Tập dưỡng sinh để “làm giàu” cho mình
Nhịp sống văn hóa 07/11/2019 09:43
Lời nói của ông Vũ Khánh Huyền gây cho tôi sự tò mò. Sáng sớm, tôi rảo bộ tới nhà văn hóa làng Do Nha xem các ông ông, các bà tập DSTT. Tuy chỉ là một tổ, song có đến trên 20 người đứng thành vòng tròn, giữa vòng người tập đặt loa, tiếng hô 1,2,3... dõng dạc như thúc giục mọi người. Tôi lại gần cụ Chu Thị Miến đang hít thở đều đều theo nhịp một động tác của DSTT, tay giơ lên giơ xuống rất nhẹ nhàng. Dù thời tiết sáng ấy se lạnh nhưng cụ Miến 84 tuổi vẫn chăm chú luyện tập. Tôi được biết, trước đây cụ Miến bị bệnh hen phế quản rất nặng, nhiều lần phải vào bệnh viện điều trị, nhưng nhờ gần 10 năm liên tục tập DSTT giờ đây, căn bệnh trong người cụ biến mất.
Hơn nửa giờ trôi qua, 20 bài tập DSTT kết thúc, chuyển sang tập múa. Tôi chú ý đến cụ Nguyễn Thị Tươi 80 tuổi, người có nhiều bệnh nặng nhất trong tổ, nào là tiểu đường, huyết áp cao, viêm khớp, đau dạ dày, viêm hành tá tràng... thế mà cụ tập rất điệu nghệ, múa quạt, múa kiếm cứ như diễn viên trẻ. Tôi chờ cho đến kết thúc buổi tập mới dám hỏi chuyện. Cụ nói, không có luyện tập DSTT thì tôi đã “ra đi” từ lâu rồi! Ngồi trò chuyện với tôi, cụ kể: “Lúc đầu, nghe tuyên truyền tôi khó tin nhưng một vài người rủ nhau đi nghe hướng dẫn viên truyền năng lượng ra sao, tập một vài tuần thấy người có vẻ khỏe ra. Một năm, rồi hai năm, người nào cũng thấy bệnh dần dần thuyên giảm cho đến nay không chỉ có tôi mà các bà trong tổ ai cũng nghĩ mình lành bệnh, vui lắm, không đi tập không chịu được, nó đã thành thói quen rồi”... Cụ cười, tôi thấy trong ánh mắt ánh lên nhiều niềm vui. Tôi hỏi: “Sao tổ không mặc đồng phục?”, cụ bảo: Có đấy nhưng chỉ khi nào đi thi mới mặc”. “Thế có được giải không?”. “Có chứ!”.
Một bà ngồi gần đấy cười rất tươi nói: “Sáng nào chúng tôi cũng thấy ông đi bộ qua đây”. Tôi trả lời: “Tôi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đi bộ tập hít thở”, bà liền chia sẻ: “Hít thở là động tác cơ bản quan trọng nhất của DSTT giúp thu năng lượng, tăng không khí, tăng trao đổi chất ở tế bào và mô phổi tạo cân bằng âm dương cơ thể theo đông y (âm dương cân bằng bách bệnh). Tập từ nhẹ đến mạnh, từ thời gian ngắn đến thời gian dài. Tập luyện DSTT tốt lắm ông ạ, tổ chúng tôi giờ ai cũng vui, cũng khỏe, không phải vào bệnh viện, không phải mất tiền mua thuốc, tiết kiệm chi phí và cũng không gây phiền hà cho con cháu”.
Ông Nguyễn Ngọc Tương, Chủ tịch Hội NCT xã Tân Tiến, người đã hai mươi năm có lẻ mua đọc Báo Người cao tuổi niềm nở bắt tay tôi và nói: “Tập DSTT đang là phong trào của NCT trong xã nhà, nhất là xóm Chùa duy trì hơn 10 năm nay. Người nào chăm chỉ luyện tập bệnh đều tiêu tan hết. Có nhiều hội viên mắc dị tật, hệ thần kinh chưa làm chủ được, bản thân đi lại không được, không tập được đầy đủ các động tác, hướng dẫn viên là các hội viên đến tận nhà hướng dẫn tận tình. Phụ thuộc vào sức khỏe, hoàn cảnh, thời gian cho phép, nhiều người sau khi được hướng dẫn, tự tập luyện và sức khỏe được cải thiện trông thấy”.
Mặt trời đã nhô lên, nắng tỏa xuống ngôi chùa làng, chia tay hội viên và ông Tương. Trên đường về nhà, tôi nghĩ, phương pháp tập DSTT thật kì diệu, bởi mang tính khoa học, tính nhân văn sâu sắc, là cội nguồn để làm lành bệnh cho NCT mà không tốn kém. Tập DSTT chính là đang “làm giàu” cho mình, cho xã hội.