quyết định số 99/QĐ-XPVPHC của Chủ tịch UBND phường Phú Đông cáo buộc bà Tâm chiếm đất rừng phòng hộ (bị kiện) |
Được biết, không riêng đất ông Kềnh cho các con, mà đất nhiều người có cùng thời, cùng điều kiên pháp lí cũng bị đối xử như vậy. Không rõ sau này sẽ ra sao, nhưng trước mắt thì nhà, đất ai trúng đường Hùng Vương đều có chung cảnh ngộ bị thu hồi… vô điều kiện. Còn ai có nhà, đất phía sau, tức lô 2, lô 3… thì vẫn được sử dụng bình thường.
Vụ án hành chính này còn nhiều mâu thuẫn nữa, nhưng chỉ cần nêu thế là đủ. Đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đối với Bản án phúc thẩm số 05/2018/HC-PT ngày 30/5/2018 của TAND tỉnh Phú Yên. Đề nghị Thanh tra Chính phủ cho thanh tra Dự án Khu đô thị Nam Tuy Hòa, đặc biệt là việc thu hồi không bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị mất đất.