Nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế
Nghiên cứu - Trao đổi 12/04/2022 08:37
Điển hình nhất là 2 năm (2020-2021) đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều ngành sản xuất đình đốn nhưng nông nghiệp vẫn đạt thành tựu vượt trội, tăng trưởng 2,8 đến 3%/năm, bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu đạt kỉ lục: 48,6 tỉ USD…
Thành tựu vượt trội
Nông nghiệp nước ta có những tiềm năng, thế mạnh lớn: Đất trồng trọt 10 triệu ha canh tác; hơn 14 triệu ha rừng trồng; có khả năng sản xuất cả 3 nhóm: Nông sản nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới với hàng nghìn giống cây, con, thổ sản quý hiếm. Hằng năm sản xuất 43 - 45 triệu tấn thóc, 5 triệu tấn ngô, 5,8 triệu tấn các loại thịt, 8 triệu tấn thủy sản, 20 triệu mét khối gỗ rừng; sản lượng cà phê thô đứng thứ hai thế giới; hạt tiêu đứng đầu thế giới; cao su đứng thứ 6 thế giới; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu gần 100 triệu dân, là cường quốc xuất khẩu gạo đến với 190 nước, vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu gạo 45 tỉ USD trong những năm qua.
Trong nông nghiệp, đóng góp cao nhất về tăng trưởng là ngành trồng trọt. Sản lượng năm 2021 đạt 43,5 triệu tấn thóc, tăng 800.000 tấn so với 2020. Về lâm nghiệp, xuất khẩu đạt 16,5 tỉ USD, nhất là gỗ và đồ gỗ, đang phấn đấu cán đích 20 tỉ USD. Về thủy sản, khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, vừa phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất, tận dụng cơ hội nhu cầu thị trường, giá tốt, xuất khẩu thủy sản các tháng cuối năm đạt 9 tỉ USD. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỉ lục 48,6 tỉ USD. 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, 6 nhóm hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, tôm, gạo, rau quả, cao su) mỗi nhóm đạt trên 3 tỉ USD, riêng gạo 6,24 triệu tấn, thu 3,29 tỉ USD…
Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long |
Rõ ràng, mặc dù chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng của dịch bệnh, song nông nghiệp vẫn trụ vững, vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, trước hết bảo đảm an ninh lương thực, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,74%, đóng góp 23,54% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Qua đó, thấy rõ nông nghiệp là một ngành kinh tế bao trùm, một cấu trúc kinh tế - xã hội, chứ không phải một ngành kinh tế đơn lẻ; bởi nó đem lại cuộc sống và lợi ích của hàng chục triệu con người.
Dư địa của kinh tế nông nghiệp vô cùng lớn, có khả năng làm gia tăng giá trị tăng trưởng so với các ngành khác trong nội hàm nền kinh tế. Từ đó, cần có giải pháp đột phá, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp còn là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề hiện thực hóa công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhận rõ khuyết tật, vượt lên thách thức
Theo đường lối của Đảng, để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của toàn bộ nền kinh tế, phải cơ cấu lại theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biển đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển tư duy từ sản xuất dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy tăng giá trị, thay đổi tỉ trọng chứ không chạy theo sản lượng. Muốn vậy, cần khắc phục những khuyết tật, bất cập, yếu kém còn hiện hữu.
Nước ta là một cường quốc xuất khẩu gạo nhưng lại là nước nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho nông nghiệp rất lớn (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngô, đậu tương để sản xuất thức ăn chăn nuôi…). Về cơ bản, nông nghiệp của ta là nền sản xuất thô về sản phẩm, thấp về đẳng cấp, thiếu tính liên kết trong nội bộ ngành và với công nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ… tạo ra quá nhiều tầng nấc trung gian trong chuỗi giá trị (các nước chỉ có 2-4 tác nhân trung gian còn ở nước ta 5 -7 tác nhân).
Năng suất lao động trong nông nghiệp của ta vào loại thấp nhất thế giới. Năm 2018, năng suất bình quân 39,8 triệu đồng/lao động. So với Malaysia khu vực nông lâm thủy sản họ có năng suất gấp 12 lần, Indonesia cao gấp 2,4 lần, Thái Lan cao gấp 2,1 lần, Philippine cao gấp 1,8 lần nước ta…
Nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều thách thức. Trong đó trực tiếp, lâu dài là phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khí hậu. Trên hành tinh có 21 loại thiên tai thì Việt Nam chịu ảnh hưởng của 19 - 20 loại.
Hiện sản xuất nông nghiệp của chúng ta chủ yếu thâm canh, mang tính quảng canh, dựa trên thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, lấy sản lượng và năng suất là chính, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa và bảo vệ môi trường. Nông nghiệp chưa gắn với công nghiệp thành một hệ thống bổ sung, tương tác nhau. Đầu tư cho nông nghiệp hạn chế và dàn trải. Thủy lợi kém hiệu quả; thiếu phương tiện, kĩ thuật, công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch. Chế biến quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Mô hình sản xuất chậm đổi mới, hình thức tổ chức sản xuất là nông hộ chiếm 90% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Chậm tích tụ ruộng đất. Số hộ nông dân không trực tiếp sản xuất chiếm tới 17%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng thiếu bền vững, nhiều hộ tái nghèo. Chủ trương giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 40-41% vào năm 2015 đến nay vẫn không đạt. Mô hình doanh nghiệp, HTX chủ yếu nhỏ, siêu nhỏ. Doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình hội nhập không đáng kể. Điều đó nói lên nền sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, nhiều rủi ro, giá cả đầu ra bấp bênh, giải cứu nông sản hết cây này đến con khác, hết năm này qua năm khác. Chưa tận dụng tốt các Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước. Nông sản phụ thuộc 70% vào thị trường Trung Quốc, phần lớn lại xuất khẩu theo đường tiểu ngạch…
Tầm nhìn của nông nghiệp đến năm 2030 - 2045 là xoay quanh 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại và Nông dân thông minh là hướng phát triển một nền nông nghiệp từ sản xuất sang kinh tế, từ thiên về năng suất, sản lượng sang tích hợp đa giá trị, từ cung ứng những mặt hàng có thể sản xuất sang đáp ứng đa dạng nhu cầu theo chuỗi giá trị hội nhập với xu thế phát triển toàn cầu.