Niềm vui tuổi già
Cùng suy ngẫm 01/12/2020 15:43
Niềm vui tuổi già trước hết là được an nhàn, nghỉ ngơi. Đó cũng là điều hợp với lẽ tự nhiên, khi đã dành cả tuổi trẻ cho học hành, chăm lo sự nghiệp; dành cả tuổi trung niên cho công việc, gia đình. Khi mệt nhoài với những năm tháng mưu sinh, đã ở bên kia cái dốc của cuộc đời thì chẳng niềm vui nào hơn là được nghỉ ngơi; được tự thưởng cho mình những phút giây nhàn nhã, vui với những ý thích của mình. Đến tuổi già, người ta thường thích chơi hoa, cây cảnh, vui thú vườn tược. Đó thực sự là những người bạn hồn nhiên, trong sáng; là không gian yên tĩnh, thanh khoáng để ta tìm về với bản thể của chính mình; để được thư thái, di dưỡng tâm hồn…
Ảnh minh hoạ |
Nhiều người, nếu không hiểu, sẽ tỏ ra khó chịu khi thấy người già cứ mãi nhắc chuyện quá khứ. Ông tôi cũng vậy! Mỗi lần gặp ông là những năm tháng gian khổ; là thời kì tham gia chiến tranh vệ quốc hào hùng lại được ông kể tường tận với niềm vui, niềm say mê đến lạ kì, dù những câu chuyện ấy ông đã kể cho con cháu nghe không biết bao nhiêu lần! Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi khi ta đã già, không còn đủ sức lực để thực hiện những điều lớn lao thì tự hào với những gì đã làm được cũng là động lực để sống tốt với hiện tại, để thế hệ con cháu vững vàng tiếp bước.
Vợ chồng tôi lập nghiệp nơi đất khách, thường giữ thói quen cuối tuần gọi điện về quê hỏi thăm sức khỏe bố mẹ hai bên, rồi cho các con nói chuyện với ông bà. Có khi vì tất bật với công việc, quên hoặc chưa kịp gọi điện về là bố mẹ ở quê lại gọi điện vào. Nhiều khi hốt hoảng, vội bấm máy nghe, vì tưởng có chuyện gì nhưng rồi đáp lại, bố mẹ bảo: “Bố mẹ nhớ các con các cháu nên điện thôi chứ ở nhà mọi việc vẫn ổn cả!”. Thế đấy. Đôi khi mãi tất bật với công việc, mưu sinh, chúng ta chẳng nhận ra niềm vui của bố mẹ khi về già chỉ đơn giản là mong được vui vầy bên con cháu, được con cháu quan tâm.
Tôi lại cũng đã từng chứng kiến nhiều bậc cha mẹ, ông bà, vì nhớ con cháu có thể lặn lội hàng trăm cây số từ quê lên phố. Vậy nhưng, nhiều người chỉ ở được dăm bữa nửa tháng lại mong được trở về quê sống, dù con cháu chẳng để cho thiếu thốn gì về vật chất. Là bởi, nhu cầu về vật chất của người già không còn nhiều. Điều họ muốn là có được một không gian yên tĩnh, rộng rãi để nghĩ ngơi, suy ngẫm; được cởi mở qua lại với hàng xóm, láng giềng; mong có những người đồng tuổi, đồng cảnh cùng hàn huyên, tâm sự… Tất cả những sở thích, niềm vui ấy dễ gì đạt được giữa phố xá thị thành xô bồ, tấp nập.
Niềm vui lớn nhất của ông bà, cha mẹ khi tuổi đã xế chiều có lẽ là được thấy con cháu từng bước trưởng thành, thành đạt. Mọi sự nỗ lực của mỗi người trong cuộc đời không chỉ nhằm khẳng định giá trị của bản thân hay cống hiến cho xã hội, đất nước mà còn là để tạo đà, làm cơ sở nền tảng cho thế hệ sau được tiếp nối, phát triển hơn nữa. Bởi vậy, chẳng món quà nào ý nghĩa bằng đối với mỗi người khi đã già là thấy con cháu được học hành đến nơi đến chốn; là các con các cháu lần lượt yên bề gia thất, khỏe mạnh, thành công,… Và nhất là tất cả các thành viên trong đại gia đình luôn giữ được nếp nhà, thuận hòa, hiếu hạnh.
Tuổi già là tuổi đáng được kính trọng, được hưởng nhiều niềm vui. Nhưng làm thế nào để tuổi già được vui lại cần sự nhận thức, quan tâm, đồng cảm rất lớn từ phía các thế hệ trẻ!