TP Hồ Chí Minh: Những “thủ thuật” của chồng được một số cán bộ công quyền “giúp” làm cho người vợ “trắng tay"
Đơn thư bạn đọc 01/10/2020 09:02
Bà Hương và 2 con gái trước căn nhà đang ở |
“Trắng tay” sau 20 năm còng lưng với đất
Hoàn toàn theo đúng nghĩa đen của từ này là chuyện của mẹ con bà Lê Ngọc Hương, 61 tuổi. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1984, khi bà Hương về làm dâu cụ Nguyễn Thị Đầm, địa chỉ D6/52 xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh, sau đổi thành 717 đường An Dương Vương, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh; sau một thời gian ngắn làm công nhân thời vụ cho một xí nghiệp thực phẩm, bà Hương trở về “toàn tâm toàn ý” với mảnh ruộng tập đoàn.
Chồng bà Hương, ông Dương Công Út ngày đó là công nhân lái xe. Mẹ chồng, cụ Đầm lúc đó cũng đã ngoài 60 nên gần 2 ha đất ruộng tập đoàn giao cho, bà một mình cáng đáng. Theo xác nhận của bà Nguyễn Thị Nhỏ và bà Võ Thị Vàng, những “đồng nghiệp” của bà Hương ngày xưa: “Từ năm 1986 đến mãi sau này, chị Hương vẫn là lao động chính, gần như là duy nhất trên trên khu đất được giao cho hộ cụ Đầm”.
Hộ cụ Đầm, chúng tôi xin nhấn mạnh cụm từ này bởi nó liên quan tới quyền chủ quyền khu đất. Năm 1995, sau khi tập đoàn giải thể, UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định giao đất và cấp GCNQSDĐ phần diện tích gần 2 ha mà hơn 10 năm nay bà Hương vẫn “cuốc cày” cho hộ cụ Đầm (sổ trắng). 5 năm sau, năm 2000, sổ trắng này được đổi thành sổ đỏ. Thời điểm năm 1995, hộ có 5 người đứng chung hộ khẩu gồm cụ Đầm, vợ chồng bà Hương và 2 người con chung của họ. Dẫu nguồn gốc đất trước 30/4.1975 là của tổ tiên nhà chồng bà Hương, nhưng đất sau khi nhập vào Tập đoàn rồi được chính quyền mới giao đất, những người chung hộ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau, theo quy định tại Khoản 29, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”. Những Luật Đất đai trước tuy không có điều khoản này nhưng nhận thức chung vẫn là như thế.
Đã quá rõ về quyền và nghĩa vụ của những người cùng hộ gia đình sử dụng đất. Tuy nhiên, hộ cụ Đầm bất chấp. Cụ thể, trong những năm trước khi có sổ đỏ, cụ Đầm đã đơn phương bán đất của hộ cho nhiều người, tới độ, từ gần 20.000 m2 năm 1995, tới năm 2000 chỉ còn lại hơn 4.600 m2. Điều đáng nói là việc đơn phương này, chính quyền đã âm thầm “giúp”, cấp chủ quyền cho những người mua đất, bất chấp quyền lợi bị bỏ qua của mẹ con bà Hương mà pháp luật đã quy định. Và như một lẽ tất yếu, năm 2006, GCNQSDĐ trước đây cấp cho hộ cụ Đầm bị UBND quận Bình Tân thu hồi “do điều chỉnh biến động ruộng đất” (vì chỉ còn chưa tới ¼ diện tích cũ), chờ cấp lại. Cũng trong khoảng thời gian này, quan hệ vợ chồng bà Hương không còn êm ấm. Cũng từ đây, những “thủ thuật” hành chính tiếp theo được mẹ con cụ Đầm khai triển.
Đầu tiên, có lẽ do hiểu được việc làm càn như vừa qua không thể tiếp tục, ông Dương Công Út (chồng bà Hương) bèn làm càn theo kiểu khác: “Bắt tay” với cán bộ chính quyền xóa tên mẹ con bà Hương khỏi sổ hộ khẩu. Bị bà Hương phát hiện và tố cáo, họ mới xin lỗi và nhập lại như cũ cho mẹ con bà (năm 2007). Chưa đạt được mục đích, cuối năm 2007, ông Út thay chiêu mới: Mẹ con ông Út, cụ Đầm tách khẩu rồi chuyển sang số nhà 719 ngay cạnh nhà 717 mẹ con bà Hương đang ở.
