“Sinh con ra thì phải nuôi dạy chúng nên người”
Tâm sự 19/12/2023 15:43
Năm 1961, cụ Đức gia nhập quân đội rồi chuyển ngành về Nhà máy Dệt 8-3 Hà Nội và được kết nạp Đảng năm 1969. Sau đó, cụ chuyển về Công đoàn Công nghiệp nhẹ rồi Công đoàn Tổng Công ty Giấy Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Cụ kết hôn với cụ Mai Thị Chỉ, công tác tại Bưu điện Hà Nội.
Mười năm sau ngày cưới, hai cụ đã sinh 3 con trai. Thời bao cấp, đời sống cán bộ công nhân viên chức còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Cụ tâm sự: Lúc đang khó khăn thì lại “lỡ”, muốn “bỏ” nhưng cụ bà muốn “giữ” và thế là có cháu thứ tư cũng là trai.
Hai cụ được cha ông để lại cho gần 1 sào đất vườn. Để bảo đảm cuộc sống gia đình, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, cụ Đức tranh thủ cuốc đất trồng rau và chăn nuôi lợn, gà. Đến lúc thu hoạch, cụ tranh thủ đi chợ sớm, bán buôn cho nhanh rồi đến cơ quan làm việc. Cụ bà lo việc đưa các con đến nhà trẻ, mẫu giáo. Tiền thu được từ bán rau, bán gia súc gia cầm, hai cụ dùng để mua đường, sữa, thịt, cá... lo đủ chất dinh dưỡng cho các con. Sự quan tâm chu đáo của hai cụ đã giúp cho các con bảo đảm thể lực để phát triển và điều quan trọng là chúng hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ khi kiếm được đồng tiền từ những luống rau, con gà,... 2 con lớn đã giúp hai cụ được nhiều việc, gương mẫu “làm anh“ trong mọi việc để các em noi gương, trong đó có việc bảo ban nhau chăm chỉ học hành, làm ăn lập nghiệp. Đến nay, hai cụ đã có 4 cô con dâu đẹp người, ngoan nết và 9 cháu nội có trai, có gái.
Cụ Đức (thứ nhất phải sang) dự Đại hội Công đoàn Tổng Công ty Giấy Việt Nam. |
Hai cụ xây 4 căn nhà cho các con và ở chung với vợ chồng con thứ ba cùng trong khuôn viên gia đình ấm cúng. Các con trai, con dâu đều thành đạt, kinh tế gia đình ổn định. Cụ có 1 con trai, 1 con dâu là đảng viên, nên thường nói vui: “Nhà tôi đã có Chi bộ Đảng”. Dưới mái ấm những ngôi nhà có 3 thế hệ luôn đầy ắp tiếng nói, tiếng cười trẻ thơ, nhất là trong bữa ăn tối sum họp mỗi ngày vì bữa ăn tối vẫn là bữa ăn chung của cả đại gia đình. Cụ luôn là “nhạc trưởng” khơi nguồn cho những câu chuyện vui sau một ngày làm việc bận rộn của người lớn, học tập căng thẳng của trẻ nhỏ. Qua mỗi câu chuyện của ông bà nội, của bố mẹ các cháu đều có ý nghĩa giáo dục, nuôi dưỡng lòng say mê học tập, biết làm việc vừa sức mình giúp ông bà, bố mẹ, qua đó dạy cho các con, các cháu biết nuôi dưỡng ấp ủ mơ ước hướng tới những điều tốt đẹp.
Từ năm 2003, cụ Đức được bà con tin tưởng bầu làm tổ trưởng và cụ đã làm liên tục đến khi qua tuổi 80. Với tinh thần ý thức của người đảng viên, cụ chủ động tìm hiểu công việc qua hướng dẫn của cán bộ phường, của các đồng nghiệp trên địa bàn dân cư. Tổ cụ có gần 130 hộ dân, với trên 350 nhân khẩu. Ngoài những việc trong chương trình còn xảy ra không ít “chuyện thường ngày ở tổ”, như xác nhận tình trạng hôn nhân; tham gia tổ hòa giải khi xảy ra mâu thuẫn vợ chồng, khúc mắc giữa các hộ, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng tổ dân cư văn hóa,...
