Về bản án 25 năm không thi hành được: Hàng chục văn bản chuyển đơn của Trung ương không có hồi âm
Đơn thư bạn đọc 27/10/2020 21:54
Căn nhà 112 Nguyễn Chí Thanh bị xuống cấp. |
Sai một ly, đi một dăm
Tại Bản án số 81/DSPT ngày 4/5/1995 của TAND Tối cao tuyên xử: Hủy hợp đồng mua bán nhà số 112 Nguyễn Chí Thanh giữa bà Vương Thục Phân và bà Sỳ Lý Cú. Bà Vương Thục Phân do ông Trần Phụng Siêu làm đại diện có trách nhiệm thanh toán số vàng 66 lượng 1 chỉ 5 phân 4 số 9 cho bà Sỳ Lý Cú. Bà Sỳ Lý Cú có trách nhiệm giao trả toàn bộ căn nhà 112 Nguyễn Chí Thanh cho bà Trần Phụng Hoàn. Việc giao nhà và tiền được tiến hành cùng một lúc và ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Theo ông Trần Phụng Siêu (đại diện ủy quyền của bà Vương Thục Phân), Bản án số 81/DSPT của TAND Tối cao, gặp khó khăn trong thi hành án, là do trong bản án có một từ đã được thay đổi, không đúng với lời của thẩm phán đọc tại phiên tòa. Theo đó lời của thẩm phán: “Việc giao trả, trả nhà và tiền được tiến hành ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật”(tức là việc giao nhà cho bà Hoàn là không cần chờ đợi việc thanh toán tiền giữa bà Phân và bà Cú) , không hiểu vì sao trong bản án lại được sửa thành“ Việc giao nhà và tiền được tiến hành cùng một lúc và ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật (Ông Trần phụng Siêu có băng ghi âm về lời của thẩm phán Đặng Ngọc Qúy đọc tại phiên tòa phúc thẩm).
Đúng là sai một li đi một dặm và đây là một trong những nguyên nhân dẫn việc thi hành án bị kéo dài, vì bà Vương Thục Phân và bà Sỳ Lý Cú là người phải thi hành án, còn bà Trần Phụng Hoàn, là người được thi hành án. 3 chủ thể khác nhau, có quyền và nghĩa vụ khác nhau lại phải thực hiện cùng một lúc là bất khả thi.
Tại Văn bản số 38-CV/BCĐCCTPTW ngày 23/6/2016 của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương nhấn mạnh: Việc Tòa án quyết định bà Vương Thục Phân giao vàng cho bà Sỳ Lý Cú, bà Sỳ lý Cú giao nhà cho bà Hoàn được tiến hành cùng một lúc là khiên cưỡng và không có cơ sở, vì bà Trần Phụng Hoàn mới là chủ sở hữu thực sự của căn nhà 112 Nguyễn Chí Thanh và là nguyên đơn kiện đòi nhà, không liên quan đến nghĩa vụ của bà Vương Thục Phân đối với bà Sỳ Lý Cú. Đề nghị Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại vì sao có sự khác biệt về từ ngữ giữa lời của thẩm phán đọc tại phiên toà và nội dung trong bản án, trách nhiệm thuộc về ai !?
