Sống chậm...
Đời sống 24/03/2020 09:07
Thích nghi với cuộc sống mùa dịch, đó là cách duy nhất để mỗi người không cảm thấy mệt mỏi bức bối hay hoang mang nghĩ về những ngày tới không biết bệnh dịch sẽ thế nào?
Đi cách li trong vòng 14 ngày, chị Nguyễn Hồng T đã gửi về những đoạn tâm sự rất thật, chị bảo: Mình cảm thấy sốc! Ngày đầu thấy châng lâng vì mọi thứ bỗng dưng đảo lộn, ngày thứ hai thấy bức bối nhớ nhà, ngày ba thấy mệt mỏi và chán chường… Những cảm giác ấy không khiến cho cảm xúc của chị T tốt lên mà chỉ thấy tồi tệ đi. Tuy nhiên, dần dần có thời gian rảnh chị T suy nghĩ về cuộc sống và gia đình, về bố mẹ, bạn bè và công việc, các giá trị tinh thần và tiền bạc… Mọi thứ như lắng xuống, khiến chị nhận ra nhiều giá trị mà từ trước tới giờ do quay quắt trong việc học hành của các con, lo kiếm tiền mà chẳng bao giờ chị nghĩ đến. Chính trong những ngày này lại là những ngày hiếm hoi trong cuộc đời chị. Bình tĩnh để thích nghi với hoàn cảnh và điều kiện đang có, đồng thời nhận ra cái hay cái đẹp của cuộc sống xung quanh.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. |
Với bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, ngày 8/3 vừa qua là ngày ông bắt đầu cách li trong chuỗi 14 ngày sau khi tiếp xúc với 4 bệnh nhân mắc Covid-19. Năm nay 59 tuổi với 35 năm trong nghề y, chưa bao giờ ông Hùng được thức dậy sau 6 giờ và có lẽ cũng chẳng bao giờ được nghỉ 2 ngày liên tiếp. Phải ở trong khu cách li của bệnh viện, ông biết vắng mình, đồng nghiệp sẽ vất vả hơn, nhưng tình thế không thể khác. Và cũng chính thời gian này cho ông được nghỉ ngơi và “sống chậm” lại.
Ông kể: “Việc đầu tiên vào khu cách li là tháo đồng hồ trên tay, cất đi để không nhìn vào đó, đỡ sốt ruột”. Và ông cũng chuẩn bị tâm thế cho mình tốt nhất trong thời gian cách li: “Vào đây để sống chậm một chút thôi. Tôi vẫn tham gia điều hành bệnh viện chứ có ngồi chơi đâu”.
Còn với anh Phạm Cường phải cách li tại nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) thì cho mọi người biết, gia đình anh rất ổn, mọi lương thực, thực phẩm được chu cấp đầy đủ. Buổi sáng cả nhà ngủ dậy đúng giờ như thường ngày. Để tránh thời gian nhàm chán và không xem ti vi quá nhiều vợ chồng anh đọc sách, những cuốn sách anh mua đã lâu mà chưa có thời gian đọc. Còn hai đứa con thì đọc truyện, vẽ và chơi cờ tướng…
Đi trên những tuyến phố Hà Nội trong những ngày này, người dân Thủ đô cảm nhận sự vắng vẻ thưa thớt người qua, tối đến nhiều con ngõ không một bóng người. Mọi người hầu như chỉ ra đường khi đi làm hoặc có việc rất cần - một cảm giác bất an. Tuy nhiên, chính tinh thần cảnh giác cao độ và cảm giác biết sợ ấy góp phần rất lớn trong việc hạn chế sự lây lan. Sống chậm trong mùa dịch, dù bị cách li hay không có lẽ là cách tốt nhất để thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời không để những tháng ngày trôi đi vô nghĩa.
Đối với học sinh và sinh viên cả nước, dịp này nhiều trường áp dụng công nghệ học trực tuyến, học cách quản lí và phân bổ thời gian ở nhà cho thích hợp. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng.
Thủ tướng chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan, ban ngành trong giai đoạn này triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí kinh tế - xã hội, cung cấp những dịch vụ công, sử dụng các giao dịch điện tử trong công việc. Cho nên với nhiều người, không đến trụ sở vẫn có thể làm việc online tại nhà. Còn rất nhiều các giao dịch, thủ tục khác chúng ta có thể thực hiện qua internet - đó cũng là xu hướng tất yếu của thời đại 4.0.