Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ
Nghiên cứu - Trao đổi 19/05/2023 10:23
Tố Hữu bằng tấm lòng và trái tim của một người ngưỡng mộ đã viết: “Bác Hồ cha của chúng con/ Hồn của muôn hồn/ Cho con được ôm hôn má Bác/ Cho con hôn mái đầu tóc bạc/ Hôn chòm râu mát rượi hòa bình”. Dựng lên chân dung Người từ mái đầu, chòm râu, gò má và nhất là “đôi mắt”: “Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười/ Quên tuổi già đẹp mãi tuổi hai mươi/ Người rực rỡ một mặt trời Cách mạng/ Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng/ Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người!”.
Đẹp biết bao hình ảnh Người “trên yên ngựa”: “Nhớ người một sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân người bước lên đèo/ Người đi rừng núi trông theo bóng người”. Ngắm bức tranh được Tố Hữu dệt bằng ngôn từ nghệ thuật, người ta nghĩ đến bức tranh do người Pháp vẽ Napoleon Bonapac trên cầu Austeclic cưỡi con thần mã bách chiến bách thắng đang bay mình ra chiến trận! Bác Hồ của chúng ta không cưỡi thần mã nào cả, chỉ “ung dung yên ngựa trên đường suối reo”! Tác giả không hề khoa trương, cường điệu, mà chỉ mấy nét phác thảo đơn sơ mà lột tả được phong cách có thực ngoài đời hết sức bình dị của Người.
Bác Hồ và các em thiếu nhi |
Bác bình thường mà vĩ đại, cao cả mà gần gũi, giản dị mà chân tình - tất cả hoạt động của Người là vì dân vì nước - được Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ; trở thành “Một lãnh tụ thiên tài, một người thầy vĩ đại, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào Cộng sản quốc tế (Điếu văn)”. Hình ảnh Bác hòa vào non sông gấm vóc: “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từ ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già!” (Tố Hữu).
Bác Hồ vĩ đại ở chỗ: Khiêm tốn, giản dị, trung thực, yêu dân và gần dân. Một vị lãnh tụ lo trăm công nghìn việc vẫn không quên từng giấc ngủ của mỗi chiến sĩ ở ngoài mặt trận: “Người cha mái tóc bạc/ Đốt lửa cho anh nằm” (Minh Huệ)”. Còn Chế Lan Viên đã khắc họa hình ảnh Bác khi bôn ba nơi chân trời góc bể để tìm đường cứu nước: “Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi/ Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”.
Chưa có một lãnh tụ nào trên thế giới mà gia tài chỉ có bộ quần áo kaki và đôi dép cao su mòn vẹt gót. Đôi dép cao su và Người sử dụng đã trở thành huyền thoại. “Người suốt đời quên mình cho Tổ quốc/ Khi ra đi chỉ dép lốp chiến trường/ Nguồn ánh sáng đến muôn đời chẳng tắt/ Vượt cao hơn sự chết, vẫn soi đường!” (Việt Phương). Đôi dép ấy đã đi khắp năm châu bốn biển, rồi có ngày cũng dừng chân...
Khi Bác mất, Tố Hữu đau đớn viết: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Thi sĩ bật khóc, tự hỏi: “Bác đã đi rồi sao Bác ơi?/ Mùa Thu đang đẹp, nắng xanh trời/ Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội”. Cảnh vật từ nay vắng Bác “Trái bưởi kia vàng, ngọt với ai/ Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài/ Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm...”.
Viễn Phương, từ miền Nam ra “Viếng lăng Bác”: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim!”. Vẫn biết trời xanh là tồn tại vĩnh viễn; còn con người “sinh, lão, bệnh, tử” là lẽ đương nhiên, Bác cũng nằm trong quy luật đó, thế mà tác giả “Nghe nhói trong tim” đau xót biết ngần nào, không muốn tin đó là sự thật.
“Có cái chết hóa thành bất tử”, Hải Như ngắm nhìn Bác nằm trong lăng với con mắt tin tưởng vào ánh sáng mai sau của con người bất tử Hồ Chí Minh: “Vầng trán Bác in giấc mơ tuyệt đẹp/ Hãy đọc trong mi mắt khép: Nụ cười/ Bác Hồ nằm, tay không để buông xuôi/ Đặt trước ngực khi Người dạo mát/ Ôi ta nhớ hai bàn tay của Bác/ Vỗ nhịp cho cả nước hát kết đoàn/ Ngày mai đây khi giải phóng miền Nam/ Cả nước hát, vắng bàn tay Bác vỗ”. Thơ hay là thứ thơ có tứ lạ, có ý đột biến và có câu bất ngờ. Trong bài thơ của Hải Như, câu cuối bất ngờ khiến ta giật mình, bâng khuâng, nghèn nghẹn.
Bác mất để lại “muôn vàn tình yêu thương” cho các thế hệ con cháu của Người. Để lại hạt giống mà suốt cuộc đời Người đã chăm nom, vun trồng. Để lại “Đường Cách mệnh”, “Bản Di chúc”, “Ngục trung nhật kí”...- những quốc bảo quý giá vô vàn cho đất nước.
“Bác cùng chúng cháu hành quân”, “Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào”, mong ước của Người đã được thực hiện. Đất nước liền một dải nhờ đường lối sáng suốt của Đảng và Bác Hồ chỉ lối. Con cháu học tập đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh mà có được thành quả to lớn như hôm nay. Chưa bao giờ uy tín của Việt Nam lại nâng cao trên trường quốc tế như bây giờ. Thật tự hào “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.