Người được thi hành án mòn mỏi đợi chờ công lí
Tại Biên bản giải quyết thi hành án ngày 3/6/2002 của Phòng Thi hành án TP.Hồ Chí Minh, có nội dung: Bà Trần Phụng Hoàn xin nhận nhà 112 Nguyễn Chí Thanh, hiện gia đình bà Sỳ Lý Cú đang chiếm dụng. Chấp hành viên Trần Văn Hảo giải thích Bản án số 81/DSPT tuyên việc giao nhà và vàng được tiến hành cùng một lúc và ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật. Hiện nay, phía gia đình bà Phân chưa giao vàng nên chưa tiến hành giao nhà cho bà Hoàn được. Qua đó cho thấy, giải thích của Chấp hành viên là không có căn cứ, không làm hết trách nhiệm và rất máy móc trong việc thi hành án. Pháp luật thi hành án dân sự còn quy định, trong quá trình thi hành án nếu phát hiện ra những bất cập, sai sót của bản án thì chấp hành viên, người có thẩm quyền có văn bản đề nghị Tòa án giải thích về bản án nhưng trong vụ việc này, chấp hành viên chưa làm hết trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Thật bất ngờ, hơn 4 năm sau, ngày 11/1/2006, Phòng Thi hành án TP.Hồ Chí Minh có Công văn số 41/THA khẳng định: Trong quá trình thi hành án nhưng không tổ chức thi hành được và giải thích: “Việc giao nhà cho bà Hoàn là không thực hiện được và thông báo cho bà Hoàn biết thời hiệu yêu cầu thi hành án của bà đã hết theo quy định tại Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993”. Do đó, bà Hoàn đã có đơn đề nghị xem xét thu hồi, hủy bỏ Công văn số 41/THA và yêu cầu tiếp tục thi hành án giao nhà cho bà Hoàn.
Hơn 2 năm sau, ngày 19/6/2008, Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư Pháp có Công văn số 763/BTP-THA-NVII khẳng định: Việc yêu cầu bà Sỳ Lý Cú giao lại căn nhà số 112 Nguyễn Chí Thanh cho bà Trần Phụng Hoàn theo án tuyên là không thực hiện được. Tiếp đó, ngày 4/6/2010, Tổng cục Thi hành án dân sự- Bộ Tư pháp có Công văn số 1463/GQKNTC lại trả lời là: Không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Thi hành án dân sự mà thuộc thẩm quyền của Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tại Thông báo số 5015/THA ngày 20/7/2010 của Cục Thi hành sán dân sự TP.Hồ Chí Minh lại trả lời: Việc thi hành bản án này không thuộc thẩm quyền của Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh. Đúng là trên đẩy về dưới, còn dưới thì lại né tránh, chẳng khác nào trò chơi cút bắt.
Văn bản chuyển đơn của các cơ quan Trung ương. |
Về nội dung này, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương tại Văn bản số 38-CV-BCĐCCTPTW ngày 23/6/2016, đã nêu rõ: Đây là vấn đề cần được xem xét kĩ, vì năm 1996, bà Hoàn đã có đơn gửi Cục Thi hành án dân sự (nay là Tổng Cục thi hành án dân sự- Bộ Tư pháp) khiếu nại bản án và đã được Cục Quản lý thi hành án dân sự chuyển cho TAND Tối cao. Như vậy, việc các cơ quan thi hành án dân sự cho rằng bà Hoàn không có đơn yêu cầu thi hành án và năm 2005 bà Hoàn có đơn nhưng đã hết thời hiệu yêu cầu, để không tiến hành thi hành án cho bà Hoàn là có phần máy móc. Vì bà Hoàn vẫn có đơn khiếu nại bản án để bảo vệ quyền sở hữu của mình nên không có đơn yêu cầu thi hành án ngay, cơ quan thi hành án cũng không giải thích, hướng dẫn cho bà Hoàn về thời hiệu thi hành án và việc xem xét lại bản án dân sự phúc thẩm số 81 đã có hiệu lực sau khi xét xử là thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao chứ không thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự.
Dư luận người dân địa phương đề nghị Bộ Tư pháp vào cuộc, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra lại vụ việc, không né tránh sự thật, tháo gỡ vướng mắc để Bản án số 81 DSPT của TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh được thi hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án- bà Trần Phụng Hoàn.
Trang 1 |
Trang 2 |
Trang 3 |
Tráng 4 |
Trang 5 |
Văn bản số 38-CV-BCĐCCTPTW ngày 23/6/2016 của Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. |
Trang 1 |
Văn bản liên quan việc thi hành án |