Thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc: “Điểm du lịch hàng đầu thế giới”
Du lịch 07/11/2024 15:44
Tỉnh và huyện cùng cộng đồng đầu tư, tạo hấp dẫn, đắm say lòng người
Tạo hóa đã ban tặng cho tỉnh Vĩnh Phúc “một tòa thiên nhiên” Tam Đảo với 20 đỉnh có độ cao trung bình trên dưới 1.000m, mang vẻ đẹp kì vĩ, độc đáo, bí ẩn, nao lòng.
Chính nơi thung lũng ba dãy núi cao nhất là Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa, mênh mông rừng già, từ năm 1904, cùng với các địa danh Đà Lạt (cao nguyên Lâm Đồng), Sa Pa (trên dãy núi Hoàng Liên Sơn), Bạch Mã và Bà Nà (nằm hai bên đèo Hải Vân), người Pháp đã khai phá và xây dựng nơi đây mà họ gọi là “Hòn ngọc Đông Dương”- thị trấn Tam Đảo thành khu nghỉ dưỡng với 145 biệt thự lớn nhỏ, trường học, trạm Y tế, đồn lính, bể bơi, nhà thờ, sân quần vợt, vườn hoa, đường dạo, đường cho khách du lịch khám phá rừng xanh…
Từ khi đất nước được độc lập, tự do cho đến hôm nay, nhất là mươi mười lăm năm gần đây, thị trấn Tam Đảo luôn được đầu tư xây dựng và phát triển, tạo những dấu ấn quan trọng, tạc tên mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và toàn cầu.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của huyện cùng huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thị trấn Tam Đảo ngày càng lộng lẫy, bề thế, sầm uất. Từ chỗ chỉ có vài cơ sở lưu trú, nay có hơn 200 nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, homestay… chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho hàng vạn du khách.
Chỉ tính riêng năm 2023, ngân sách tỉnh, huyện đã đầu tư gần 28 tỉ đồng nâng cấp các hạng mục, nhất là hệ thống giao thông từ các nơi về thị trấn, tạo nền tảng cho du lịch Tam Đảo phát triển, trong đó hỗ trợ các công trình phục vụ tại khu Du lịch Quốc gia Tam Đảo; cải tạo, nâng cấp trạm xử lí nước thải và hệ thống thu gom nước thải thị trấn Tam Đảo; cải tạo, nâng cấp cống, đường, lan can và cảnh quan khu Thác Bạc…
Mỏ “Vàng” du lịch Tam Đảo vừa khai thác bài bản, vừa đột phá
Khi đặt chân đến mảnh đất “nàng mây xứ Bắc”, có bốn mùa trong một ngày, du khách có cảm giác thư thái với bầu không khí mát lạnh, trong lành cùng với cảnh quan hùng vĩ của rừng già, thơ mộng, trữ tình, xốn xang.
Ngay từ cung đường lên thị trấn, du khách có thể thăm thú, khám phá, vãn cảnh tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - một trong ba Thiền viện lớn nhất Việt Nam; Khu di tích Quốc gia đặc biệt danh thắng - lịch sử - tâm linh Tây Thiên huyền tích, linh thiêng, được về với Quốc Mẫu - dòng giống Tiên Rồng…
Nằm trung tâm thị trấn là Nhà thờ đá sừng sững - Nhà thờ này được người Pháp xây dựng từ năm 1906 ngay đường lên núi Thiên Thị và được tu sửa kiên cố bằng đá theo lối kiến trúc Gothic điển hình vào năm 1937.
Nhà thờ đá Tam Đảo. |
Ẩn mình sâu trong lòng rừng già hùng vĩ là dòng Thac Bạc tung bờm trắng xóa, mát thấu tim. Du khách thả hồn theo tiếng thác đổ, suối reo và tiếng chim muông ríu rít. Giây phút con người như tan chảy vào thiên nhiên bất tận…
Còn nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng, hệ thống các di tích dày đặc, sen cài, đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi như: Đền Chân Suối, đền Đức Thánh Trần, đền Bà Chúa Thượng Ngàn, khu lưu niệm Bác Hồ, Quảng trường trung tâm thị trấn, Cổng trời Tam Đảo, Cầu Mây, leo hơn 1.000 bậc lên Tháp Truyền hình Tam Đảo, rừng Quốc gia Tam Đảo, nhiều nhà vườn trồng su su, chinh phục các đỉnh núi Thạch Bàn, Phù Nghĩa, Thiên Trị, Rùng Rình…
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình, khí hậu mát mẻ, thị trấn Tam Đảo tựa “nàng tiên kiêu sa” ngày ngày đón chào nhiều du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, trầm trồ dung nhan… Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trấn Tam Đảo đã đón khoảng 250 nghìn du khách; doanh thu đạt hơn 108 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kì năm 2023.
Lắng nghe ý kiến của du khách thập phương
Cũng như các khu du lịch trong toàn quốc, du khách đến thị trấn Tam Đảo chủ yếu là để xem, nhìn, khám phá, chơi, ăn uống, ngủ nghỉ. Để du lịch Tam Đảo trở thành điểm đến bốn mùa của du khách, một trong nhiều việc là hãy để tâm lắng nghe ý kiến của du khách! Đó là những câu tự hỏi hoặc những trao đổi giữa du khách với nhau khi họ chạm chân vào thị trấn thần tiên du lịch Tam Đảo…
Quảng bá du lịch thông qua sản phẩm lưu niệm, quà tặng ở thị trấn Tam Đảo thế nào? Những sản phẩm thực có ở thị trấn Tam Đảo đã khuyến khích chi tiêu và tăng sức hấp dẫn cho du lịch Tam Đảo đến đâu? Phát triển du lịch mùa Thu - Đông, đem lại một cảm giác hoàn toàn mới cho du khách khi trải nghiệm bầu không khí, thời tiết tại Tam Đảo đang ở mức nào? Kịch bản kết hợp hài hòa, phong phú giữa du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá và tâm linh, du lịch “cưới”… ở thị trấn du lịch Tam Đảo ra sao?
Những món ăn đặc sản của Vĩnh Phúc nói chung và của thị trấn Tam Đảo nói riêng, gắn liền với tên tuổi của đồng bào dân tộc thiểu số chưa mấy xuất hiện nhiều ở thị trấn Tam Đảo mà du khách hằng mong được thưởng thức bởi “ăn” cũng là sự khám phá và thu hút khách.
Chợ luôn là “sức sống” và “thước đo” bất tận của một địa danh. Thị trấn du lịch Tam Đảo có nên “kiến thiết” một chợ đặc trưng mà hàng hóa chủ yếu là của vùng miền, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” để du khách thấy lạ, thích và mua?
Giá thuê phòng nghỉ, đồ ăn nơi đây đã giúp gì cho sự “kích cầu” để du khách cảm nhận rõ ràng sự ưu ái, mến khách theo kiểu riêng của thị trấn Tam Đảo?
Đường lên thị trấn Tam Đảo có nhiều cua luôn thử thách những tay “lái lụa”, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là đối với khách lạ. Nên chăng, những chỗ quá nguy hiểm, cơ quan chức năng cần làm hệ thống rào chắn phía bờ vực để bảo đảm độ an toàn và tạo sự vững tâm cho du khách đi, về!
Sự bê tông hóa dày đặc đã và đang làm mất nhiều thảm thực vật vốn là nét đặc trưng, duyên dáng, thân thiện của thị trấn du lịch Tam Đảo, thật tiếc!