Trở lại vụ việc: “Cưỡng chế thu hồi đất ở phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai: Sửa sai … nửa vời!
Đơn thư bạn đọc 05/10/2020 08:09
Thu hoạch cây thực hiện Thông báo số 4958 ngày 4/5/2020 chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai |
Nguồn gốc, biến động sử dụng đất
Năm 1988, gia đình ông Nguyễn cùng các hộ dân khai phá phần đất 154.820m2, tọa lạc tại phường Long Bình, TP Biên Hòa để trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc và đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm… cải thiện đời sống gia đình, theo chủ trương của Chính phủ. Năm 1993, biết trong số đất đó có khoảng 15ha thuộc quản lí của Quân y viện 7B, các hộ dân cử ông Doanh kí với Quân y viện 7B Hợp đồng giao đất trồng cây, có thời hạn 15 năm (Hợp đồng ngày 10/6/1993, theo nội dung dòng 12 dưới lên, trang 1 Thông báo số 230/TB-UBND ngày 4/4/2016 của UBND TP Biên Hòa).
Đến ngày 6/1/2006, Quân y viện 7B có Công văn số 02/BV7B, đề nghị ngừng canh tác trên phần đất (7ha) có đường điện cao thế đi qua (dòng 12 dưới lên, trang 1 Thông báo số 230/TB-UBND ngày 4/4/2016 của UBND TP Biên Hòa), nên các hộ dân chỉ canh tác các loại cây ngắn ngày, tầm thấp để không ảnh hưởng đến đường điện. Còn lại khoảng 8ha nằm ngoài hành lang đường điện cao thế, ông Doanh cùng các hộ tiếp tục sử dụng làm nhà ở, trồng rừng, chăn nuôi, đào ao thả cá…
Thông báo số 230/TB-UBND ngày 4/4/2016 của UBND TP Biên Hòa (trang 1) |
Ngày 17/1/2017, (ngày 20 tháng Chạp), ông Nguyễn Tấn Long, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa và ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình, cùng với hơn 100 người, sử dụng xe phòng cháy chữa cháy, xe đặc chủng, xe cuốc, công cụ, cưa máy… đến vây bọc, phong tỏa toàn bộ khu đất của các hộ dân, đập phá cửa cổng, 250m tường rào bằng tôn, chặt hạ khoảng 8ha rừng tràm, khoảng 2.000 cây xà cừ 5 năm tuổi và rau sạch, cỏ cao sản, các loại cây trồng khác trên diện tích 8ha đất; dùng xe cuốc san ủi, đập phá cầu, đường điện, đường nước, giếng nước và các công trình khác trên đất gồm 5 căn nhà tạm, 3 dãy chuồng trại chăn nuôi, làm chết rất nhiều bò, lợn, dê, gà, vịt… Tổng thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng. Sau cưỡng chế, toàn bộ các hộ dân phải sống cảnh màn trời chiếu đất, đón Tết cổ truyền mà không có nơi thờ cúng ông, bà, tổ tiên…
Nhà ở và đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông Nguyễn Văn Phượng không được lập biên bản kê biên tài sản trước khi bị cưỡng chế |
Đất thuê và khai hoang, bị coi là lấn chiếm
Trong đơn phản ánh của ông Doanh và các hộ, trước khi xảy ra cưỡng chế, ông Nguyễn Tấn Long và ông Nguyễn Quốc Vương ra các văn bản, với lí do lấn chiếm đất làm đường điện cao thế, đất của Công ty CP đô thị Amata (Công ty Amata). Nội dung của văn bản này hoàn toàn trái với thực tế và quy định của pháp luật về đất đai. Bởi đất do ông Doanh và các hộ dân khai phá từ năm 1988 và thuê của Quân y viện 7B là có thật. Thực tế, sau khi tiến hành xây dựng đường điện cao thế trên phần đất 7ha, các hộ dân trồng cây, sử dụng đất đúng theo quy định, bảo đảm về an toàn hành lang lưới điện (điều này thể hiện trong hồ sơ vụ việc, Công ty Quản lí đường dây điện 230KV Đa Nhim – Long Bình đến nay không có ý kiến gì). Và thực tế, sau khi Quân y viện 7B có Công văn số 02/BV7B, đề nghị ngừng canh tác phần đất thuê có đường điện cao thế đi qua, thì giữa ông Doanh (đại diện các hộ dân) và Quân y viện 7B chưa có biên bản thanh lí hợp đồng theo quy định, nên việc ông Doanh và các hộ dân tiếp tục quản lí, sử dụng đất thuê đúng mục đích sử dụng đất là hợp pháp. Do đó không thể coi ông Doanh và các hộ dân lấn chiếm đất.
