Những kỉ niệm đẹp về ông nội
Tâm sự 29/03/2024 09:59
Nhà ông nội ở phía trước nhà tôi cách chỉ một cái sân và mảnh vườn nhỏ. Ngày đó, nhà tôi chưa có đồng hồ báo thức. Nhà ông có chiếc đồng hồ con gà. Tôi đi học cấp III ở trường huyện cách nhà 15 cây số. Sáng nào cũng vậy, cứ bốn rưỡi sáng từ dưới nhà ông lại mở cửa sổ gọi tôi dậy đi học. Tiếng gọi của ông tận bây giờ vẫn còn vang vọng trong giấc mơ của tôi, dù bây giờ tôi đã hơn 60 tuổi.
Ông tôi có 13 người con, 7 trai, 6 gái (ông có 2 đời vợ). Ông rất coi trọng việc học nên dù lúc ấy còn khó khăn nhưng ông bà đều cho bố tôi và các cô các chú đi học hết cấp II hoặc cấp III rồi đi công tác. Chú San tôi là người học giỏi nhất, sau này chú làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ông thường dặn bố mẹ tôi và các cô, các chú: “Nghèo đói đến đâu cũng cố gắng cho các cháu được học đến nơi đến chốn”. Ông bảo với bọn tôi: “Các cháu cố gắng học cho giỏi để sau này làm người có ích cho xã hội, sau này đi công tác cuộc sống đỡ vất vả”. Ông là tấm gương sáng về ham học, ham đọc sách. Chú tôi hay đem sách, báo về cho ông đọc. Ông thích lắm và giữ gìn cẩn thận từng tờ báo, quyển sách. Ông giỏi chữ Nôm, ông còn biết cả tiếng Pháp. Các con, các cháu ai học giỏi, được khen ông vui lắm. Tôi là cháu đích tôn của ông. Ngày tôi được tuyển thẳng vào lớp 8 trường cấp III, ông vui lắm. Ông xoa đầu tôi: “Cháu ông giỏi lắm! Cố gắng học cho giỏi con nhé!”.
Cây đa do ông nội trồng. |
Đặc biệt, ông nghiêm khắc nhưng rất bao dung với các con, các cháu. Có lẽ thế nên gia đình nhà tôi dù đông anh em nhưng mọi người sống với nhau rất hoà thuận, yêu thương. Không có sự phân biệt con bà cả, con bà hai. Ông bà yêu thương các con các cháu như nhau. Tôi còn nhớ mãi, năm ấy tôi đang học cấp III, hôm ấy nhà ông làm giỗ cụ, tôi giúp ông lau dọn bàn thờ. Tuy học lớp 9 rồi nhưng tôi vẫn nhỏ bé lắm, lúc bê cái án gian xuống để lau vì tay tôi yếu lại cố với để bê án gian nên chiếc án gian khẽ nghiêng đi và “choang”, tôi giật mình hốt hoảng nhìn xuống đất, chiếc ấm sứ vỡ tan tành. Đó là cái ấm sứ Trung Quốc rất đẹp ông thường dùng để pha trà khi có khách đến chơi. Tôi tái mét mặt không nói được câu nào. Mọi người trong bếp chạy ra. Chú tôi kêu lên: “Thôi! Vỡ mất cái ấm rồi”. Ông để tay lên vai tôi, vỗ vỗ nhẹ: “Không sao đâu cháu. Tại ông để cái ấm dưới gầm án gian cháu không nhìn thấy”. Ông bảo mọi người: “Vỡ rồi thì thôi. May không rơi vào chân cháu là tốt rồi”. Tôi thấy nhẹ cả người và cảm ơn ông đã không trách mắng. Ông đã cho tôi một bài học quý về cách ứng xử khi người khác mắc lỗi.
