Ông bà nội nuôi 3 cháu mồ côi
Tâm sự 21/12/2023 08:57
Cụ Nguyễn Anh Tôn, 80 tuổi và vợ là cụ Đỗ Thị Tảo, 82 tuổi, đều sinh ra và lớn lên ở làng Hạ Bỳ, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Th?y, tỉnh Phú Thọ. Hai cụ có 4 người con, 3 con gái đã xây dựng gia đình ở riêng, hai cụ ở với con trai là ông Nguyễn Văn Thành. Ông Thành và vợ là bà Nguyễn Thị Hòa, sinh được 3 người con (2 gái 1 trai), khi đứa lớn lên 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi thì cả ông Thành và bà Hòa không may lâm bệnh hiểm nghèo, bỏ các con còn thơ dại ra đi khi tuổi đời của ông bà chưa đến 40.
Cụ Tôn tâm sự: “Đời tôi tham gia quân ngũ, sống chết với quân thù trong thời kì chiến tranh chống Mỹ, không bao giờ bị khủng hoảng tinh thần, thế mà ngày nay gia đình gặp hoạn nạn thế này. Bố mẹ các cháu bỏ con mà ra đi, để lại 3 đứa cháu nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ, tôi nghĩ cực nhọc, không chết theo chúng nó phải chịu, thương cha mẹ chúng mười phần, lại thương các cháu gấp nhiều lần hơn thế. Mọi người trong làng xóm thương cảm cho tôi nhưng cũng không biết làm sao được, chỉ có những lời động viên an ủi, ai có lòng tốt giúp cho bát gạo, đồng tiền hoặc đồng quà tấm bánh cho các cháu để đỡ tủi thân”.
Cháu Phượng đưa con về thăm cụ |
Cụ Tôn là bộ đội nghỉ mất sức, đồng lương chẳng được là bao. Còn cụ Tảo là nhân viên hộ sinh ở trạm xá cũng chỉ được mấy đồng phụ cấp. Khi ngồi xuống mâm ăn, 2 cụ và 3 cháu mồ côi, với bát rau muống luộc chấm tương, vừa ăn vừa nghẹn ngào không sao nuốt nổi. Một niêu cơm nấu trộn với khoai, sắn, ông bà nội chọn những miếng khoai sắn để ăn, còn phần nhường cho mỗi cháu được một bát cơm. Những khi có cháu nào mệt nhọc, ốm đau phải đi bệnh viện, mua thuốc lại phải vay mượn bà con xóm làng.
Cụ Tôn nghẹn ngào nói: “Có lần tôi phải đích thân đến tận Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (làng SOS) để xin gửi vào đó một, hai cháu nhờ nuôi giúp. Trung tâm đã nhận lời, tôi đã mừng đưa các cháu vào đó được nuôi dưỡng, ăn uống đủ đầy, lại được học hành chu đáo. Khi trở về nói với các cháu, tôi tưởng các cháu sẵn sàng đi để ngày mai chuẩn bị, vừa nói xong tin này 3 cháu đều ôm nhau khóc nức nở, không cháu nào muốn đi. Các cháu đều nói dù có chết 3 chị em cháu cũng không rời nhau, ở nhà cùng ông bà, đói no, rau cháo có nhau, thế nào chúng cháu cũng chịu được. Nghe các cháu nói mà lòng chúng tôi quặn lại, không sao cầm được nước mắt”.
Thế rồi hai cụ bàn nhau, ta phải cố gắng khắc phục thôi, tìm cách để nuôi các cháu, nếu mình ngại khó buông xuôi thì các cháu sống sao được. Hai cụ nói với nhau, dù khó khăn thiếu thốn đến mấy cũng phải nuôi các cháu ăn học nên người. Lúc đó, cháu lớn Nguyễn Thị Phượng, 10 tuổi, học lớp 3; cháu thứ hai là Nguyễn Thị Thủy, 7 tuổi, học lớp 1; cháu út Nguyễn Văn Vượng, 3 tuổi, học mẫu giáo. Cả nhà chỉ có 1 chiếc xe đạp, sáng ông đưa cháu nhỏ đến trường, rồi lại quay về đón cháu lớn, trường học cách nhà một cây số. Cứ thế kéo dài trong 6 năm, sau được Hội Chữ thập đỏ tặng cho cháu Phượng một chiếc xe đạp mới, từ đó cháu Phượng đi một mình, còn hai cháu nhỏ vẫn phải ông đưa đi đón về ngày 2 lượt. Bà làm việc ở trạm xá xã, hết giờ lại đi ra cánh đồng tìm các loại rau bầu, rau bí, ra chợ mua vài lạng tôm, lạng tép về làm thức ăn cho các cháu.
Thời gian cứ trôi đi gần 20 năm trời, đến nay, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cháu Phượng đi học sư phạm mẫu giáo về dạy lớp mầm non của xã và đã xây dựng gia đình, có 2 con; cháu Nguyễn Thị Thùy đang học đại học năm thứ 3; còn cháu út Nguyễn Văn Vượng vừa tốt nghiệp THPT, chuẩn bị đi học nghề để vào làm việc trong một công ty ở địa phương. Cuộc sống của vợ chồng cụ Tôn đã được thảnh thơi một chút, không còn lo nghĩ như những năm nuôi các cháu còn nhỏ đang ăn học.
Cụ vui vẻ nói với mọi người: “Trời không dấp cổng nhà ai, cứ ăn ở lành hiền, có phúc sẽ có phần, vững tin vào lòng mình, làm những điều thiện, nhất định sẽ được vượt qua giông tố”.
Đến ngày giỗ bố mẹ, vợ chồng cháu Phượng đưa 2 chắt về thăm các cụ. Đứng trước bàn thờ tổ tiên các cháu nói lời cảm ơn ông bà đã hết lòng thương yêu các cháu, nuôi dạy các cháu lớn khôn thành người, ông bà là người các cháu kính yêu nhất trên cõi đời này, không bao giờ chúng cháu quên được công ơn trời biển của ông bà.
Hai cụ Nguyễn Anh Tôn và Đỗ Thị Tảo cũng đã nhẹ lòng, thanh thản với tuổi già, khi làm tròn nhiệm vụ của ông bà nội đối với các cháu mồ côi cha mẹ.