Quán cà phê... lòng đường Nhà dân... hè phố?!
Đời sống 14/08/2020 11:08
Chúng tôi vất vả lắm mới tiến hành điều tra để làm rõ lí do vì sao lại có sự bức xúc của người dân. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin do các cơ quan thẩm quyền không tích cực hợp tác và đến nay thông tin vẫn chưa được đầy đủ, nhưng với những gì có được, chúng tôi xin có đôi điều phản ảnh.
Đường Dương Quảng Hàm, phường Phước Long, nguyên là đường số 7B. Đường dài 255,7m, từ Nguyễn Tri Phương, sang Phùng Hưng. Toàn tuyến có 46 hộ dân, đại bộ phận là sĩ quan quân đội, công nhân viên quốc phòng và cán bộ nhà nước. Trước đây là con đường đất, đến năm 2011, TP Nha Trang ban hành Quyết định đầu tư thi công con đường, thảm nhựa với thiết kế lòng đường 7m, lề đường mỗi bên 3m. Sau khi hoàn thành vào năm 2012, đường 7B được đổi tên thành Dương Quảng Hàm, cán bộ nhân dân rất phấn khởi vì đường quang, phố vắng, cây cối ngày một xanh tươi.
Tuy nhiên, hai vướng mắc là còn 4 căn nhà nằm gọn trên vỉa hè và một căn nhà vừa nằm trên vỉa hè vừa nằm dưới lòng đường, nhưng đã 10 năm nay không khắc phục được. Nhà nằm trên vỉa hè của các ông, bà: Nguyễn Xuân Thủy, số 74 Nguyễn Tri Phương (đầu đường Dương Quảng Hàm); Nguyễn Thị Tài, số 30/10 Nguyễn Thị Định (góc Nguyễn Thị Định - Dương Quảng Hàm); Nguyễn Đức Tuấn, số 28A và bà Nguyễn Thị Thắng, số 27 Dương Quảng Hàm. Riêng nhà ông Lê Hồng Thái thì một phần nằm trên vỉa hè và một phần nằm dưới lòng đường. Tìm hiểu về khu phố này chúng tôi được biết:
Quán cà phê của chủ khách sạn một nửa nằm trên hè phố, một nửa nằm dưới lòng đường |
Vào cuối những năm 80 thế kỉ trước, các gia đình quân nhân được Trường sĩ quan Hải quân và Trường sĩ quan Không quân phân nhà tập thể. Khoảng những năm 1997, 1998 khi khu tập thể quân đội được chuyển về TP Nha Trang thì Sở Xây dựng đã cấp CNQSDĐƠ và SHNƠ cho các gia đình. Nhà đất của ông Lê Hồng Thái, không rõ được cấp như thế nào, nhưng theo Giấy phép xây dựng (GPXD) số 1323/GPXD-UBND ngày 30/5/2019 thì ngày 19/3/2019 ông Lê Hồng Thái và vợ là Nguyễn Thị Lan được Văn phòng Đăng kí quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà (QSDNƠ) và tài sản khác gắn liền với đất số CS 02391. Theo GPXD thì thửa đất có diện tích 70,8 m2; không có phần nằm trên vỉa hè và dưới lòng đường như quán cà phê hiện hữu.
Làm việc với UBND phường Phước Long và VPĐKQSDĐ chúng tôi không tiếp cận được hồ sơ. Hỏi phường thì phường bảo: Hồ sơ do VPĐKQSDĐ quản lí, nhưng khi làm việc với Văn phòng thì được ông Giám đốc trả lời: Sẽ cung cấp nếu UBND phường yêu cầu. Làm việc với Nhân dân các tổ dân phố Phước An 3, Phước Bình 2, UBND phường Phước Long và TP Nha Trang chúng tôi thấy vướng mắc hiện nay là xuất phát từ chủ trương vận động Nhân dân hiến đất mở đường của TP Nha Trang vào năm 2009. Hồi đó, Thành ủy ban hành Nghị quyết 17, với tinh thần vận động Nhân dân một số xã phường trên dịa bàn thành phố hiến đất mở đường chỉnh trang đô thị. Chủ trương này đạt kết quả khá tốt. Tuy nhiên, khi UBND TP Nha Trang ban hành Quyết định số 5791/QĐ-CT-UBND ngày 23/8/2011 về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kĩ thuật công trình thì lại không đề cập gì đến Nghị quyết 17 của Thành ủy, nhưng về phương án giải phóng mặt bằng thì lại nói rõ: “Nhân dân tự tháo dỡ vật kiến trúc lùi vào đúng lộ giới (13 m), không đền bù (kinh phí khoảng gần 6 tỉ đồng)”.
