Trước thềm năm học mới 2023-2024: Để cặp sách, balo của học sinh bớt nặng
Nghiên cứu - Trao đổi 25/08/2023 12:35
Thực tế cuộc sống cho thấy, trong những thập kỉ gần đây, cặp sách, balo của trẻ ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung ngày càng… to và “nặng”, điều này là không hề tốt với lứa tuổi của trẻ khi các em đang ở tuổi ăn, tuổi lớn và thể trạng sức khoẻ còn chưa đủ mạnh để có thể mang vác đi học hằng ngày. Vẫn biết rằng, trẻ có thể cố gắng mang vác được những chiếc cặp sách, balo to nặng để đi học hằng ngày nhưng nếu không cẩn thận, chính vật dụng thân quen hằng ngày này lại là thủ phạm gây ra các bệnh về cong vẹo cột sống, đau mỏi cổ vai gáy… cho trẻ.
Ảnh minh hoạ |
Các bậc phụ huynh cần biết rằng, Viện Hàn lâm Phẫu thuật chỉnh hình (Mỹ) đã từng khuyến nghị, trọng lượng của balo học sinh (bao gồm trọng lượng riêng của balo cùng các đồ vật bên trong nó như sách, vở…) không nên vượt quá 20% trọng lượng cơ thể của trẻ. Mức tối ưu là dưới 10%. Như vậy một đứa trẻ 6 tuổi cân nặng trung bình 18 -20kg chỉ nên đeo trên lưng tối đa 3,6 đến 4kg. Tốt nhất là ở mức không quá 1,8kg. Chính vì vậy mà theo khuyến cáo, cha mẹ nên có thói quen kiểm tra cân nặng cặp sách, balo đi học của con hằng ngày, hằng tuần (cân nặng của cặp sách, balo bao gồm cả sách vở, dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân của trẻ mang theo tới trường).
Điều đầu tiên theo tôi là cha mẹ cần làm là tìm mua đúng loại balo tốt nhất cho trẻ trong khả năng của mình. Không nên chọn cặp sách, balo có chất liệu da, dẫu biết rằng da thì bền tốt thật đấy nhưng vẫn còn có rất nhiều chiếc cặp sách, balo có chất liệu nhẹ, mà độ bền chắc cũng đâu có thua kém. Phụ huynh cũng nên chú trọng chọn mua cặp sách, balo có chất liệu chống thấm nước, bởi điều này đặc biệt phù hợp với điều kiện nóng ẩm mưa nhiều ở nước ta. Khi balo ngấm nước cũng đồng nghĩa với việc nó nặng hơn rất nhiều. Ngoài ra, khi cặp sách, balo bị thấm nước sẽ làm hỏng sách vở, đồ dùng học tập của con trẻ.
Ngoài chất liệu ra thì kích thước của chiếc cặp sách, balo nhỏ gọn cũng hết sức quan trọng. Tuyệt đối không nên mua cặp sách, balo có kích thước lớn hơn vì sẽ nặng hơn không cần thiết. Hơn nữa, với cặp sách, balo còn nhiều chỗ trống, trẻ có xu hướng để thêm đồ chơi hay các thứ không cần thiết mang tới lớp. Tốt nhất nên chọn loại cặp sách, balo có nhiều ngăn như vậy sẽ giúp việc sắp xếp đồ dùng được gọn gàng, ngăn nắp hơn. Khi con đi học, một số thứ to nặng, cồng kềnh như nhạc cụ, đạo cụ (nếu có) nên bỏ riêng ra ngoài và cho trẻ xách tay để “giảm tải” cho cặp sách, balo.
Nếu balo, cặp của con đã được lựa chọn đúng, bước tiếp theo mà phụ huynh cần làm để làm nhẹ bớt gánh nặng hằng ngày trên lưng, trên vai con, đó là tối ưu các thứ mà con mang theo trong balo. Có thể coi thời khóa biểu của con và hướng dẫn chúng mang theo sách của môn học cho ngày hôm đó. Tránh việc trẻ cho tất cả sách vở vào cặp sách, balo dù không dùng đến. Phải thường xuyên nói chuyện với con và khuyên chúng để lại những thứ không cần thiết ở nhà bởi trẻ em có thói quen “ôm đồm” luôn mang theo tới trường những thứ mà nó yêu thích, như vậy cặp sách, balo sẽ nặng thêm. Cha mẹ cũng cần chú trọng việc dọn dẹp cặp sách, balo của trẻ thường xuyên, bởi sau 1 thời gian, các giấy vẽ, bút màu mà trẻ đã sử dụng sẽ tích ở trong cặp sách, balo.
Theo như tôi biết, chính sách của không ít nhà trường cũng là một trong các nguyên nhân gián tiếp làm tăng “sức nặng” của balo trên lưng trẻ như: Số môn học quá nhiều trong ngày, số lượng sách (giáo khoa, tham khảo, hướng dẫn…) ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nhiều trường lại không có tủ chứa đồ cá nhân cho học sinh; hoặc có mà bị khóa vì lí do an ninh hay lí do nào đó, khiến các em phải mang sách về hằng ngày. Vấn đề này phụ huynh nên trao đổi với thầy cô giáo, Ban giám hiệu nhà trường để có phương án giảm tải sức nặng cặp sách, balo cho con em mình.