Phải đối xử công bằng với các con
Cùng suy ngẫm 07/10/2024 10:35
Nghị lực vươn lên của vợ chồng nhà hàng xóm này đáng để mọi người khác phải ngưỡng mộ, khi tôi được biết họ đều từ quê lên thành phố học tập, sau đó ra trường tự lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vậy mà chưa bao lâu cả hai đã phấn đấu, tích cóp mua được căn nhà mấy tỉ bạc…
Thế nhưng, có một “vấn đề” mà tôi thấy ở vợ chồng họ chưa được, hay nói cách khác là chưa chuẩn chỉ, đúng mực trong cách sống, cách giáo dục con cái, khi mà sự công bằng đối với các con là không có. Thông thường với mọi gia đình con nào cũng là con, và các con đều được đối xử công bằng, đằng này với gia đình hàng xóm của tôi thì họ lại không như thế, khi bé gái năm nay 7 tuổi luôn bị cha mẹ mắng mỏ, hờn dỗi, thậm chí còn thường xuyên bị đánh đòn vì không chịu nhường em; trong khi cậu em 5 tuổi luôn được cha mẹ cưng chiều hết mực, kể cả có làm sai trái bất cứ điều gì. Sống gần nên tôi biết bé gái con họ rất ngoan, ngoài lúc học hành còn giúp cha mẹ khá nhiều việc như nhặt rau, lau dọn nhà cửa, rửa chén bát, thậm chí nhiều hôm cha mẹ bận, cô bé còn tắm rửa cho em. Vậy mà cô bé vẫn không “được lòng” cha mẹ. Có lần, chỉ vì cô bé vô ý làm hỏng đồ chơi của em, thằng nhỏ khóc oà lên bắt đền chị, vậy mà con bé bị mẹ đánh đòn. Hay một bữa khác con bé bận học bài, không chơi với em cũng bị cha mắng. Hình như cô bé luôn bị cha mẹ “ghẻ lạnh”, bởi ngoài chuyện đối xử trong cuộc sống ra, thì ngay như chuyện họ mua quần áo cho các con cũng luôn khác thường. Ví dụ như thằng nhỏ luôn được cha mẹ mua cho bao nhiêu thứ, từ quần áo đến giày dép, đồ chơi,… đòi gì là được đáp ứng ngay. Trong khi chị gái của nó chẳng mấy khi được mua sắm quần áo, giày dép.
Ảnh minh họa |
Thấy “bất công” và muốn “đòi” quyền bình đẳng, sự công bằng cho cô bé, nên mấy lần tôi đã “góp ý” với vợ chồng hàng xóm, nhưng hình như lối sống, cách suy nghĩ theo kiểu “trọng nam khinh nữ”, nên không thấy họ thay đổi gì (?!)
Hay như chuyện của gia đình dì tôi. Nhà dì có 4 người con, 3 đứa đầu là con gái, và phải “cố” mãi mới được mụn con trai để lấy người “nối dõi tông đường”, nên vợ chồng dì hết mực nuông chiều cậu quý tử. Từ cái ăn, cái mặc, cho tới bất cứ điều gì có liên quan tới vật chất thì cậu em luôn có phần hơn các chị gái. Do cách giáo dục, ăn ở không công bằng với con cái như vậy nên chính vợ chồng dì phải lãnh “hậu quả”. Đó là khi các con trưởng thành, những người con gái sống không có tình cảm với cha mẹ, trong khi cậu con trai không chí thú làm ăn, lao vào cờ bạc dẫn tới nợ nần chồng chất đã phải bán đất, bán nhà để trả nợ.
Trong cuộc sống vẫn có rất nhiều gia đình cha mẹ đối xử với các con không công bằng. Nhiều ông bố, bà mẹ thương con trai, thờ ơ với con gái; nuông chiều ưu ái con trai, khắt khe xem nhẹ con gái. Không ít gia đình, cha mẹ phân chia đất đai, tài sản theo tình cảm, đứa thương cho nhiều, đứa ghét cho ít, thậm chí không cho. Chính sự phân xử, chia chác không công bằng ấy đã dẫn tới các con mâu thuẫn, gây hấn với nhau.
Để gia đình được hạnh phúc, các con thương yêu, đùm bọc nhau, thiết nghĩ các bậc làm cha làm mẹ hãy đối xử, giáo dục thật công bằng, bởi dù là con trai hay gái đều do mình sinh ra. Lúc các con còn nhỏ, chúng cần được đối xử, giáo dục như nhau; và khi các con trưởng thành, ngoài việc chia tài sản vật chất công bằng thì tình cảm cha mẹ dành, hướng tới các con cũng cần phải được “đồng đều” chứ đừng theo kiểu nhất bên trọng, nhất bên khinh.