Những “điểm mờ” của vụ kiện cần làm rõ (Tiếp theo)
Pháp luật - Bạn đọc 15/10/2021 13:29
Hồ sơ vụ án thể hiện trong đơn khởi kiện 20/2/2017 và lời khai tại Tòa án, bà Trâm cho bà Hiền vay 9 tỉ đồng từ năm 2015 đến năm 2016; bà Trâm khởi kiện bà Hiền là đúng quan hệ pháp luật về tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Tuy nhiên, khi đơn khởi kiện của nguyên đơn có thể hiện sai về đối tượng, thì TAND TP Long Xuyên có nghĩa vụ thông báo trả lại đơn khởi kiện và yêu cầu sửa đổi đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 192 và 193, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 56/2018/DS-ST ngày 3/10/2018 của TAND TP Long Xuyên (Bản án sơ thẩm số 56), Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định quan hệ tranh chấp là hợp đồng vay tài sản: Bên cho vay là bà Trâm, bên vay là bà Hiền. Nhưng TAND TP Long Xuyên lại triệu tập ông Nguyên tham gia tố tụng với tư cách bị đơn là thể hiện sai về đối tượng bị khởi kiện, dẫn đến việc sai về áp dụng pháp luật. Trong khi những chứng cứ bà Trâm cung cấp cho Tòa án đã không chứng minh được việc ông Nguyên ủy quyền cho bà Hiền (vợ ông Nguyên) vay tiền của bà Trâm để sử dụng vào mục đích chung. Đây thể hiện rõ ràng việc Tòa án triệu tập ông Nguyên với tư cách là bị đơn là không đúng quy định tại Điều 26, 27, 28, 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Quyết định Giám đốc thẩm số 195/2019/DS-GĐT ngày 14/10/2019 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. |
Tại Tòa, ông Nguyên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Trâm, vì ông hoàn toàn không biết, không vay mượn tiền với bà Trâm và chưa nhận thông báo đòi nợ hoặc phải yêu cầu ông trả nợ từ bà Trâm. Mặt khác, việc kinh doanh quán Cafe Today House là do ông Nguyên trực tiếp quản lí, bà Hiền chỉ phụ trách phần quản lí nhân sự; hai vợ chồng đã li thân từ năm 2015. Việc bà Trâm khởi kiện yêu cầu ông Nguyên liên đới trách nhiệm cùng bà Hiền trả nợ; và yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa tài sản chung của vợ chồng ông Nguyên, bà Hiền là ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông Nguyên. Đây là cơ sở để ông Nguyên yêu cầu HĐXX đình chỉ giải quyết vụ án, trả đơn khởi kiện cho bà Trâm.
Trong Bản án dân sự sơ thẩm số 56/2018/DS-ST ngày 3/10/2018 của TAND TP Long Xuyên, nhận định: “Đối với yêu cầu của nguyên đơn bà Trâm yêu cầu bị đơn bà Hiền và ông Nguyên liên đới trách nhiệm trả số tiền 9 tỉ đồng và lãi suất theo quy định của pháp luật từ ngày 1/11/2016 đến này xét xử”. Như vậy, theo nhận định này, bà Hiền là bị đơn dân sự và ông Nguyên là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan quy định tại Khoản 4, Điều 68, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Cần một quyết định tái thẩm công minh, đúng pháp luật!
Bản án sơ thẩm số 56/2018/DS-ST của TAND TP Long Xuyên có dấu hiệu nhận định sai về đối tượng trong quan hệ tranh chấp Hợp đồng vay tài sản; và triệu tập ông Nguyên tham gia tố tụng với tư cách bị đơn. Do vậy, nhận định sai về nội dung vụ án khi áp dụng Điều 27, Luật HN&GĐ năm 2014 về trách nhiệm liên đới của vợ chồng.
Theo ông Nguyên, TAND TP Long Xuyên tỉnh An Giang đã “quên” Khoản 3, Điều 213, Bộ luật Dân sự năm 2015: “Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”. Như vậy theo quy định của Khoản 2, Điều 24 Luật HN&GĐ: “Vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau, xác lập và thực hiện chấm dứt giao dịch mà theo quy định của luật này, luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của 2 vợ chồng”. Thực tế, ông Nguyên không làm giấy ủy quyền cho bà Hiền giao dịch vay mượn tiền của bà Trâm, thì TAND thì TAND TP Long Xuyên không có cở sở để áp dụng Điều 27, Luật HN&GĐ.
Hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, cho thấy thẩm phán Phạm Thị Minh Châu chưa làm rõ việc: Bà Trâm giao tiền cho bà Hiền mục đích để làm gì? Mệnh giá những lần cho vay tiền như thế nào? Việc vay tiền có được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự hay là mức bà Trâm cho bà Hiền vay vượt trần 20%/năm? Nếu bà Trâm cho bà Hiền vay tiền vượt quá 20/% thì có phải là việc cho vay nặng lãi hay không? Tất cả những nghi vấn “điểm mờ” này chưa được HĐXX phiên tòa sơ thẩm làm rõ.
Bản án Phúc thẩm số 51/2019/DS-PT ngày 10/4/2019 củc TAND tỉnh An Giang đã giải mã “điểm mờ” của bản án sơ thẩm của TAND TP Long Xuyên, tuyên buộc bà Hiền trả nợ gốc và lãi cho bà Trâm là hơn 10 tỉ đồng. Tuyên buộc ông Nguyên không phải liên đới trách nhiệm trong việc vay mượn nợ của bà Hiền. Nhưng bản án phúc thẩm vẫn triệu tập ông Nguyên là bị đơn.
Và Quyết định Giám đốc thẩm số 195/2019/DS-GĐT ngày 14/10/2019 vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tiền”, vẫn xem xét và nhận định với tư cách tham gia tố tụng của ông Nguyên là “bị đơn”.
Như vậy, 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã xác định sai tư cách tham gia tố tụng của bị đơn cũng như quyết định Giám đốc thẩm đã không phát hiện ra những vi phạm này. Đây là cơ sở để ông Lê Minh Nguyên trông chờ một quyết định tái thẩm công minh, đúng pháp luật để xem xét lại toàn bộ vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản giữa bà Võ Thị Thúy Hiền với bà Trần Bích Trâm.
Những “điểm mờ” của vụ kiện cần làm rõ Ông Lê Minh Nguyên, ở 80/5A Thoại Ngọc Hầu, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên cho rằng, việc ông Nguyên bị TAND TP Long Xuyên ... |