Về phần đất 8ha nằm ngoài hành lang đường điện, được ông Doanh và các hộ dân khai hoang, quản lí, sử dụng theo quy định của Hiến pháp, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng bị coi là đất của Công ty Amata. Thực tế ở thời điểm đó (năm 1993), khi các hộ dân khai hoang, chưa thành lập phường Long Bình, không một cá nhân hay tổ chức nào đến lập biên bản nói rằng, ông Doanh và các hộ dân lấn chiếm đất công, hoặc đất của cá nhân, tổ chức đã được Nhà nước giao hợp pháp. Do đó, trường hợp Nhà nước giao đất đang do ông Doanh và các hộ dân quản lí, sử dụng cho Công ty Amata, phải có quyết định thu hồi đất, có biên bản kiểm kê tài sản trên đất và thực hiện bồi thường theo quy trình, quy định của Luật Đất đai cho các hộ dân; sao lại hủy hoại tài sản của các hộ, khiến họ không thể về lại nhà, đất đang do họ quản lí, sử dụng hợp pháp? Điều hết sức vô cảm là việc cưỡng chế xảy ra trong những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc.
Cầu dân sinh trước khi bị bị cưỡng chế phá dỡ (ảnh trái) và nhà cửa, rừng tràm 5 năm tuổi không có Biên bản kê biên tài sản đang bị cưỡng chế phá dỡ, chặt hạ (ảnh phải). |
Giải quyết đơn tố cáo thể hiện chỉ đạo sai luật!
Giấy báo số 10-GB/VPTU ngày 4/4/2016 của Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai gửi ông Doanh, có nội dung: "Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhận được đơn của ông và đã chuyển đến Chủ tịch UBND TP Biên Hòa nghiên cứu xử lí đơn theo quy định pháp luật".
Giấy báo số 10-GB/VPTU ngày 4/4/2016 của Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai |
Văn bản số 7240/UBND-XKT ngày 23/10/2014 của UBND TP Biên Hòa, về việc xử lí đơn của ông Doanh, có nội dung: Giao UBND phường Long Bình kiểm tra, rà soát hồ sơ, đề xuất xử lí đơn của ông Doanh theo quy định, báo cáo kết quả cho UBND TP trước ngày 5/11/2014.
Văn bản số 7240/UBND-XKT ngày 23/10/2014 của UBND TP Biên Hòa |
Văn bản số 11/TT-VP ngày 21/5/2015 của Thanh tra tỉnh Đồng Nai, gửi UBND phường Long Bình, có nội dung: Đơn tố cáo của bà Võ Thị Thu Hà ghi ngày 12/5/2015… tố cáo ông Trương Văn Hoạt, Giám đốc Công trường Amata ngang nhiên phá hủy cây cối, cắm mốc trên đất của bà đang sử dụng trên 20 năm tại khu phố 6 (trước đây); bà Hà, ông Doanh còn gửi đơn tố cáo có nội dung tương tự đến Thanh tra tỉnh, Thanh tra tỉnh chuyển đơn tố cáo về UBND TP Biên Hòa, được UBND TP Biên Hòa chuyển đơn về UBND phường Long Bình (số 7240/UBND-XKT ngày 23/10/2014). Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Thanh tra tỉnh chuyển đơn tố cáo của bà Hà đến UBND phường Long Bình để giải quyết.