Do không bồi thường, hỗ trợ và cấp đất tái định cư, nên khi mở đường các hộ dân nói trên không giải tỏa được. Các hộ nằm trên vỉa hè đi không được, ở không xong, phải sống lay lắt, chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Riêng hộ ông Lê Hồng Thái và bà Nguyễn Thị Lan, sau khi được cấp CNQSDĐ vào năm 2019, ông Thái, bà Lan chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Ngọc Anh, theo người dân cho biết với giá 100 triệu đồng/m2.
Ngày 30/5/2019, bà Phạm Thị Ngọc Anh được UBND TP Nha Trang cấp giấy phép xây dựng (GPXD) số 1332/GPXD - UBND. Theo đó, công trình được cấp phép là nhà ở gia đình, tọa lạc trên lô đất nói trên với quy mô: 5 tầng, một tum thang, có chiều cao 20m. Thế nhưng hiện tại căn nhà lại có một tầng hầm, 7 tầng cao và một tum; không còn là nhà ở gia đình như giấy phép mà là khách sạn. Diện tích xây dựng không phải 70,8m2 mà gấp đôi. Theo người dân xung quanh, ngoài mua phần nhà đất của ông Lê Hồng Thái, bà Ngọc Anh còn mua nhà đất hộ liền kề là ông Trần Văn Huân và bà Trần Thị Hoan có diện tích tương tự.
Mặc dù không được UBND phường Phước Long và VPĐKQSDĐ sở TN&MT cung cấp thông tin về nhà đất mà bà Phạm Thị Ngọc Anh nhận chuyển nhượng và xây dựng khách sạn, nhưng thông tin chúng tôi nắm được khá cụ thể như sau.
Một là: Vào thời điểm TP Nha Trang cấp GPXD ở phường Phước Long, không có đường nào mang tên số 7B, theo đó không có lô số 1, dãy B1 như GPXD số 13232 của UBND TP Nha Trang ghi.
Hai là: Theo CNQSDĐ số CS 02391 thì quán cà phê nằm ngoài diện tích đã cấp, do đó sự hiện diện của quán nằm hoàn toàn trên vỉa hè và một nửa nằm dưới lòng đường Dương Quảng Hàm là trái pháp luật.
Ba là: Khách sạn do bà Phạm Thị Ngọc Anh đứng tên, có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng về xây dựng. GPXD cấp xây nhà ở gia đình trên lô đất diện tích 70,8m2, với chiều cao 5 tầng một tum; nhưng chủ đầu tư đã xây dựng khách sạn có tên KIẾN THỊNH GIA 2 APADTMENT trên thửa đất diện tích lớn gấp đôi. Giấy phép không có tầng hầm, nay có tầng ngầm; chỉ được xây dựng 5 tầng, một tum, nay xây 8 tầng.
Qua vụ việc này, chúng tôi đề nghị UBND TP Nha Trang cần thành lập đoàn kiểm tra cụ thể. Nếu xây sai giấy phép thì yêu cầu tháo dỡ phần sai để bảo đảm kỉ cương phép nước, không chấp nhận phạt cho tồn tại. Xem xét xử lí cán bộ giám sát trong quá trình thi công công trình này.
UBND TP Nha Trang cần có một đề án rà soát trên địa bàn toàn thành phố sau khi thực hiện Nghị quyết 17 của Thành ủy, bên cạnh cái được rất lớn, hiện còn những tồn đọng gì cần để có giải pháp khắc phục. Trước mắt, theo kiến nghị của Nhân dân, yêu cầu tháo dỡ quán cà phê 7B. Nếu chủ không tự tháo dỡ thì tổ chức cưỡng chế càng sớm càng tốt.