Cụ kể: Tổ có 2 hộ nghèo mà nguyên nhân là do họ bị bệnh tật kéo dài và không có vốn làm ăn. Tại buổi họp tổ, cụ ủng hộ 200.000 đồng và vận động bà con với tấm lòng hảo tâm quyên góp giúp đỡ được hơn 5 triệu đồng. Cụ đề nghị với Hội Phụ nữ, Hội CCB cho vay vốn tín chấp; đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế để họ yên tâm đều trị và bệnh dần thuyên giảm, có vốn mở quầy bán hàng tạp hóa. Sau 5 năm, họ đã thoát nghèo bền vững. Thời gian làm tổ trưởng dân phố, cụ có 2 nhiệm kì kiêm Bí thư chi bộ khu dân cư. Năm 2013, cụ được bầu kiêm chức Chi hội phó NCT khu dân cư. Với suy nghĩ: “Đã không nhận nhiệm vụ thì thôi. Khi đã nhận thì phải cố gắng làm cho thật tốt“. Vì vậy, với mọi nhiệm vụ được giao, cụ đều dành hết tâm sức thực hiện nên đều đạt kết quả tốt, liên tục nhiều năm đạt danh hiệu tổ Văn hóa tiên tiến xuất sắc. Tổ cụ và cá nhân cụ đã được UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Mai Động khen thưởng.
Cụ tâm sự: “Làm tốt công tác xã hội cũng là để giúp các con, các cháu hiểu thêm ý nghĩa, vai trò của cộng đồng dân cư đối với đời sống của mỗi gia đình thêm gắn bó tình làng xóm. Các con cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, góp phần tạo sự gắn bó, xây dựng cuộc sống khu dân cư ngày một tốt đẹp”.
Mỗi sớm, vợ chồng cụ cùng nhau đi bộ quanh hồ Đền Lừ gần nhà rồi kết hợp đi chợ mua thức ăn cho cả gia đình. Với nhiều chế độ ăn khác nhau của các con, các cháu nên cũng mất thời gian lựa chọn thực phẩm phù hợp. Hai cụ tuổi cao ăn kiêng nhưng vẫn phải có đủ dinh dưỡng nên mỗi lần đi chợ là hai cụ lễ mễ xách túi lớn túi nhỏ về nhà. Ngoài những lúc họp hành, đi thu tiền thuế đất... cụ ông đưa cháu đi học, chăm sóc chậu hoa cây cảnh, thu gấp quần áo, còn cụ bà trông cháu và lo cơm nước cho cả nhà. Những ngày nghỉ, cả gia đình quây quần bên mâm cơm sum họp. Các con trai, con dâu cùng các cháu nội khỏe mạnh, hiếu thảo, ngoan ngoãn đã làm cho hai cụ và tất cả con cháu đều cảm thấy hạnh phúc.
Hai cụ không cho con tiền bạc mà cho con kiến thức, đạo đức làm người và kiếm sống bằng chính sức lao động của mình. Các con cháu cụ rất tự hào vì có người bố, người mẹ, người ông, người bà luôn tận tâm chăm sóc con cháu và nuôi dạy con cháu nên người. Anh Nguyễn Nhật Anh, con của hai cụ tâm sự: “Anh em chúng cháu có được như ngày hôm nay là do bố mẹ đã dạy chúng cháu cách sống làm người và rèn giũa lối sống thiện chứ không cho chúng cháu nhiều tiền bạc. Chúng cháu phải biết lao động kiếm tiền thì mới thấy quý những đồng tiền mà chính mình phải khó nhọc mới làm ra. Chúng cháu noi gương bố mẹ cháu nuôi dạy các con như ông bà nội đã dạy bố mẹ của chúng”.
Cụ đã thực hiện đúng điều tâm sự: “Sinh con ra thì phải nuôi dạy chúng nên người” và điều đó sẽ mãi còn bởi các con, các cháu của cụ đã biết trân trọng, gìn giữ và nuôi dưỡng.