Văn bản số 11/TT-VP ngày 21/5/2015 của Thanh tra tỉnh Đồng Nai |
Tuy nhiên, Luật Tố cáo không có nội dung nào quy định UBND phường Long Bình và UBND TP Biên Hòa có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo đối với ông Trương Văn Hoạt, Giám đốc Công trường Amata. Điều này thể hiện rõ, đơn tố cáo đã bị chỉ đạo chuyển cho người giải quyết đơn tố cáo không đúng thẩm quyền, quy định của Luật Tố cáo. Và, đây là nguyên nhân khiến đơn tố cáo của ông Doanh, bà Hà chưa được giải quyết dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiều mâu thuẫn, bất cập
Ông Doanh, khiếu nại Thông báo số 3297 của UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 5/04/2018 về việc không thụ lí giải quyết tố cáo. Trong khi, đơn tố cáo ngày 16/1/2018 (lần thứ 2) của ông Doanh viết: “Ông Nguyễn Tấn Long Lợi dụng chức quyền, trực tiếp tổ chức cưỡng chế tài sản, đất đai của gia đình tôi và các hộ liền kề, khu đất phường Long Bình là thể hiện trái pháp luật. Bởi ông Long chỉ ban hành quyết định cưỡng chế, không có các biên bản kiểm tra, thông báo thu hồi đất và quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cưỡng chế thu hồi đất trái quy định làm thiệt hại cho các hộ dân khoảng 10 tỉ đồng (trong đó, gia đình tôi thiệt hại khoảng 800 triệu đồng, vì thiệt hại 5.000 m2 ao thả cá, nhà tạm nuôi cá 60 m2, tường Tole 250 dài, tràm bông vàng và bạch đàn 2,5 ha, dầu 100 cây, xà cừ 400 cây, dừa 10 cây, mít 20 cây, xoài 20 cây và khoai mì 1 ha); và tước đoạt quyền thực hiện hợp đồng của gia đình tôi với Quân y viện 7B.”
Ông Doanh tố cáo (đơn đề ngày 10/3/2018), được Văn phòng Chính phủ chuyển đơn về UBND tỉnh Đồng Nai giải quyết. Ngày 5/6/2018, ông Doanh được UBND phường Long Bình mời đối thoại giải quyết. Tuy nhiên ông Doanh khẳng định việc đối thoại này không có kết quả và thể hiện có nhiều dấu hiệu trái luật, như sau:
Một, ông Nguyễn Quốc Vương, Chủ tịch phường Long Bình là người bị ông Doanh tố cáo lại chủ trì giải quyết đơn tố cáo, là sai quy định về thẩm quyền về giải quyết đơn tố cáo!
Hai, ông Vương nêu ra hàng loạt các văn bản xác định nguồn gốc đất ... Nhưng tất cả đều không liên quan đến việc ông Doanh và các hộ dân khiếu nại, tố cáo liên quan đến khu đất 154.800m2, thửa đất số 4, 10 tờ bản đồ số 90; thửa đất sổ 1,3,4,6 bản đồ 90, địa chính đo đạc năm 1999, đang do ông Doanh và các hộ dân sử dụng canh tác.
Ba, ông Vương cho rằng có hành vi xây dựng công trình tạm và hành vi lấn chiếm đất, nhưng lại không có biên bản chứng minh.
Bốn, các quyết định được ông Vương nêu trong biên bản đối thoại là thuộc về dự án 45 của Quốc phòng, ranh giới đất đã xây tường rào kiên cố không có liên quan gì đến khu đất 154.800m2 ông Doanh và các hộ dân canh tác hợp pháp từ năm 1988 đến 1993 cho đến ngày bị cưỡng chế.
