Những người ghi giữ hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Đời sống 14/07/2022 08:41
Từ năm 15 tuổi, bà là họa sĩ của báo Phụ nữ giải phóng, mang trong ba lô là bút màu, giấy vẽ, phản ánh tinh thần chiến đấu của phụ nữ miền Nam. Hòa bình lập lại, họa sĩ Ái Việt giảng dạy tại Trường đại học TP Hồ Chí Minh và nuôi ý định làm một điều gì đó tri ân cho những người mẹ của Tổ quốc.
Từ ngày 19/2/2010, bà chính thức vẽ những bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng đầu tiên qua các chuyến đi với chiếc xe Chaly cũ. Bà tâm sự, “Khi gặp các mẹ, tôi đều có cảm nhận rằng, tôi là con của các mẹ, một đứa con chưa từng gặp mặt, một đứa con từ phương xa tới. Vì tôi chính là đồng đội của con các mẹ”. Hành trình vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng là cuộc chạy đua một mình qua bao cung đường khói bụi, sông sâu, núi cao, nhưng người họa sĩ già vẫn vững niềm tin. “Với tôi, khi nghĩ đến các mẹ như là tâm điểm để tôi đi đến thì không gì có thể cản bước được. Nếu hỏi rằng, trên đường đi, có gặp khó khăn gì hay không thì với tôi là không”.
Họa sĩ Ái Việt và bức chân dung |
Còn nhà báo, chiến sĩ, nhiếp ảnh gia Trần Hồng tâm sự: “Tôi về công tác ở Báo Quân đội Nhân dân, nên có điều kiện tiếp cận với nhiều nỗi đau mất mát của người vào trận. Tuy nhiên, khi đến địa phương thì lại gặp những người mẹ phải chịu đựng nhiều nỗi đau hơn. Tôi mải mê làm nhiệm vụ của Tòa soạn nhưng vẫn dành khoảng 30% thời gian để chụp các bà mẹ”. Năm 1995, nghệ sĩ Trần Hồng tổ chức cuộc triển lãm ảnh mang tên “Chân dung mẹ”. Một nhà báo Mỹ đến xem đã nói rằng: “Tôi đã nhìn ra nguyên nhân tạo nên sức mạnh để các ông chiến thắng. Đó là tất cả những người con của Mẹ Việt Nam khi làm bất kể việc gì, dù là ở mặt trận giữa cái sống và cái chết, họ luôn nghĩ về mẹ và muốn làm việc gì tốt nhất để chạy về khoe với mẹ. Mẹ là nguồn lực tạo nên chiến thắng của dân tộc”.
Bao nhiêu bức ảnh chân dung người mẹ có được và đến giờ vẫn lưu giữ bên mình là biết bao nhiêu lần nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng rong ruổi về mọi miền quê để tìm tòi, khám phá từ những người mẹ nhân từ, vĩ đại. Bộ sưu tập ảnh của ông chụp về người mẹ có khoảng gần 2.000 bức và mỗi bức là một câu chuyện đầy cảm động.
Nhà giáo Nguyễn Đức Viên, ngoài việc đứng lớp còn có một đam mê lớn đó là nhiếp ảnh. Sau những giờ giảng dạy, thầy lại tay máy lên đường sáng tác, ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống.
Với cách tri ân rất riêng của mình, hễ biết ở đâu trên mảnh đất Thái Bình có Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống là ông lại đến tận nơi để ghi lại hình ảnh của các mẹ. Sau gần 2 năm, ông đã giúp cho tỉnh Thái Bình lần đầu tiên có một bộ ảnh về Mẹ Việt Nam anh hùng đầy đủ. Đó là những tư liệu sống động nhất về những nhân chứng, nhân vật lịch sử, các Mẹ Việt Nam anh hùng trong đời thường dung dị, gần gũi, thân thương, từ đó toát lên hình ảnh cao đẹp của bà mẹ Việt Nam.