Quốc hội trao quyền chủ động, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19
Nghiên cứu - Trao đổi 28/07/2021 07:50
Sau gần 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát trên hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ là bi kịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại, gây nên cuộc khủng hoảng toàn diện cho thế giới và là nỗi bất hạnh cho xu hướng tiến bộ của loài người. Đến cuối tháng 7 này, thế giới có gần 200 triệu người nhiễm bệnh, hơn 4 triệu người tử vong. Ở nước ta, dịch bắt đầu xuất hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23/1/2020 là một người ở tỉnh Vĩnh Phúc từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước, làm lây lan tại Hà Nội, ổ dịch lớn nhất là Bệnh viện Bạch Mai. Qua 18 tháng dịch xảy ra tại 59/63 tỉnh, thành phố đến ngày 26/7/2021 đã có 106.347 ca mắc, tử vong gần 524 người. Riêng từ 27/4 đến nay 102.576 ca mắc, 18.570 bệnh nhân được chữa khỏi.
Các y, bác sĩ lên đường với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Nguồn baoquangninh.opmoc.com |
Tính chất phức tạp, khó lường của đại dịch thể hiện trước hết ở tốc độ lây lan đến chóng mặt trên diện rộng và tính nguy hiểm của các biến thể như biến thể Delta. Nếu như đợt đầu bùng phát ở khu vực Hà Nội (từ ngày 23/1đến ngày 15/5/2020) chỉ có 288 ca nhiễm (100% được chữa khỏi), bình quân 3,6 ca/ngày. Đợt 2 từ ngày 7/7/2020 trọng tâm là TP Đà Nẵng và Hải Dương cuối năm 2020 sang đầu năm 2021, nhưng số ca mắc cũng chỉ 2 con số/ngày. Đến đợt 3 tập trung tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tốc độ lây nhiễm tăng lên 3 con số/ngày.
Còn đợt 4 từ ngày 27/4 đến nay diễn ra trên quy mô toàn quốc. Từ ổ dịch là nhóm người truyền giáo Phục Hưng quận Gò Vấp và ca mắc ở TP Thủ Đức, dịch bùng phát đặc biệt nghiêm trọng ở TP Hồ Chí Minh và lan ra 19 tỉnh, thành phố vùng Nam Bộ, một số địa phương Nam Trung Bộ rồi bung ra miền Bắc. Nghiêm trọng đến mức lây lan hầu hết các quận, huyện, mỗi ngày nhiều nghìn ca nhiễm (ngày 24/7 cả nước có 7.969 ca thì riêng TP Hồ Chí Minh 5.396 ca). Thủ đô Hà Nội đang có nguy cơ cao nên từ ngày 24/7 đã phải thực hiện Chỉ thị 16 một cách nghiêm ngặt, v.v…
Cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc với tinh thần quyết liệt hơn, “tất cả cho TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19”. Cả nước dồn tổng lực về điều hành, mọi nguồn lực vật chất, tinh thần, khoa học và công nghệ, trí tuệ và sức lực cho trận chiến “chống dịch như chống giặc” tại nơi tuyến đầu.
Hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước đặt tính mạng, sức khỏe Nhân dân lên trên hết, cùng với đó chăm lo ổn định cuộc sống người dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm an ninh xã hội, duy trì sản xuất, kinh doanh, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.
Vì lẽ đó, tại Kì họp thứ Nhất của Quốc hội Khóa XV, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình đại dịch Covid-19 ở trong nước, Quốc hội đã ra Nghị quyết về “Trao quyền chủ động, mạnh mẽ hơn nữa cho Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19”. Đó là quyết sách để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn, quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, kể cả ban bố tình trạng khẩn cấp (trong tình huống bất lợi về kinh tế, an ninh), sử dụng các biện pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các biện pháp khác với quy định của Điều 54 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hoặc luật hiện hành chưa có để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch Covid-19. Trao quyền cho Chính phủ được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc cách trong việc mua vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, nội địa hóa các thiết bị y tế, thuốc, bảo đảm tự chủ, tự lực, tự cường trong chống Covid-19.
Quốc hội cũng trao quyền cho Chính phủ được sử dụng Chỉ thị, Nghị quyết và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng vào triển khai các biện pháp cấp thiết phục vụ cho phòng, chống Covid-19. Về sử dụng nguồn kinh phí, Quốc hội đồng ý ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt (như khoản 12.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 1271/NQ-UBTVQH-14 về việc sử dụng nguồn tiền tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của năm 2020 vào việc mua vaccine). Chính phủ có quyền duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán, tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt, mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh, cả trong trường hợp cần hỗ trợ cho địa phương phòng, chống dịch Covid-19…
Trên thế giới cũng như ở nước ta, chừng nào đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường thì cuộc chiến còn tiếp tục. Khi thắng lợi, cuộc chiến này để lại những bài học và kinh nghiệm thực tiễn vô giá về hoạt động phòng, chống dịch của Nhà nước và Nhân dân ta nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí kiên cường, quả cảm của các lực lượng tuyến đầu, về những quyết sách đúng đắn, kịp thời và sáng tạo như Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này tại kì họp đầu tiên trong nhiệm kì mới
Khống chế, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên lãnh thổ Việt Nam là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả nhằm đưa đất nước, cuộc sống của Nhân dân trở về trạng thái “bình thường mới” và giành thắng lợi của “mục tiêu kép”…