Năm, kết luận buổi đối thoại của ông Vương là không có cơ sở, là sai sự thật; biên bản đối thoại không ghi theo trình tự nội dung các ý kiến. Ông Doanh không đồng ý và ghi tóm tắt thêm vào biên bản.
Sáu, đất ông Doanh khai phá và hợp đồng với Quân y viện 7B cùng các hộ sử dụng, sản xuất, chăn nuôi từ năm 1993 về trước. Nhưng ông Vương cố tình phủ nhận toàn bộ, nói sai sự thật. Ông Vương đưa ra hàng loại quyết định ... là của các cơ quan Nhà nước làm việc với nhau, ông Doanh làm sao biết được. Trong khi ông Doanh và các hộ dân sản xuất ổn định trên thửa đất 154.800m2 trên 30 năm không có một thông tin dự án nào, khu công nghiệp nào, thông báo nào nói ông Doanh có vi phạm lấn chiếm. Ông Vương căn cứ các văn bản năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Amata thành lập năm 1995, quyết định của tỉnh 2013. Như vậy, tại sao Công ty Amata được Nhà nước giao đất mà không công bố cho dân (ông Doanh và các hộ dân) biết? Mặt khác, ông Vương nói đất đã được Công ty Amata bồi thường, ông Doanh đề nghị làm rõ bồi thường như thế nào, bồi thường cho ai?
Bảy, khu đất dự án 45 đã hoạt động và xây dựng tường rào mấy năm nay rồi. Đất các khu công nghiệp Amata, Lotexco đều xây tường rào kiên cố làm sao ai lấn chiếm được? Vậy mà ông Vương cứ cho là ông Doanh là lấn chiếm. Trên thực tế không có cá nhân, cơ quan nào nói ông Doanh lấn chiếm!
UBND TP Biên Hòa thụ giải quyết khiếu nại
Thông báo “về việc thụ lí giải quyết khiếu nại lần đầu” số 1292/UBND ngày 24/10/2018 của UBND TP Biên Hòa, gửi ông Nguyễn Quốc Doanh, địa chỉ số 128/12, khu phố 5, phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa. Theo đó, UBND TP Biên Hòa nhận được đơn đề ngày 10/10/2018 của ông Nguyễn Quốc Doanh, nội dung khiếu nại Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 26/9/2018 của UBND phường Long Bình về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu) của ông Nguyễn Quốc Doanh, ngụ tại phường Tam Hiệp. Sau khi xem xét nội dung đơn khiếu nại. Căn cử Luật Khiếu nại năm 2011, đơn khiếu nại của ông Nguyễn Quốc Doanh đủ điều kiện thụ lí và thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP Biên Hòa. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lí; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lí. Vậy, UBND TP Biên Hòa thông báo để ông Nguyễn Quốc Doanh được biết.
Thông báo “về việc thụ lí giải quyết khiếu nại lần đầu” số 1292/UBND ngày 24/10/2018, gửi ông Nguyễn Quốc Doanh |
Sửa sai … nửa vời!
Ông Nguyễn Quốc Doanh không đồng ý Quyết định số 375/ỌĐ-UBND ngày 22/01/2020 của UBND TP Biên Hòa về việc giải quyết lần đầu đơn của ông khiếu nại Quyết định cưỡng chế số 17/QĐ-CC ngày 5/1/2017 của Chủ tịch UBND TP Biên Hòa. Vì cho rằng UBND thành phố Biên Hòa chưa lập thủ tục thu hồi và bồi thường về đất cho gia đình ông và các hộ dân.
Quyết định số 2033/QĐ-UBND ngày 17/6/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai về giải quyết khiếu nại lần 2 (sau đây gọi là Quyết định số 2033): Công nhận Quyết định số 375/QĐ-UBND ngày 22/1/2020 của UBND TP Biên Hòa về việc giải quyết đơn khiếu nại lần đầu của ông Nguyễn Quốc Doanh là đúng quy định pháp luật.
