Ông ngoại tôi, một người mẫu mực
Tâm sự 23/01/2024 12:05
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân của quê hương giàu truyền thống cách mạng, cụ sớm giác ngộ thoát li tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 6/1944 đến tháng 8/1945 làm liên lạc và đội viên đội tự vệ chống phát xít Nhật và thực dân Pháp. Từ tháng 9/1945 đến tháng 4/1946 làm Bí thư mặt trận Việt Minh thôn Kim Giang, từ thàng 5 năm 1946 đến tháng 10/1947 là cán bộ công đoàn huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây; từ tháng 8/1946 đến tháng 11/1948 là Bí thư chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương xã Hùng Vương, huyện Ứng Hòa; từ tháng 12/1949 đến tháng 7/1950 là Bí thư thanh niên cứu quốc xã Đại Hùng, huyện Ứng Hòa; từ tháng 8/1950 đến tháng 11/1951, tham gia bộ đội chống thực dân Pháp đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu 3; từ tháng 12/1951 đến tháng 7/1952 vào công tác vùng địch hậu bị địch bắt tra tấn tù đày ở Căng Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; từ tháng 8/1952 đến tháng 9/1954, thoát li làm cán bộ công tác thuế nông nghiệp ở xã Đại Cường, tham gia Ban chấp hành và Phó Bí thư Nông hội xã Đại Hùng; từ tháng 10/1954 đến tháng 2/1972 là cán bộ thuế nông nghiệp và thương nghiệp của tỉnh Hà Đông.
Sau 28 năm phục vụ cách mạng của Đảng và Nhà nước, cụ Đoàn Tiến Bồng về nghỉ hưu tại quê nhà thôn Kim Giang, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Cụ nhanh chóng thu xếp ổn định công việc gia đình sau mấy chục năm mới có điều kiện rồi cụ tích cực tham gia công tác xã hội là hội viên Hội NCT, cùng với cụ bà Phạm Thị Sách lao động nông nghiệp tạo điều kiện vật chất - tinh thần để nuôi hai người con trai học hết cấp III rồi đi bộ đội chống Mỹ, cứu nước. Gia đình cụ có 17 người, gồm con trai, gái, dâu, rể, cháu, chắt và một người cháu gái con chú em ruột. Đặc biệt được cụ bà trông nom, quản lí con cháu để cụ ông đi thoát li hoạt động cách mạng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Do tích cực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên ngày 19/8/1945, cụ Đoàn Tiến Bồng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, từ tháng 8/1946 đến tháng 11/1948, cụ là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Đại Cường. Rồi vào công tác ở vùng địch hậu, bị địch bắt tra tấn tù đầy dã man, may mắn cụ được sự giúp đỡ của người tốt, cụ đã trốn thoát về với gia đình và tiếp tục công tác cho đến lúc nghỉ hưu.
Bà ngoại là cụ Phạm Thị Sách, sinh năm 1917, một nông dân chất phác, người vợ, người mẹ và người bà mẫu mực, đảm đang và giàu lòng nhân ái. Cụ có công sinh thành, trông nom quản lí giáo dục con cái và gia đình để cụ ông thoát li hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp và Mỹ… Nhưng do tuổi cao, sức yếu cụ đã từ trần cuối năm Nhâm Thìn 2012.
Từ khi bà ngoại mất, 8 năm nay ông ngoại tôi ở với người cháu gái con chú em. Các con cháu ở Hà Nội và Hải Phòng, hằng tuần, hằng tháng về thăm cụ. Cụ vẫn sử dụng tốt điện thoại giao lưu, thăm hỏi thường xuyên với các cháu đang sống và làm việc ở bên Anh, bên Mỹ. Việc sinh hoạt cá nhân, cụ vẫn tự lo.
Do những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của Đảng và Nhà nước, cụ Đoàn Tiến Bồng đã được khen thưởng: Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; - Bảng vàng gia đình vẻ vang; Huy hiệu chiến sĩ tù đày; Huy hiệu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Gia đình văn hóa; hội viên Hội NCT mẫu mực.