“Trông người lại ngẫm đến ta”: Trẻ em ở Đức học khó hay dễ?
Cùng suy ngẫm 23/03/2021 17:58
Thương con, bạn tôi ngậm ngùi chuẩn bị cho con bé thi lần 3 vào tháng tới. Để an ủi tinh thần con, gia đình bạn đành nói dối rằng con thi thêm con cẩn thận chứ không phải con trượt đầu vào lớp 1.
Chuyện như bạn tôi kể không hiếm ở các thành phố lớn những năm gần đây. Đến hẹn lại lên, mỗi kì tuyển sinh đầu cấp (kể cả lớp 1) luôn là nỗi ám ảnh cho các gia đình nơi thành thị, “đoạn trường” ai có qua mới thấu.
Năm nào ngành giáo dục cũng bàn mãi câu chuyện “nói rồi cứ nói mãi” cải cách giáo dục, giảm tải chương trình học, đổi mới sách giao khoa vân vân và vân vân. Nhưng thực tế thì đa số học sinh đều không thể “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”…
Giờ học chuyên đề của một trường Mầm non tư thục ở Hà Nội |
Đây chắc chắn là một chủ đề tranh luận không có hồi kết vì tuỳ theo quan điểm và cảm nhận của mỗi cá nhân.
Luật sư Hoàng Nguyên Bình, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Remagen, Cộng hoà liên bang Đức chia sẻ: Con trai tôi đang học lớp 9, khi đưa cho con bài toán đố lớp 7 của Việt Nam con không giải được. Điều đó là khá phổ biến nếu cho trẻ em tây giải toán của Việt Nam. Tôi đưa cho con xem phương pháp giải toán lớp 9 về vẽ đồ thị, con nói sao phải giải phức tạp thế, tất cả trong máy tính tay đều có thể làm được, chỉ việc nhập công thức vào máy sẽ tính và học sinh chỉ việc vẽ lại vào vở là xong.
Hoặc đại loại như học sinh Việt Nam hay có bài chứng minh góc bao nhiêu độ, thì bên này cô giáo chỉ hướng dẫn học sinh đặt thước góc vào đo là biết bao nhiêu độ và vẽ lại vào vở đúng góc như vậy. Tất nhiên đấy là cách học của những đứa trẻ không theo đuổi chuyên ngành toán.
Nói sơ qua như vậy để thấy rằng cách dạy và học bên này tương đối đơn giản và có tính thực dụng cao. Nhưng khi học lên cao hơn nữa thì yêu cầu ngày càng cao đối với những môn sẽ thi tốt nghiệp cấp 3.
Học sinh lớp 10 của trường Nicolaus Cusanus Gymnasium, thành phố Bonn (Đức) thực hành môn Vật lý |
Con gái lớn tôi hiện đang học lớp 11 viết bài luận cho môn học chuẩn bị làm tốt nghiệp cấp 3. Môn viết Tiếng Anh. Giáo viên cho mấy chủ đề và học sinh tự lựa chọn chủ đề để viết. Con gái tôi chọn chủ đề về Chiến tranh Việt Nam. Chủ đề này là do con tự đề xuất ngoài danh sách cô đưa. Với chủ đề đó học sinh tự do tìm kiếm tài liệu để nghiên cứu và viết. Sau khi chọn được đề tài, cô và trò gặp nhau vài buổi để trao đổi về đề cương. Sau khi thống nhất đề cương cô chỉ yêu cầu như sau:
Format phải theo tiêu chuẩn từ trang bìa, cỡ chữ, lề trang. Bài chỉ được phép viết không quá 12 trang, không tính phụ lục. Nếu quá hoặc ít hơn nhiều sẽ bị điểm 6 (tương đương điểm 1-2 của Việt Nam). Bài viết phải trích nguồn đầy đủ, rõ ràng nếu trích dẫn từ sách hoặc tài liệu trên internet. Ký cam kết rằng đây là bài viết của cá nhân, không ai được đọc trước hoặc nhờ ai giúp đỡ chỉnh sửa bài. Nộp bài đúng thời hạn.
Khuyến khích bọn trẻ tự do nghiên cứu, tự do phát triển tuy duy cá nhân nhưng vẫn phải tuân thủ quy định trong học thuật và đạo đức nghiên cứu. Đó là cái rất được của giáo dục Đức.
Vì vậy đôi lúc tưởng học dễ mà không phải thế.