Nội tôi - người vun đắp truyền thống gia đình cách mạng
Tâm sự 26/03/2024 10:32
Trong kí ức của ba tôi là những tháng ngày thiếu vắng tình thương của cha. Bởi khi ba chưa đầy 3 tuổi thì ông nội đã hi sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ cách mạng. Bà nội tôi tên Nguyễn Thị Vẹn, sinh năm 1925, nay thuộc ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, trong một gia đình gia giáo có 8 anh chị em, và qua lời mai mối giới thiệu, bà được gả cho ông nội khi vừa tròn 18 tuổi.
Ông nội tôi tên Thi Văn Xà, sinh năm 1924, xưa thuộc xã Mỹ Hạnh, tỉnh Hậu Nghĩa - Chợ Lớn, nay thuộc xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Ông biết đọc thông, viết thạo tiếng Pháp nên được phân công làm thư kí xã Mỹ Hạnh. Năm 1952, ông hi sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ. Sự ra đi của ông không chỉ là mất mát to lớn không chỉ với Đảng, với cách mạng mà còn là đối với gia đình, khi bà nội phải một mình nuôi dạy 2 bác trai và ba tôi. Ông mất, lòng căm thù giặc trong bà càng sâu sắc, chính điều đó đã thôi thúc bà hăng hái năng nổ hơn trong từng hoạt động của Hội Phụ nữ xã Mỹ Hạnh lúc bấy giờ.
Bà nội tôi được chụp tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An năm 1997. |
2 bác tôi tên Thi Văn Hy, sinh năm 1944 và Thi Văn Sinh, sinh năm 1946. Tiếp nối truyền thống gia đình, khi lớn lên 2 bác hăng hái lên đường đánh đuổi quân xâm lược. Năm 1967, bác Hy cùng với 12 đồng đội đã anh dũng hi sinh trong một trận chiến với quân thù; khi ấy, bác vừa 22 tuổi, để lại 2 con nhỏ cho bà và bác gái nuôi dưỡng. Nỗi đau khi hay tin bác Hy ngã xuống chưa được nguôi ngoai thì 1 năm sau, bà lại nhận được tin bác Sinh hi sinh trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.
Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, trong 2 năm liên tiếp, bà mất đi hai người con thân yêu. Khi lớn tôi mới hiểu được ý nguyện của bà là không ai mong muốn chiến tranh xảy ra, dẫu biết rằng đưa hai bác lên đường ra trận là đạn bom ác liệt, không hẹn ngày về nhưng bà luôn nghĩ như những ngày ông nội còn sống, luôn hướng các con theo Đảng, theo cách mạng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Quyết định của bà xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước, là lòng căm thù giặc sâu sắc, nối tiếp truyền thống của gia đình cách mạng.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước được thống nhất, bà và ba cùng nhau tham gia hợp tác xã, tăng gia sản xuất luân canh tăng vụ, cùng nhau ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng quê hương đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Năm 1997, bà được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có chồng và 2 con hi sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Bà được các đoàn thể, chính quyền các cấp thăm hỏi sức khỏe và ra sức “đền ơn đáp nghĩa” đúng với đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Công ty đường Hiệp Hòa tại thị trấn Hiệp Hòa đã nhận phụng dưỡng bà đến cuối đời. Cùng năm đó, bà được Chủ tịch nước có thư mời ra Hà Nội thăm viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng vì lí do sức khỏe bà không thể ra thăm Bác
Nhà truyền thống xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. |
Hằng năm, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), bà được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể từ xã đến tỉnh đến đón mời dự lễ mít tinh kỉ niệm. Sau chuyến đi, bà đưa tôi xem tấm hình được chụp tại nghĩa trang huyện. Đó là bức ảnh màu đầu tiên của bà trong chiếc áo dài tay màu xám tro, cổ tròn, khuy bấm. Tư thế nghiêm trang, tay phải đặt trên bàn, tay trái đặt trên đầu gối, tóc búi cao sau đầu.
Dù hằng tháng, bà vẫn được Đảng, Nhà nước trợ cấp tiền vợ, mẹ liệt sĩ, tiền phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhưng bà vẫn sống rất tiết kiệm. Tuy tuổi thất thập nhưng bà rất minh mẫn và khỏe mạnh. Dù lúc đó tôi chỉ mới 10 tuổi nhưng đến nay đã ngần ấy năm tôi không thể nào quên những kí ức năm nào. Trưa Hè nóng oi bức, bà quạt cho tôi ngủ. Vẫn với khay trầu quen thuộc, vẫn cục thuốc rê xỉa nhỏ nơi khóe miệng cùng chiếc khăn rằn vắt vai, bà thường hay kể cho anh chị em tôi nghe về những năm tháng đạn bom ác liệt của chiến tranh; dạy bảo chúng tôi phải trân trọng cuộc sống hòa bình; phải cố gắng học hành thật tốt để không phụ lòng những người đã khuất. Năm 2001, bà mất sau trận bạo bệnh. Sự ra đi của bà để lại niềm tiếc thương đối với con cháu.
Tôi may mắn khi được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Có được niềm hãnh diện ấy, tôi xin ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà nội và cha mẹ tôi, để anh chị em tôi được học tập và sinh sống trong hòa bình.
Để có được cuộc sống hạnh phúc, ấm no như hôm nay, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã hi sinh xương máu. Tôi và những người sống trong hòa bình hôm nay, luôn tâm niệm và tự hứa với lòng: Sống và cống hiến để xứng đáng với sự hi sinh của những người đi trước.
Những kí ức về bà nội tôi, về những câu chuyện bà thường hay kể, với tôi không có giấy mực nào viết trọn hết. Tôi luôn nhớ mãi người bà kính yêu qua những câu hát trong bài “Người mẹ của tôi” (nhạc sĩ Thụy Vân): Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con lần lượt ra đi mãi mãi…