Tiếp theo, sau khi hộ khẩu chỉ còn lại 2 mẹ con và tách nhà, họ làm đơn đề nghị và được UBND quận Bình Tân chấp thuận cấp lại sổ đỏ cho hộ cụ Đầm phần diện tích còn lại. Cuối cùng, sau những động thái tách, nhập thửa với sự giúp đỡ nhiệt tình của một số cán bộ, tháng 9/2013, UBND quận Bình Tân cấp sổ đỏ số CH15940 cho hộ cụ Đầm với diện tích đất 4.679,4 m2.
Vậy là, sau gần 30 năm “còng lưng” với đất, mẹ con bà Hương chẳng còn lại chút gì bởi cuốn sổ đỏ gần 2 ha đất mà mình từng là thành viên có quyền được nhà nước cấp ngày nào, giờ “sạch bóng” tên mình. Những “thủ thuật” hành chính kể trên thật đáng khen và ... đáng trách!
Những câu hỏi lớn đặt ra cho quận Bình Tân và Tòa án
Sau khi chỉ còn lại tên của 2 mẹ con trên cuốn sổ đỏ được cấp, năm 2014, họ tiếp tục chia nhỏ và bán cho nhiều người. Đến lúc này bà Hương mới phát hiện ra. Và “con giun xéo mãi cũng quằn”, bà tiến hành khởi kiện cụ Đầm đòi quyền lợi. Bà không đòi số đất đã bán trước kia mà chỉ đòi quyền lợi cho mẹ con bà liên quan tới hơn 4.600 m2 đất còn lại được cấp cho hộ cụ Đầm năm 2013. Đáng buồn thay, qua cả 2 cấp sơ và phúc thẩm, bà Hương thua kiện. Vì sao?
Thứ nhất, về phía chính quyền quận Bình Tân, câu hỏi này không thể không giải. Cuốn sổ đỏ mang số CH15940 cấp cho hộ cụ Đầm, diện tích đất 4.679,4 m2 chỉ là sự chuyển dời từ cuốn sổ trắng cấp cho hộ cụ Đầm từ năm 1995, có 2 sự thay đổi: Diện tích thay đổi và từ 5 nhân khẩu có chung quyền lợi nay chỉ còn 2. Một câu hỏi lớn được đặt ra là: Cơ sở pháp lý nào để UBND quận Bình Tân xóa bỏ quyền lợi của mẹ con bà Hương để trao trọn quyền cho 2 người còn lại? Nếu biết rằng ở thời điểm này, ông Út, bà Hương đã chính thức ly hôn thì câu hỏi này lại càng cần phải giải quyết. Đó là chưa kể, hộ khẩu mới của mẹ con cụ Đầm ở số 719, thực ra chỉ mới được tách ra từ năm 2007 từ khuôn viên nhà 717 An Dương Vương, nơi cư ngụ lâu nay của mẹ con bà Hương, ngay trước thời điểm ông Dương Công Út bắt đầu những toan tính nhằm thâu tóm tài sản chung như đã nói.
Thứ hai, về phía các cấp Tòa. Xin được trích dẫn một đoạn trong án văn của Bản án dân sự phúc thẩm số 48/2020/DS-PT ngày 16/1/2020 của TAND TP Hồ Chí Minh xét xử vụ án này: “Như vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu phân chia quyền sử dụng đất mà nguyên đơn cho rằng đó là phần còn lại trong tổng diện tích đất 19.786 m2 ... được cấp cho hộ gia đình cụ Đầm vào năm 1995; tuy nhiên, GCNQSDĐ được cấp theo Quyết định số 204/QĐ-UB ngày 7/8/1995 đã bị thu hồi, hủy bỏ. Đến nay, GCNQSDĐ số CH15940 ngày 5/9/2013, do UBND Quận Bình Tân cấp cho hộ cụ Đầm là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của hộ cụ Đầm đối với tài sản đang tranh chấp và hộ gia đình chỉ gồm 2 thành viên là cụ Đầm và ông Út. Do đó, yêu cầu phân chia tài sản chung của hộ gia đình của nguyên đơn là không có cơ sở, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ và phù hợp”
Là những người cầm cân nảy mực, chắc chắn Qúy Tòa biết rõ những quyết định thu hồi và cấp mới những giấy tờ kể trên đúng sai chỗ nào. Biết nhưng họ vẫn cương quyết dùng những cái sai của chính quyền để bảo vệ cho những việc làm sai quấy của mẹ con cụ Đầm. Rõ ràng, dường như có sự đồng thuận của cả chính quyền và Tòa án trong việc “giúp” cho nguyên đơn “trắng tay”.
Sai thì phải sửa. Pháp luật phải bảo vệ quyền lợi cho những người được chính pháp luật quy định. Rất mong có một quyết định Giám đốc thẩm cho vụ án trên.