Quyết định số 2033/QĐ-UBND ngày 17/6/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai (tráng 1) |
Quyết định số 2033/QĐ-UBND ngày 17/6/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai (trang 7) |
Quyết định số 2033/QĐ-UBND ngày 17/6/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai (trang 8) |
Biên bản về việc tống đạt quyết định số 2033/QĐ-UBND ngày 17/6/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai |
Tuy nhiên, Quyết định số 2033 không xem xét, làm rõ 7 nội dung thể hiện bất cập mâu thuẫn nêu trên; và cũng không nói gì đến việc ông Doanh, có “Đơn xin thu hoạch cây tràm tái sinh”, theo Thông báo số 4958 ngày 4/5/2020 chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giao cho UBND TP Biên Hòa kiểm tra, rà soát làm rõ số tài sản. Riêng về cây của ông Doanh còn trên đất thì giao ƯBND TP Biên Hòa chỉ đạo UBND phường Long Bình phối hợp với Trung tâm phát triển qũy đất xem xét cho ông Doanh được thu hoạch để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho ông Doanh. Thời gian thu hoạch chậm nhất đến ngày 30/5/2020 phải kết thúc. Số cây tràm tái sinh trên, có rải rác trên diện tích đất 154.800m2 gồm các thửa số 04, 10 tờ bản đồ số 89. Các thửa sổ 01, 03, 04, 06 tờ bản đồ số 90 phường Long Bình.
Thông báo số 4958 ngày 4/5/2020 chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai |
Thông báo số 4958 ngày 4/5/2020 chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai |
Thông báo số 4958 ngày 4/5/2020 chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai |
UBND TP Biên Hòa, có Văn bản số 7082/ƯBND-THNC ngày 4/6/2020 đôn đốc thực hiện Thông báo số 4958/TB-UBND-TCD ngày 4/5/2020 của UBND tỉnh, gửi: Thanh tra thành phố; Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố; Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố; Chủ tịch UBND phường Long Bình, với nội dung: “Chủ tịch UBND TP Biên Hòa đã có Văn bản số 6018/UBND-THNC ngày 14/5/2020 giao Chủ tịch UBND phường Long Bình chủ trì phối hợp Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố cùng các cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát, làm rõ về số tài sản ông Doanh có ý kiến tại buổi đối thoại, tham mưu có ý kiến trả lời cho ông Doanh được biết. Trường hợp nếu xác định tài sản cây trồng của ông Doanh còn trên đất thì UBND phường Long Bình chủ động phối hợp Trung tâm Phát triển qũy đất thành phố xem xét cho ông Doanh thu hoạch chậm nhất đến ngày 30/5/2020 phải kết thúc. … Qua xem xét, yêu cầu UBND phường Long Bình khẩn trương thực hiện, xem xét theo nội dung đơn ông Doanh và chỉ đạo của UBND tỉnh, xử lý việc thu hoạch cây tràm của hộ dân đảm bảo đúng quy định, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 15/6/2020 (đính kèm đơn ông Doanh).
Và ông Doanh cùng các hộ dân đã được chính quyền phối hợp Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố cùng các cơ quan có liên quan, tiến hành thu hoạch cây trồng trên đất tranh chấp.
Văn bản số 7082/UBND-THNC ngày 4/6/2020 của UBND TP Biên Hòa đôn đốc thực hiện Thông báo số 4958/TB-UBND-TCD ngày 4/5/2020 của UBND tỉnh” |
Lực lượng bảo vệ các hộ dân thu hoạch cây thực hiện Thông báo số 4958 ngày 4/5/2020 chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai |
Thu hoạch cây thực hiện Thông báo số 4958 ngày 4/5/2020 chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai |
Biên bản thực trạng thu hoạch cây |
Các hộ dân nói gì?
