Trần triều và Đức Thánh Trần trong tâm thức người Việt
Nghiên cứu - Trao đổi 01/04/2022 10:37
Truyền thống đó được lưu truyền, tiếp nối qua nhiều thế hệ với những trang sử hào hùng: Trưng Nữ Vương đánh nhà Hán; Lý Nam Đế đánh quân Lương; Ngô Vương Quyền đánh bại quân Nam Hán; Đinh - Tiền Lê thống nhất đất nước, đánh bại giặc Tống xâm lược, xây dựng Kinh đô Hoa Lư.
Nhà Lý lên ngôi, dời đô về Kinh thành Thăng Long, trung tâm chính trị, văn hóa, đưa nước Đại Việt lên một tầm mới, xây dựng Nhà nước tập quyền, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, tạo nền chính trị, kinh tế và sự trưởng thành văn hóa - xã hội.
Sau hơn 2 thế kỉ, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ đã chuyển tay lái con thuyền Đại Việt sang dòng họ Trần, đưa Trần Cảnh lên ngôi. Quốc gia Đại Việt từ suy thoái đến hưng thịnh, lại viết tiếp thiên anh hùng ca của Lý Triều, của Lý Thường Kiệt năm xưa.
Có thể nói, trong lịch sử dân tộc, khó thấy một vương triều biết dựa vào dòng tộc, khéo phân chia quyền lực, tạo một bộ máy tập quyền thống nhất, vững mạnh từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở như thời Trần.
Đền thờ Đức Thánh Trần tại quận 1, TP HCM |
Nhà Trần tuy áp dụng chính sách điền trang, thái ấp, ưu tiên dòng tộc, song đã có những cải cách như bán ruộng công cho dân, cho dân khai hoang, vỡ hóa và làm chủ đất ấy, giảm bớt tô thuế cho dân, những năm mất mùa thì đại xá cho thiên hạ, khuyến khích các nghề thủ công, khiến đời sống ổn định, Nhân dân hăng hái lao động, sản xuất.
Nhà Trần chú trọng “chiêu hiền đãi sĩ”, mở các khoa thi, dùng người có thực tài, không cứ là người trong họ tộc. Đó là đội ngũ những Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu,… Lớp sĩ phu thực tài này đã hết lòng phò vua, giúp nước, công lao rất lớn đối với sự nghiệp nhà Trần.
Các đời vua Trần vận dụng chính sách “Thân dân”, chú ý đến đời sống kinh tế, thông thương, trọng hiền tài, không phân đẳng cấp xã hội, như Khổng Tử nói: “Bác thi tế chung” (Làm ơn rộng rãi cho dân). Một triều đại đã phát huy dân chủ đến mức tối đa: Mở Hội nghị Bình Than để bàn với các tướng lĩnh, tổ chức Hội nghị Diên Hồng để lấy ý kiến các bô lão toàn dân nên hòa hay nên chiến? Đó là “thần sách” tuyệt diệu để quy tụ, hòa hợp toàn dân, toàn quân. Đó là nguyên nhân quyết định thắng lợi cho kì tích đại thắng đế quốc Nguyên Mông thế kỷ XIII, như câu đối của người xưa: Dân vi bang bản thiên niên sách/ Công tại nhân tâm vạn cổ trường (Lấy dân làm gốc là sách lược ngàn năm/ Công đức tồn tại trong lòng người mãi mãi).
Nhân vật lịch sử tiêu biểu cho Triều đại nhà Trần là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tài đức song toàn, hết lòng vì dân, vì xã tắc, đã ba lần chỉ huy quân dân Đại Việt chiến thắng giặc Nguyên Mông hung bạo. Trên giường bệnh, trước khi về cõi vĩnh hằng, Ngài còn trăn trở dặn vua Trần: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.
Nhà Trần trị vì 175 năm (1225-1400) với 12 đời vua, đã đạt nhiều thành tựu trị quốc, làm cho đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tăng trưởng. Điểm sáng chói nhất là sự nghiệp võ công giữ nước, đã ba lần đánh bại quân Nguyên Mông ở thế kỉ XIII, bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi khiến giặc Phương Bắc khiếp sợ. Kết thúc chiến tranh, Vương Triều đã bàn xét công lao, vẽ tượng, ghi vào sách “Trung hưng thực lục” lưu lại cho đời sau.
Lịch sử Triều Trần và sự tích Hưng Đạo Đại Vương vừa là sử liệu có thật nhưng có lúc mang màu sắc dân gian, in đậm trong tâm thức người Việt. Nhờ màu sắc dân gian mà tái hiện được một giai đoạn lịch sử oai hùng, minh chứng cho bản sắc nhân ái, có nghĩa tình của dân tộc Việt.
Với công trạng hiển hách, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được tiến phong đầu tiên tước Hưng Đạo Đại Vương. Khi ông mất, Triều đình ban tặng tước hiệu Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, dân gian tôn ông là bậc Thánh, là vị Cha với cách gọi mộc mạc nhưng thành kính: Đức Thánh Trần, nhiều nơi lập đền thờ, hắng năm làm lễ trọng thể vào ngày 20 tháng Tám âm lịch (Tháng Tám giỗ cha). Khu Đền Trần, Chùa Tháp, Bảo Lộc thuộc xã Lộc Vượng ngoại thành Nam Định và xã Mỹ Phúc thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định là quê hương của các vua Trần và Hưng Đạo Đại Vương.