Tôi còn nhớ có thời gian ông làm Đội trưởng Đội trồng cây của xã, ngoài việc trồng cây theo kế hoạch của xã, ông còn vận động mọi người trồng cây ở nhà để lấy gỗ làm nhà, làm cửa; trồng cây trên những chỗ trống ở các ngã ba, ven đường làm cây bóng mát. Gần nhà tôi có cái dốc cao mọi người đi làm về hay ngồi nghỉ trên đỉnh dốc. Ông đã trồng cạnh đỉnh dốc một cây đa. Đến bây giờ cây đa đã toả bóng um tùm, mát rượi một vùng. Rễ cây lan xa đan kín bờ đất khiến bờ đất cheo leo mà không bị sạt lở. Chiều Hè, bọn trẻ thường hay tụ tập chơi quanh gốc đa. Nhặt lá rụng chơi trò trâu lá đa. Ngắm đàn sáo sậu nhảy nhót chuyền cành hót ríu ran. Giờ đây, mỗi lần đứng ngắm cây đa, tôi lại nhớ ông vô cùng.
Năm ông 67 tuổi, một buổi chiều đi cày về trời mưa bão, ông tôi bị tai biến phải đi điều trị ở bệnh viện huyện. Lúc đó, tôi đã đi dạy học nhưng vào thời gian nghỉ Hè nên tôi cùng với cô tôi đi nuôi ông ở bệnh viện. Sau một thời gian điều trị, sức khoẻ ông đã ổn định nhưng bị liệt nửa người phải tiếp tục châm cứu và vật lí trị liệu. Hằng ngày tôi xoa bóp chân tay cho ông và dìu ông tập đi. Dù việc tập đi rất khó khăn nhưng ông vẫn kiên trì và chịu khó tập luyện. Ông bảo tôi: “Cháu chịu khó giúp ông tập đi, ông phải cố gắng luyện tập chứ nếu ông mà phải nằm liệt một chỗ thì khổ các con, các cháu lắm”.
Khi ra viện, về nhà ông bảo chú tôi buộc mấy cái sào tre vào hai hàng cột trong nhà để ông dựa vào đó tập đi. Nhiều lần bị ngã thâm tím mặt nhưng ông vẫn kiên trì luyện tập. Cứ thế, dần dần ông chống gậy tập đi không cần phải có người đỡ và cũng không dựa vào hàng sào tre buộc ở cột nữa. Tay phải ông bị liệt, ông tập làm mọi việc bằng tay trái. Ông tập viết bằng tay trái. Ông viết gia phả họ. Ông viết các bài cúng cho bố tôi và các chú vì trước đây ngày giỗ, ngày tết của gia đình các con đều nhờ ông tôi cúng. Ông còn viết lại cách xem ngày tốt để làm các việc cưới, hỏi, làm nhà làm cửa rồi hướng dẫn chú tôi. Trước đây, mọi người trong làng khi có công to việc lớn đều nhờ ông chọn ngày tốt giúp.
Ngày đó, ở quê tôi có nghề se bẹ ngô, dây đay để dệt thảm xuất khẩu. Sau mùa thu hoạch ngô, nhà nào cũng se bẹ ngô, dây đay bán cho Hợp tác xã lấy công điểm. Ông tập se dây đay bằng tay trái. Bà tôi và các chú tôi không cho ông làm bảo ông nghỉ cho khoẻ. Ông cười và bảo: “Cứ để ông làm. Vừa để vận động cho khoẻ người vừa thêm thu nhập cho gia đình”. Ông quét nhà, quét sân, cho gà cho lợn ăn. Ông không chịu ngồi yên. Nhờ vận động thường xuyên mà ông khoẻ hơn. Ông đi lại nhẹ nhàng hơn và chủ động được mọi sinh hoạt. Đến bây giờ, anh em, chú cháu tôi vẫn bảo nhau phải học tập ông về tinh thần rèn luyện sức khoẻ.
Mùa Hè năm 1990, ông tôi bị tai biến lần thứ hai. Bố tôi và các chú tôi đưa ông đi viện cấp cứu nhưng không kịp. Ông đã về với tổ tiên, để lại cho gia đình tôi nỗi thương xót khôn nguôi.
Thỉnh thoảng tôi vẫn hay mơ về ông như ngày ông còn sống. Những kỉ niệm đẹp đẽ về ông sẽ còn mãi trong tôi.