Ông Nguyễn Quốc Doanh: “Tôi tố cáo ông Nguyễn Tấn Long, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa và ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình các hành vi: Vu khống chúng tôi lấn chiếm đất Amata và trồng cây làm nhà dưới đường điện 230KV; huỷ hoại toàn bộ tài sản của các hộ chúng tôi gồm: Cây trồng, vật nuôi, đường điện, cầu, hàng rào, ... và nhiều tài sản khác; cưỡng chế không theo quy trình, quy định của pháp luật, không điều tra, xác minh đầy đủ nguồn gốc đất, không kiểm kê tài sản cưỡng chế, không có quyết định thu hồi đất, không thông báo cho người sử dụng đất biết. Gần 10 hộ chỉ có 2 hộ có quyết định cưỡng chế; không bảo quản tài sản của người dân sau khi cưỡng chế nên bị mất hết; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm việc không tuân thủ pháp luật. Đề nghị các cơ quan thẩm tra lại việc làm của ông Long và ông Vương buộc bồi thường tài sản lại cho chúng tôi, truy cứu trách nhiệm và xử lí công minh đúng pháp luật. Nay chính quyền cho chúng tôi thu hoạch cây trên đất chúng tôi canh tác hợp pháp trước đây; nhưng lại ra Quyết định số 2033 nói trên để bác khiếu nại của chúng tôi, là thể hiện sửa sai nửa vời!”
Ông Lê Văn Dũng: “Năm 1988, các hộ dân chúng tôi khai phá phần đất 154.820m2, tọa lạc tại phường Long Bình, TP Biên Hòa để trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc và đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc gia cầm… cải thiện đời sống gia đình, theo chủ trương của Chính phủ. Năm 1993, các hộ dân cử ông Doanh kí với Quân y viện 7B Hợp đồng giao đất trồng cây, có thời hạn 15 năm, nên không thể các hộ dân lấn chiếm đất. Và ngày 6/1/2006, Quân Y viện 7B có Công văn số 02/BV7B, đề nghị ngừng canh tác trên phần đất (7ha) có đường điện cao thế đi qua, nên các hộ dân chỉ canh tác các loại cây ngắn ngày, tầm thấp để không ảnh hưởng đến đường điện. Còn lại khoảng 8ha nằm ngoài hành lang đường điện cao thế, các hộ dân tiếp tục sử dụng làm nhà ở, trồng rừng, chăn nuôi, đào ao thả cá… Nhưng đến nay, giữa Quân Y viện 7B và ông Doanh (đại diện các hộ dân) chưa làm thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự. Đây chính là tình tiết mới của vụ việc! Bởi quá trình giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo từ trước đến nay đối với vụ việc trên, chưa hề có một văn bản nào của chính quyền xem xét, kết luận về nội dung của tình tiết này! Và nếu xem xét, giải quyết nội dung tình tiết này thì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các hộ dân quản lí, sử dụng phần đất 154.820m2, sẽ được giải quyết thỏa đáng theo đúng quy định của pháp luật về quản lí đất đai. Nay tôi đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để giải quyết bồi thường những thiệt hại cho chúng tôi theo quy định của pháp luật”.
Ông Nguyễn Văn Phượng: “Tôi có đơn gửi quý Chủ tịch UBND tỉnh, khiếu nại các văn bản và hành vi cưỡng chế sau: Quyết định số 1490/QĐ- KPHQ ngày 19/4/2016; Quyết định số 19/QĐ-CC ngày 5/1/2017; Quyết định số 12/QĐ-XPVPHC ngày 6/1/2017 và Quyết định số 32/QĐ-CC ngày 16/1/2017, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Và tôi không đồng tình với Quyết định số 2033/QĐ-UBND ngày 17/6/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai”.
Tạp chí Ngày mới online trân trọng chuyển nội dung trên đến các cơ quan giám sát việc thực thi pháp luật ở tỉnh Đồng Nai giải quyết theo thẩm quyền; thông báo kết quả theo quy định của Luật Báo chí.